ĐĂNG KÝ EXNESS - SÀN UY TÍN NHẤT HIỆN NAY

Monday, December 9, 2019

Đạo trading - Phần 9: Hiểu mình



HIỂU MÌNH 

Thị trường tài chính vận hành theo nguyên lý riêng của nó, giống như mỗi môn cờ có luật chơi riêng vậy. Mỗi trader đều có quyền tự chọn nước đi (hành vi mua bán) tùy theo nhận thức của mình: đó là nghiệp, là sự tự do lựa chọn, là gieo “nhân” để gặt “quả” thắng thua. Sau từng giao dịch, bất kể vị của nó đắng hay ngọt thì bạn nên sáng suốt đón nhận nó và học ra các bài học cho mình. Điều thú vị là chính cái nghiệp này là con đường giác ngộ, giúp chúng ta nhận ra sự thật của trading và giải thoát khỏi trói buộc của nó cho dù chúng ta vẫn tiếp tục công việc này hay từ bỏ nó. 

Nếu bạn đã tham gia giao dịch bằng tiền thật (real trade) chắc hẳn bạn đã nhận ra những trói buộc tâm lý như tham lam, sợ hãi, lo lắng, hy vọng... rất nguy hiểm trong nghề trading. Làm sao để thoát khỏi những trói buộc này? Đây là một câu hỏi lớn trong nghề nghiệp của trader và cũng là một câu hỏi lớn trong cuộc sống của con người. Một trader từng trải đã nhận ra con đường để thoát dần khỏi sự kềm tỏa đó là “hiểu rõ mình” : 

“Anh không bao giờ bỏ nó đi được, chỉ ráng kiềm nó thôi. Mà muốn được như thế anh phải tự biết mình. Anh phải tự học về những cái thua và thắng của mình. Học đến lúc anh sẽ phân biệt được TẠI SAO anh thắng, và tại sao anh thua? Trong trò chơi này dĩ nhiên có nhiều việc ngoài tầm kiếm soát của chúng ta, nhưng những gì chúng ta làm được thì nên làm. Còn chuyện hên xui thì không tính được rồi. Việc đầu tiên của việc trading là viết nhật ký. Anh viết về lối phân tích của anh TRƯỚC và SAU khi anh mua bán. Anh cứ làm như thế mỗi lần mua bán. Dần dần anh sẽ thấy được cái hay và cái dở của chính mình. Anh sẽ thấy anh "nhát" đến đâu, và anh cũng sẽ thấy anh "dở" đến đâu. Thị trường chỉ có 3 hướng đi chính. LÊN, XUỐNG, và Đi Ngang. 2 trong 3 hướng đi đó sẽ làm anh từ Huề cho đến Thắng. Thế nhưng người vào cuộc chơi lại thua nhiều hơn thắng. Tôi không biết anh ở market nào, currency hay stocks. Nhưng nếu bên currency thì là từ 80-90% là thua. Câu hỏi được đặt ra là với 2/3 (66%) dựa theo hướng đi của market là từ huề cho đến thắng, vậy thì con số 80-90% thua trong market này là vì ai? Vì anh hay là vì market? Anh trade lâu thì anh sẽ thấy rõ cái tánh của mình thêm. Rất nhiều người thua, trong đó có tôi, không biết tại sao mình thua. Việc đầu tiên trong việc thắng thua là đổ lỗi cho người khác, cho market. Ít ai chịu đi tìm về lỗi của mình. Khi thấy được cái "dở" của mình thì lúc đó anh mới tiến được. Đến một lúc nào đó khi nhìn chart formation là anh nhớ đến lỗi xưa. Khi thấy được cái này thì cái thua sẽ giảm dần đi, và từ từ anh sẽ gỡ lại số tiền đã thua. Financial trading là thế đó. Chứ không phải ai có phép tắc gì để thấy được tương lai. George Soros, người hùng của currency trading, thành công trong nghiệp trade không phải vì ông ta có một system trade hoài không thua, nhưng ông ta có một cái nhân sinh quan khác người. Ông ta suy luận về con người, về phản ứng của nó trong những trường hợp khác nhau. Áp dụng lý thuyết này vào trading, Soros làm chủ thiên hạ. Bởi vậy cho nên trading thật ra là một mind game. Mind game là vì người chơi với người, chớ không phải người chơi với máy. Người với người thì làm sao anh đoán được, đúng hông? Anh có bao giờ yêu chưa? Có nghe câu thơ "đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần buồn" hông? Đó cũng là a mind game. Trading cũng thế. Trong tình yêu thì có thương và hận; trong trading thì có FEAR & GREED. Và anh sẽ bị hai cực điểm này trì kéo cho đến khi anh hiểu mình để không bị chi phối nữa. Thì lúc đó sát xuất thắng của anh sẽ cao hơn hiện tại.” - VietCurrency 

Tiếp theo, chúng ta tham khảo thêm quan điểm của Mark Douglas, một chuyên gia tâm lý trading. Ông nhấn mạnh vào nhân tố “niềm tin” đứng phía sau các sai lầm giao dịch trong quyển sách Trading in the zone như sau: 

“Nếu bạn thực sự tin rằng kết quả giao dịch là không chắc chắn thì có bao giờ bạn xem xét một giao dịch mà không xác định rủi ro trước? Có bao giờ bạn do dự cắt lỗ nếu bạn thực sự tin rằng bạn không biết diễn biến tiếp theo? Còn những lỗi giao dịch khác như giao dịch hấp tấp (jump the gun)? Làm thế nào mà bạn dự đoán được một tín hiệu mà nó chưa biểu hiện ra trên thị trường nếu như bạn không bị thuyết phục rằng bạn sẽ lỡ sóng. Tại sao bạn để một lệnh thắng biến thành lệnh thua, hay không có kỹ thuật chốt lãi mang tính hệ thống nếu như bạn không bị thuyết phục rằng thị trường sẽ còn đi theo hướng của bạn mãi? Tại sao bạn do dự hoặc không dám vào lệnh nếu như bạn không bị thuyết phục rằng lệnh đó sẽ thua tại ngay điểm vào lệnh? Tại sao bạn phá vỡ nguyên tắc quản lý tiền bằng cách giao dịch khối lượng quá lớn so với vốn trong tài khoản và ngưỡng cảm xúc chịu đựng thua lỗ nếu như bạn không quả quyết chắc chắn? Cuối cùng, nếu bạn thực sự tin vào sự phân bố ngẫu nhiên giữa lệnh thắng và lệnh thua thì bạn có bao giờ cảm thấy rằng thị trường phản bội bạn? Giả sử như bạn tung đồng xu và đoán đúng, chắc bạn sẽ không kỳ vọng đúng tiếp trong lần tung sắp tới chỉ vì bạn đã đúng trong lần trước đó.” 

Theo tôi, lập luận của Mark Douglas là rất logic nhưng ít hiệu quả trong thực tế trading. Thứ nhất, chúng ta thấy rằng khó có thể xây dựng niềm tin vững chắc dựa trên một đối tượng thị trường luôn biến hóa, không rõ ràng; trong khi ít trader có đủ quỹ thời gian và tiền bạc cho nó. Điều thứ hai quan trọng hơn là “niềm tin” mà chúng ta chủ động cài đặt xuống vô thức chỉ hình thành trong thời gian ngắn; trong khi đó, các cảm xúc ham muốn, ưa ghét,... là những tập khí đã tích lũy từ lâu đời và mỗi khi bị kích thích thì chúng có khuynh hướng phá vỡ những niềm tin “chưa đủ vững chắc”. 

Nếu trader được hướng Tâm đúng đắn ngay từ khi bắt đầu vào nghề thì cái Tâm của anh ta sẽ có cơ hội rèn luyện sớm để trưởng thành và không bị đắm chìm trong phiền não nghề nghiệp; giống như một người uống rượu mà vẫn hoàn toàn tỉnh thức, thấy rõ sức khỏe và phản ứng của cơ thể, chỉ uống khi cần, biết liều lượng để dừng, luôn làm chủ hành vi của mình vậy. Có một câu nói mà tôi rất thích là “Tôi không phải là một chuyên gia tâm lý hoặc trading. Tôi chỉ là chuyên gia về chính mình”. Vâng, tôi sẽ tiếp tục trình bày dưới đây những nguyên lý “hiểu mình” để trở thành chuyên gia của chính mình! 

1. GỐC RỄ 

Trong khi huyền thoại đầu cơ J. Livermore chỉ đích danh các kẻ thù chính trong nghề trading là sự tham lam, sợ hãi, hy vọng, ngây thơ (greed, fear, hope, ignorance) thì tỷ phú đầu tư W. Buffett hướng dẫn chúng ta khai thác chúng qua câu nói nổi tiếng “Tham lam khi người ta sợ hãi, sợ hãi khi người ta tham lam”. Tuy nhiên, hầu hết người ta không chỉ ra được gốc rễ của sự tham lam, sợ hãi và làm thế nào để đối trị chúng có hiệu quả. Nếu đã trải nghiệm giao dịch thực tế, bạn sẽ nhận ra tham lam - sợ hãi là hai lực co kéo chi phối trong thị trường tài chính và cũng là nguồn gốc của hầu hết phản ứng sai lầm và gây phiền não trong công việc. Chúng đến từ đâu vậy? 

Trong trading thì chúng rất dễ xuất hiện như một trader đã chia sẻ: “Bạn mở một tài khoản với tiền thật và giao dịch với khối lượng nhỏ nhất mà công ty môi giới của bạn cho phép. Điều này sẽ mở ra một thế giới hoàn toàn mới về “gã tí hon trong đầu bạn”, “con người trong gương” và “quái vật quỷ ma” trong bạn. Đôi khi bạn thấy chúng được gọi chung là “con người thứ hai”. Chúng là thứ tiếng nói bên trong bảo bạn “làm một phần đi thôi”, “giao dịch này sẽ hiệu quả nếu bạn chộp lấy”, “đã lâu rồi bạn chưa giao dịch, tốt hơn là ta vào cuộc thôi”, “lẽ ra vào lệnh thì đã thắng ”. - Strat @ http://www.stratsforextrading.com 

Tâm lý học phương Tây cho rằng gốc rễ của chúng là từ vô thức của con người. Nhà tâm lý học Sigmund Freud, người được công nhận là đặt nền móng và phát triển lĩnh vực nghiên cứu về phân tâm học đã viết như sau: 

“Vô thức là những sự kiện tâm linh cá nhân, chìm khuất trong góc tối của tâm hồn và không bao giờ biểu hiện, không thể dùng ý chí để điều khiển được. Nó là động cơ tiềm ẩn, có khi trở nên mãnh liệt, thôi thúc hành động đến mức không kiểm soát được, không hợp với lý trí. Vô thức được ví như phần chìm của tảng băng tâm linh, góp phần quyết định trong việc hình thành các khuynh hướng của mỗi cá nhân. Trong vùng vô thức liên tục diễn ra cuộc đấu tranh giữa bản năng với bản ngã, giữa phần "con" và "người" và bản năng sẽ bị dồn nén lại trong hàng rào kiểm duyệt không cho vượt qua lên tầng ý thức được. Nên những xung lực này chỉ biểu hiện phần nào trong các giấc mơ và phần lớn trong các chứng loạn thần kinh. Vô thức nằm ở đáy sâu tăm tối của tâm linh nên không thể thực nghiệm và không thể khảo sát được bằng các trắc nghiệm.” 

Vậy thì làm sao chúng ta có thể giải quyết một vấn đề mà không thể xâm nhập vào gốc rễ của chúng? 

Chúng ta tiếp tục tìm kiếm câu trả lời cho vấn đề này từ Đạo học phương Đông. Tôi hiểu ra rằng quá trình hình thành cái “gốc rễ” ấy là một quá trình tích lũy liên tục kể từ khi con người được sinh ra trong cuộc đời này: 

“Con người từ lúc mới sơ sinh đã biết hướng ra thế giới bên ngoài để thu thập những thông tin cần thiết cho đời sống. Đến bốn năm tuổi đã tích lũy được những sở tri cơ bản để có thể xử lý những sinh hoạt thông thường. Sau đó nhờ học tập từ gia đình, bè bạn, học đường và cộng đồng xã hội; kết hợp với khả năng tư duy, chiêm nghiệm, phán đoán mà kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng v.v... ngày càng phong phú, đa dạng và cũng càng phức tạp hơn. 

... Cái sai đưa đến phiền não, khổ đau, chán chường, thất vọng v.v... chính là vì con người không biết rằng mình đã dần dần bị dính mắc, sa lầy, lệ thuộc vào thế giới bên ngoài đến độ hoàn toàn bỏ quên chính mình. Đó là sự vong thân, tha hoá mà Albert Camus đã phát hiện khi thấy mình không còn là chính mình nữa, mình đã trở thành kẻ lạ mặt không biết tự bao giờ! 

Trên mỗi đối tượng tiếp xúc hàng ngày, bạn không ngừng gia thêm những tình cảm, chẳng hạn như ưa, ghét, tham, sân v.v... rồi tùy thuộc vào những cảm tính đó bạn chủ quan chọn lựa, lấy bỏ. Ở một mức độ nào đó, điều này xem ra cũng là chuyện bình thường, nhưng khi những thái độ này ngày càng được tích lũy, vun bồi, gia tăng, phát triển cho đến khi trở nên quá sâu dày, kiên cố, thì bắt đầu trở nên vô cùng nguy hiểm! Tại sao? Lý do là bạn đã hình thành những thành kiến, cố chấp, hận thù, oan kết hay những say mê, chìm đắm trong thế giới bên ngoài, đến độ bạn đánh mất khả năng trở lại chính mình. 

Điều này biểu hiện quá rõ đối với những người ghiền cờ bạc, rượu chè, ma tuý v.v... Nhưng thật ra, ít nhiều gì mỗi người cũng đã từng sống trong một mức độ vong thân nào đó. Bằng chứng là khi thương yêu hay thù ghét, khi thất bại hay nhục nhã v.v... thì ai cũng có thể quên ăn, mất ngủ, sợ hãi, lo âu, thẫn thờ, thất chí v.v... Kết quả tâm lý ấy đơn giản chỉ vì đã bị dính mắc quá sâu vào ngoại cảnh. Lúc đó, dù muốn an bình, thanh thản chỉ trong chốc lát thôi cũng không dễ gì có được!” – (Thiền sư Viên Minh) 

Từ đó, tôi cũng hiểu rằng trong quá trình tích lũy liên tục ấy, mọi thứ vật chất và tinh thần bị thu hút vào hình thành các lớp quanh tôi, nhưng cuối cùng "Tôi là ai?" thì lại rất mơ hồ. Có lẽ là câu hỏi này cũng bí ẩn như câu hỏi về vô thức vậy? Thật may mắn cho loài người chúng ta là những vấn đề trên đã được Đức Phật khám phá ra cách đây khoảng 2500 năm. Không những thế, Ngài còn chỉ bày cụ thể cho loài người con đường vượt thoát mọi trói buộc của chúng. Các yếu tố chướng ngại trong trading mà J. Livermore đã nêu ra chính là ba thứ tam độc tham sân si, còn những tiếng nói ồn ào trong tâm trí con người là những tư tưởng miên man xuất phát từ kho ký ức tích lũy trong suốt cuộc đời của chúng ta. 

Trước khi đi vào chi tiết, tôi muốn nói trước rằng việc xem xét áp dụng đạo Phật để giải quyết các vấn đề trong nghề trading chỉ dừng ở góc nhìn tâm lý mà thôi. Tôi xin mượn lời của nhà văn hóa Bùi Mộng Hùng: 

“Hành vi luận (behaviourisme) nêu lên một vấn đề lý thuyết căn bản : truyền đạt cho người khác những sự kiện nội tâm – vốn là cái rất riêng tư thầm kín của mỗi cá nhân – có thể được hay chăng ? Vấn đề chẳng giản đơn. Đối với một nền tâm lý học có tham vọng khách quan thì lại càng hóc búa. 

Có điều, đạo Phật không đặt trọng tâm tâm lý học của mình nơi điểm đó. Vì rất thực dụng. Chỉ nhằm cho bạn cho tôi cho mỗi ai ai trong chúng ta đều có thể tự mình biết lấy mình. Đặt vấn đề như vậy thì thử hỏi ngoài phương pháp lấy lòng tự xét lòng còn có cách nào khác chăng ?... 

Tâm lý học nhà Phật đứng trên quan điểm động, nhìn cả bề dày kích thước lịch sử của sự sống. Phân tích những thành phần tâm lý cá nhân, đã đành, nhưng nó còn đi sâu vào nguyên nhân và điều kiện hình thành tâm lý một con người. Vì vậy mà phân tích các cơ quan, các chức năng sinh lý làm nền tảng cho đời sống tâm lý... 

Lĩnh vực của tâm lý gồm hoạt động của các giác quan và của hệ thần kinh. Trong đó dĩ nhiên có hoạt động tâm thần. Nhưng vì nhận định rằng không thể quan sát " tâm " một cách khách quan được, tâm lý học ngày nay tránh đề cập trực tiếp vấn đề này. Chỉ xét tâm một cách gián tiếp qua hành vi, qua những biến số của tâm lý....cái khái niệm nhà Phật không ngừng nhắc tới nhưng tâm lý học ngày nay cố tình tránh né : CÁI TÂM... 

Phân tâm học phân tích ra "cái tôi", "cái trên tôi" và ngừng với những khái niệm ấy. Nhà Phật cũng theo con đường tương tự đến khái niệm "tôi". Nhưng phân tích đến tận cùng cái "tôi" này thì chỉ thấy toàn là những trạng thái phù du tiếp nối nhau. Vì thế mà nhận định "tôi" để rồi vượt qua và phủ nhận "cái tôi".” 

Nếu bạn thực tâm đi tìm giải pháp rốt ráo cho các vấn đề tâm lý trong trading thì nên bỏ qua thành kiến về tôn giáo để mở lòng tiếp nhận những tư tưởng mới mẻ, bởi vì “công phu tu tập trong Phật Giáo nhằm mục đích kiểm soát tâm, và sự kiểm soát nầy có thể thực hiện được nhờ hiểu biết chân chánh và tư tưởng trong sạch.” - Narada Mahathera. 

Phần này tôi sẽ sắp xếp các vấn đề lớn gồm có: nguyên nhân phiền não, quá trình nhận thức (tiến trình tâm), bản ngã và ngũ uẩn được dựa trên sự giải thích của các bậc thầy tâm linh để cố gắng trả lời các câu hỏi đã đặt ra. Vì hiểu biết còn hạn chế nên tôi không thể tự diễn đạt được các vấn đề thâm sâu này mà xin phép được trích dẫn nguyên văn nhiều đoạn từ các tác phẩm “Thực tại hiện tiền” và “Sống trong thực tại” của thiền sư Viên Minh. 

1.1 NGUYÊN NHÂN KHỔ TÂM LÝ 

Các loại khổ tâm lý đều là ảo giác và bị thúc đẩy bởi một động lực chung đó là vô minh. 

A. Nguyên nhân khổ 

1. Thế giới là gì? 

Người ta thường tưởng rằng, bên ngoài là thế giới, bên trong là tôi. Tôi và thế giới bên ngoài là hai thực tại khác biệt nhau. Không phải vậy, thế giới là gồm tất cả cái đang hiện hữu bên trong chúng ta cùng với toàn thể cái hiện diện bên ngoài. Chữ Loka trong Pāḷi có nghĩa là thế gian, bên trong cũng Loka mà bên ngoài cũng Loka. Nội tại và ngoại tại thật khó mà phân ranh. Nếu chúng ta hỏi: cái gì ở bên ngoài? Bên ngoài có phải là ngoài toàn bộ cái thân tâm này không? Không phải, tạm nói thế giới là toàn bộ cái chủ thể bên trong và những đối tượng bên ngoài. Nhưng trên thực tế chẳng có gì là nhất định bên trong, chẳng có gì là khẳng quyết bên ngoài cả ... 

Thế giới vận hành như thế nào? Thế giới biểu hiện sự vận hành hỗ tương giữa lục căn, lục trần và lục thức, gọi là 18 giới: 

Căn => Trần => Thức 

Nhãn (mắt) sắc nhãn thức (thấy) Nhĩ (tai) thanh nhĩ thức (nghe) Tỷ (mũi) hương tỷ thức (ngửi) Thiệt (lưỡi) vị thiệt thức (nếm) Thân xúc thân thức (đụng chạm) Ý pháp ý thức (biết) 

Giới là những lãnh vực được phân biệt theo tánh, tướng, thể, dụng... riêng. Khi chúng tương giao với nhau thì trở thành những chuỗi vận hành của sự sống. Và cũng từ đó sinh ra vạn pháp trong thế giới tâm sinh vật lý này. 

Vậy pháp thực tại là chuỗi vận hành liên tục và luôn luôn đổi mới, nên chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng với một cái nhìn tinh tường trong sáng thì mới thấy được. Không đơn giản như chúng ta thường nói: “khi mắt nhìn thấy sắc thì có cái biết của mắt phát sanh, đó là nhãn thức” mà nó phức tạp hơn chúng ta tưởng nhiều. Con mắt luôn thay đổi, cái thấy không lúc nào giống nhau, nên nhãn thức cũng phải biến hóa liên tục, phải không? Không phải pháp đã “nhậm trì tự tánh” rồi là nó cứ đứng yên một chỗ đâu. Nó luôn luôn biến chuyển, đổi thay một cách sinh động, khó lường. 

2. Sự vận động của 18 giới 

Khi mắt tiếp xúc với sắc, xúc ấy chỉ thành hình khi có sự cộng tác của nhãn thức: 

Mắt + sắc + nhãn thức → Xúc 
Vậy khi nói mắt tiếp xúc với sắc tức là ngầm nói toàn bộ sự vận hành tập khởi trên. Sự vận hành ấy cuối cùng sao chép lại một hình ảnh về sắc, hình ảnh đó gọi là pháp. Cũng vậy, tâm sao chép lại về thanh, hương, vị, xúc (vật thể sờ được bằng cảm giác của thân) đều gọi là pháp (chữ pháp dùng đây chỉ giới hạn trong nghĩa hình ảnh lưu giữ lại của sắc, thanh, hương, vị, xúc...) 

Đến đây, vấn đề trở nên khá tế nhị, nó bắt đầu sự vận hành toàn diện của tiến trình tâm - sinh - vật lý, vì vậy chúng ta sẽ thận trọng quan sát từng giai đoạn. Khi mắt thấy sắc và thu nhận hình ảnh của sắc đó, thì ... cảm thọ sẽ xảy ra. Cảm thọ này có ba loại là: khổ, lạc và xả. Nếu xúc ấy tạo một cảm giác khó chịu, ấy là khổ thọ, nếu dễ chịu thì lạc thọ. Nếu cảm giác trung bình không khó chịu, không dễ chịu, tức không khổ, không lạc, là xả thọ. Đấy là sự kiện thật đang diễn ra chứ không phải là do lý luận mà có, không phải do lập trường quan niệm của lý trí vọng thức, mà sự thật ấy diễn ra ở mọi người, nên ai cũng có thể cảm nhận được, thấy được một cách như thật. 

Khi mắt thấy sắc, không phải chỉ có nhãn thức khởi lên mà còn có cả thân thức và ý thức (như khi thấy tia sáng chói mắt, một bông hoa đẹp,) cùng khởi nữa. "Cái thấy" của mắt chỉ có thọ xả, còn thân thức mới có khổ hay lạc. 

Tương tự như vậy đối với tai, mũi, lưỡi. Riêng đối với thân chỉ có thân thức và ý thức. 

Còn trong ý thì có khổ, lạc không? Ở nơi ý, khổ được gọi là ưu, lạc được gọi là hỷ. 

Trở lại sự vận hành. Khi mắt thấy sắc, ví dụ đèn chói, khó chịu, mắt đau – khổ thọ. Khổ thọ không ở nơi nhãn thức, nơi cái biết của mắt, mà chính là thân thức nơi con mắt khổ. Vậy thì khi khổ chỉ có thân thức là khổ chứ không có ai khổ cả. Nhưng thường chúng ta hay đồng hoá nó với cái tôi mà thành ra “tôi khổ”. Khổ là thực còn “tôi” chỉ là ảo tưởng vọng chấp. 

KHỔ → PHI HỮU ÁI → KHỔ KHỔ 

Bây giờ chúng ta đi sâu hơn một chút nữa. Khi cảm giác khổ phát sinh, chúng ta thường có phản ứng như thế nào? 

Khi khổ phát sinh, thường bản ngã có ý chống lại cái khổ, nghĩa là muốn lẫn tránh hay loại trừ cái khổ ấy. Theo danh từ nhà Phật, thì ước muốn loại trừ này gọi là phi hữu ái: muốn huỷ diệt cái khổ hay không muốn khổ tồn tại, cho nên phi hữu ái thuộc về tâm sân, làm nền tảng cho đoạn kiến. 

Khổ thọ sinh => muốn loại trừ = phi hữu ái. 

Ví dụ: Chúng ta đang đợi một người nào đó mà chưa thấy đến liền sinh nóng nảy, bồn chồn: “Sao chưa tới kìa! Sao chưa tới kìa!” Vậy có phải là cái khổ tâm (ưu) gia tăng và chồng chất thêm lên cái khổ thân không? 


Cho nên khi có khổ, nếu chúng ta muốn khẩn trương loại trừ nó, thì cảm giác khổ tâm lý càng gia tăng lên, nghĩa là đem phi hữu ái mà chồng lên khổ thọ thì thành ra khổ khổ. 

Khổ thọ (sinh lý) + phi hữu ái = khổ khổ (tâm lý) 

Nhưng bây giờ chúng ta thử soi xét cho kỹ xem, cái khổ khổ tâm lý đó có thực không? Cái khổ đó có thực mà không thực. Thực bởi nó có xẩy ra, có khả năng di hại lên chính cái thân này, có thể làm nhồi máu cơ tim, thần kinh căng thẳng v.v. Như vậy hiện tượng khổ có thực, nhưng nó lại do ảo giác tạo ra nên khi ảo giác đó không còn thì cái khổ ấy cũng biến mất, vì vậy mà không thực. Không như khổ thọ sinh lý, dù ảo giác đã mất, dù tâm đã bình thản nó vẫn đau. 

Ví dụ, tôi đang đứng như thế này, đang ngắm nhìn về phía trước, bất thình lình có người đánh sau vai. Nhìn lại, thì thấy cái anh chàng dễ ghét hôm qua mới đánh lộn với mình, tôi còn căm hận nó vì nó đánh tôi gãy mấy cái răng còn đau. Quý vị nghĩ sao về cái đập sau vai đó? Cái đập đó thật là rất đau, rất khó chịu, rất bực, đúng không? Nhưng nếu nhìn lại thấy một người bạn rất thân mà lâu ngày chưa gặp, thì cái đánh đó lại cảm nghe rất nhẹ nhàng, êm ái mà cũng rất là thân thương. Vậy thì cảm giác đó trên thân tất nhiên là không khác, giả sử có cùng trọng lượng 500 gram, nhưng với người thù thì cảm thấy rất đau, nó không phải là 500gr nữa mà là cả 1.000gr. Nhưng với người thân thương thì cú đánh dường như không đau đớn gì, có khi còn hoá ra lạc nữa là khác! Vậy trong đó, con số 500gr đo được là thực, còn 500gr thêm vào là ảo giác. Hoặc cảm giác khổ đó giảm xuống số không, rồi lại biến hoá qua lạc thì cũng toàn là ảo giác do tâm tưởng tạo ra cả. Tuy vậy ảo giác đó lại xem ra rất thực đối với chúng ta, đến nỗi nó sẽ in dấu thành cảm thọ thực trên thân! Cho nên nếu chúng ta thực sự nhìn thẳng (không qua ảo tưởng) vào cái khổ khổ tâm lý đó, thì ảo giác tự diệt chứ không cần lăng xăng tìm cách đoạn trừ khổ? Có đúng không? Chỉ tại chúng ta không chịu nhìn rõ, nhìn thẳng vào thực tánh của nó cho rõ ràng nên cứ bị ảo giác đánh lừa hoài. 

Đấy là chuyện khổ, còn chuyện ý muốn diệt khổ? Ý muốn diệt khổ xem có vẻ như chính đáng lắm, phải không? Nhưng xin thưa là còn phải xem ý muốn đó có phát xuất từ thấy biết chân thực hay chỉ là một ảo tưởng, một vọng niệm. Ví dụ câu chuyện đợi người hồi nãy. Mình đợi hoài sinh ra nóng nảy, bực bội. Nhưng người kia có thể có trường hợp khách quan xảy ra là xe bị nổ lốp, bị kẹt đường... nên đến trễ mất năm phút. Thật ra nếu đợi thêm năm phút mà tâm bình thản mát mẻ thì có sao đâu. Nhưng ở đây do tâm nôn nóng bực bội nên năm phút đã biến thành 50 phút, phải không? Đó là chính vì muốn thoát khổ nên khổ mới tăng thêm. 

LẠC → HỮU ÁI → HOẠI KHỔ 

Khi có cảm giác lạc thì chúng ta thường muốn giữ cái lạc đó lại. Tham muốn duy trì, nắm giữ cái lạc đó lại chính là hữu ái, lòng ham muốn cái lạc đó tồn tại mãi. Cho nên hữu ái thuộc về tham, làm nền tảng cho thường kiến. 

Khi chúng ta thủ đắc một cái gì đưa đến cảm giác lạc, chúng ta thường khởi lên ý muốn giữ cái sở đắc đó lại, muốn nó tồn tại mãi để cảm giác lạc được duy trì. Ví dụ, có một cô gái đẹp, được giải hoa hậu. Thế nên ngày nào cô cũng phải chăm sóc cho cái đẹp của mình. Soi kiếng thấy một vết nám, một đốm mụn trên mặt, cô khổ sở vô cùng. Bất cứ cái gì trở ngại cho cái đẹp đều có thể làm cô đau khổ khó chịu. Trái lại, một cô gái khác buôn gánh bán bưng ở chợ, mọc một lần 2, 3 cái mụn, mặt mày sạm nắng mà cô ta chẳng thấy khổ sở chi hết. Lại nữa, vì lo cho mẹ và các em nên cô ta quần quật lam lũ nắng mưa, chẳng hề than khổ, trái lại còn thấy niềm vui trong lòng vì đã lo chu tất cho mẹ cho em. Tại sao vậy? Tại vì cô ta không cần giữ cái đẹp cho mình nên không khổ vì nó. Còn cô hoa hậu kia vì cố giữ cái đẹp nên cứ khổ với nó hoài. Do đó, cố giữ cái lạc cho tồn tại là khổ. 

Nhưng ngay khi cái lạc đang tồn tại mà nơm nớp lo sợ nó mất đi cũng khổ. Có anh chàng nọ sung sướng hãnh diện đã cưới được một cô vợ cực đẹp, đẹp tuyệt trần. Quý vị biết sao không? Hạnh phúc đâu không thấy mà anh ta càng ngày càng khổ sở quá chừng. Anh ta khổ hơn người lấy vợ nhan sắc bình thường, chỉ vì anh ta lo sợ ngày đêm, hễ cô vợ đi đâu vắng một lúc là anh ta như lửa đốt. Cô vợ nói chuyện với người đàn ông nào là lạ, anh ta liền ngó ngược ngó xuôi, ghen bóng ghen gió v.v... Như vậy, cái lạc hay điều kiện của cái lạc tuy đang tồn tại mà vẫn cứ khổ. Do đó, chỉ vì sợ lạc mất đi cũng là khổ. 

Thế còn nếu lạc tồn tại quá lâu thì sinh ra chán ngắt, không chịu nổi, và dĩ nhiên là nó cũng trở thành cái khổ. Ví như có người nghèo khổ ở thôn quê mãi ăn cơm độn khoai, độn sắn... nên hôm nọ lên thành phố được người ta đãi cho anh ta một tô phở. Ngon quá, anh ta khen “Ôi! phở thật là thiên đàng”. Nghe khen, người ta đãi cho anh ta 1 tô nữa, 1 tô nữa, 1 tô nữa... cho đến mấy chục ngày như vậy. Đến lúc đó, anh ta thấy phở là như thấy địa ngục. Vì sao vậy? Vì ngon lâu thành dở, lạc quá hóa phiền! 

Ba cái khổ: muốn duy trì lạc, sợ lạc mất đi, và lạc lâu hóa khổ đều do nguyên nhân là tính chất biến hoại của các pháp hữu vi. Vậy lạc vốn luôn biến hoại mà chúng ta muốn nó tồn tại mãi (hữu ái) thì chắc chắn phải đối đầu với hoại khổ: 

Lạc thọ (sinh lý) + hữu ái = hoại khổ (tâm lý) 

XẢ → DỤC ÁI → HÀNH KHỔ 

Chúng ta đã nói đến khổ và lạc, nay chúng ta thử xem xét về cảm giác xả, một cảm thọ trung bình, không lạc cũng không khổ. Vì cảm giác đó quá bình thường nên ít ai để ý đến, ít ai cảm nhận được. Do đó, chúng ta có cảm tưởng trống trải vô vị. 

Xả đương nhiên không phải là khổ, nhưng, trên thực tế, ít ai chịu được cảm giác xả quá bình thường, quá trầm lặng, quá yếu ớt đó nên chúng ta thường có khuynh hướng xem nó là khổ, và thích đi tìm cảm giác mạnh, cảm giác lạc để khỏa lấp chỗ trống trải vô vị đó đi. 

Ví dụ: đang đi tới đi lui với cảm giác bình lặng như thế này một hồi, rồi bỗng khởi lên ý nghĩ: “Chà! Chán quá, bây giờ mà mình đi xem phim thì thú biết mấy!” Phải không? Nghĩa là chúng ta không thích yên ả (xả), ưa khởi tâm đi tìm cái thú, cái vui, cái lạc trong chén rượu, cuộc cờ, trong ngồi lê tán gẫu v.v... để mà giết thì giờ, để mà lấp cho đầy cái trống trải, để mà chạy trốn cái cảm giác bình thường, phải không? 

Do đó, ở trong trạng thái cảm giác bình thường chẳng bao lâu, chúng ta đã cảm thấy nhàm chán, buồn nản, và thế là xả biến dần qua khổ, để rồi chúng ta lại tránh khổ tìm lạc, như thử ngựa quen đường cũ, thói lệ tình thường. 

Vì không chịu nổi cái trạng thái bình thường của xả thọ, tâm chúng ta cứ khởi lên hoài, cứ cố tìm bắt một cảm giác khác, một trạng thái khác, không chịu yên. Chúng ta vì không giữ được tâm trong trạng thái bình thường, nên mới khởi lên một cái tâm để tu để đắc, khởi lên một cái tâm để tìm lạc thú, niềm vui, mơ tưởng, ước vọng v.v... đây chính là cái lăng xăng tạo tác mà Đức Phật gọi là hành. Hành bị điều động bởi dục ái (tâm si). Dục ái gồm có ba loại: trong đối tượng hiện tại, dục ái nắm bắt sắc, thanh, hương, vị, xúc. Trong đối tượng quá khứ, dục ái nắm bắt hình ảnh pháp trần, kỷ niệm bằng hồi tưởng. Trong đối tượng tương lai dục ái nắm bắt hình ảnh ước mơ bằng tưởng tượng. Vậy cái khổ ở đây vi tế hơn, cái khổ hình thành do chính tâm lăng xăng tạo tác (hành) của dục ái nên gọi là hành khổ 

Xả thọ (sinh lý) + dục ái = hành khổ (tâm lý) 

Tóm lại: 

- Càng nôn nóng diệt khổ càng sinh thêm khổ khổ do phi hữu ái (sân) đem lại. - Càng cố gắng duy trì lạc càng sinh thêm hoại khổ do hữu ái (tham) đem đến. - Càng lăng xăng tạo tác càng sinh thêm hành khổ do dục ái (si) xúi giục. 

Nhưng tất cả những cái gọi là phi hữu ái (sân), hữu ái (tham), dục ái (si) bị thúc đẩy bởi một động lực chung đó là vô minh. Đang khổ, đúng ra ngay khi đó chỉ cần thấy cái khổ ấy cho minh bạch (như thị), đừng cần thêm bớt gì cả thì đâu có vấn đề, nhưng chúng ta lại phê phán đúng sai, đánh giá thiện ác, thế rồi khởi tâm bất mãn, muốn diệt khổ. Đó chính là vô minh rồi. 

Các cảm giác khổ sinh lý gọi là khổ thọ, chỉ là những cảm giác khó chịu thuần trên thân. Nó là kết quả của nhân quá khứ và duyên hiện tại, thuộc phần tĩnh của khổ đế, không phải là đối tượng cần được đoạn trừ của Đạo Đế. Vì vậy, muốn đoạn trừ (phi hữu ái) là ý muốn thiếu sáng suốt, là phản ứng sai lầm, chỉ làm tăng thêm cái khổ, cũng vậy, đối với lạc thọ, xả thọ thuần trên thân, ý muốn duy trì (hữu ái) và khởi tâm tìm kiếm (dục ái) đã biến những cảm thọ này thành khổ tâm lý. Do đó ba loại ái này chính là Tập Đế, nguyên nhân phát sinh Khổ Đế. 

*** 

Sự vận hành của căn - trần - thức tiếp tục diễn ra như sau: 

Khi xúc và thọ vừa sinh khởi thì liền có tưởng tiếp theo để nhận biết xúc và thọ ấy. Tưởng làm phận sự tri giác một cách máy móc, thụ động như một hiện tượng tự nhiên khá phức tạp, bao gồm tưởng hiện tại, tưởng quá khứ và tưởng tương lai. 

1) Tưởng hiện tại (hiện tưởng) là nhận biết đối tượng hiện tại như nó đang biểu hiện. Trong trường hợp 5 thức đầu thì đối tượng của hiện tưởng vẫn là thực tánh pháp. Nhưng qua ý thức hiện tưởng có thể là thực tánh pháp nếu được trí tuệ soi chiếu, hoặc chưa bị khái niệm xen vào. Tưởng hiện tại không thể giữ lâu, nó chỉ là một thoáng qua, vì đối tượng hiện tại trôi qua quá nhanh, nó chỉ cần ngưng lại là đã hình thành tưởng quá khứ rồi. 

2) Tưởng quá khứ (hồi tưởng) chỉ có trong ý thức, là nhận biết đối tượng hiện tại bằng những tướng đã thu thập trong quá khứ. Điều này có thể làm cho chúng ta nhận biết đối tượng hiện tại chi tiết hơn, phong phú hơn, thậm chí nhanh hơn, dễ dàng hơn, nhưng đồng thời cũng làm cho nó phức tạp, rối ren hơn và nhất là làm cho chúng ta khó thấy được thực tánh của đối tượng ấy. Tưởng quá khứ bao gồm cả vật khái niệm và danh khái niệm. 

Ví dụ, khi thấy trái cam chúng ta biết ngay là trái cam vì trước đây chúng ta đã có hình ảnh, hương vị... (vật khái niệm) và tên gọi (danh khái niệm) của nó. Đúng là hai khái niệm này trong quá khứ xem ra đã giúp chúng ta nhận biết đối tượng nhanh hơn, dễ dàng hơn, nhưng đồng thời cũng làm cho chúng ta không nhận được thực tướng và thực tánh của đối tượng hiện tại. 

3) Tưởng tương lai (tưởng tượng) cũng chỉ có qua ý thức, là tưởng dự phóng về tương lai trong khi đang nhận biết một đối tượng hiện tại. Đây là dự phóng “hình ảnh” của đối tượng ở tương lai. Thực ra tướng được dự phóng trong tương lai cũng chỉ được ráp nối bằng những ý tượng đã có trong quá khứ do hồi tưởng cung cấp rồi tưởng tượng thêm mà thành. 

Ví dụ, nhìn một nụ hoa mà lại tưởng ra đóa hoa nở. Nụ hoa là đối tượng hiện tại, đóa hoa nở là hình ảnh quá khứ được dự phóng về tương lai. Gọi tưởng này là tưởng dự phóng thì đúng hơn vì trong hiện tại nó không có thực. Tuy nhiên được gọi là tưởng tương lai vì đôi lúc những dự phóng lại xẩy ra thực trong tương lai. Có thể đó là một dự phóng thông minh hoặc là một linh cảm khá chính xác. 

*** 

Sau khi đối tượng đã được xúc, thọ, tưởng nhận diện, tiếp ngay đó là phản ứng tích cực của tư. Tư tự nó không thiện không ác, nhưng khi ở trong một tâm bất thiện nó dẫn đầu và điều hành các tâm sở bất thiện (tham, sân, si) để đưa ra thái độ quyết định cho một phản ứng chung. Khi tư ở trong thiện tâm nó dẫn đầu và điều hành các tâm sở tịnh hảo (vô tham, vô sân, vô si). 

- Khi tưởng là hiện tại phản ánh đúng hiện tướng, cung cấp đối tượng trung thực, chưa bị các khái niệm quá khứ, tương lai xen vào thì đối với người trí, tư có thể kết hợp với chánh kiến, thấy đúng thực tánh của đối tượng. Người mê thì bỏ qua cơ hội. 

- Khi tưởng đã được bổ sung bởi vật khái niệm, danh khái niệm, quá khứ, vị lai thì đối tượng không còn là thực tánh, thực tướng, mà ngay cả hiện tướng cũng bị lu mờ, lúc đó danh khái niệm sẽ thắng thế. Với người trí thì tư vẫn có thể kết hợp với chánh tư duy, nhưng với người mê thì tư sẽ là những phản ứng sai lầm và bất thiện. 

Tư có quan hệ mật thiết với tưởng, tạo thành một cặp gắn bó trong sinh hoạt nội tâm. Tưởng thu nhặt, kết nối và định tướng của đối tượng để tư chọn lựa và quyết định thái độ phản ứng. Tướng mà tưởng đưa ra có thể đúng hay sai và cũng có thể thuộc về chứ không tạo ra thiện hay bất thiện. Nhưng phản ứng của tư thì có thể thiện, bất thiện, vô nhân hay duy tác. 

(Từ tưởng dùng trong hiện tưởng, hồi tưởng và tưởng tượng đang nói trong phần này đều hiểu theo nghĩa là nhận biết đối tượng mà thôi. Cụm từ tư tưởng (tư + tưởng) đang dùng ở đây có nghĩa rộng hơn và bao hàm từ tư tưởng thường dùng trong văn chương triết học bên ngoài.) Bây giờ chúng ta chỉ đặc biệt nói đến tư tưởng (tư + tưởng) sai lầm, chủ quan và bất thiện như là ảo tưởng (tư tưởng không đúng về thực tại) hay vọng niệm (ý nghĩ sai lầm) để dễ trình bày vấn đề. 

Khi ảo tưởng phản ứng trước các cảm thọ sinh lý khách quan khổ, lạc, xả thì nó biến các cảm thọ này thành cảm thọ tâm lý chủ quan khổ khổ, hoại khổ và hành khổ. Cho nên khổ khổ, hoại khổ, hành khổ chỉ là ảo giác. Chúng ta có thể tóm tắt như sau: 

Chính khổ, lạc, xả mới là cảm thọ đơn thuần tự nhiên, vô nhân, còn cảm thọ nơi khổ khổ, hoại khổ, hành khổ, là đã tăng giảm, bóp méo qua sự tạo tác của tư và tưởng rồi. 

Trong cặp tư và tưởng chỉ có tư đóng vai trò tạo tác, còn tưởng chỉ cung cấp “lý lịch” của đối tượng thôi. Tưởng là nhân viên điều tra, tư mới là tòa án. Tưởng chỉ đóng vai tiếp nhận, suy đạc, xác định đối tượng chứ không phán đoán và quyết định thái độ phản ứng trên đối tượng như tư. Tưởng là tấm ảnh thu được về đối tượng, nếu tưởng tốt thì ảnh rõ, nếu tưởng xấu thì ảnh mờ. Còn tư mới làm công việc phê phán, chọn lọc, chê xấu, khen đẹp, sinh ưa, sinh ghét v.v... Dù tưởng sai lầm hay mờ ảo cũng không quyết định thái độ của tư. Nhưng vì tư bị vô minh ái dục chi phối nên không phân biệt được đúng hay sai mà thành ra vọng động tạo tác. Nếu tư được trí tuệ hướng dẫn nó sẽ biết tưởng đúng hay sai nên nó vẫn không vọng động tạo tác. Tư giống như thủ tướng của “nội các tâm hành”, nếu được cố vấn bởi vô minh ái dục thì chủ yếu là tạo nghiệp bất thiện, nếu được tham gia bởi vô tham, vô sân, vô si thì tạo nghiệp thiện, nếu được soi chiếu bởi trí tuệ thì giác ngộ giải thoát. 

Vậy tư là nhân nên mới cần được tu chỉnh, còn xúc, thọ, tưởng chỉ là quả (kết quả thụ động) nên chỉ cần quan sát để giác tri chứ không cần giải quyết. 

*** 

Ngoài ra, chúng ta cũng cần biết sự phối hợp hoạt động của các tâm sở trên (xúc, thọ, tưởng, tư) là do có mặt của Tác ý, Nhất tâm, Mạng căn. 

Tác ý giống như tay lái của một chiếc xe, hoặc là đi thẳng hoặc là bẻ cong. Tác ý là tâm sở làm công tác định hướng cho các tâm sở khác. Định hướng đúng đắn hay hướng chú ý chân thực (như lý tác ý) thì toàn bộ tiến trình tâm sẽ đúng. Định hướng lệch lạc hay hướng chú ý sai lầm (phi như tác ý) thì toàn bộ tiến trình tâm sẽ sai. 

- Tác ý đúng hướng giúp xúc chính xác, thọ đúng mức, tưởng rõ ràng, tư quyết định thái độ phản ứng đúng, thiện. 

- Tác ý lệch hướng làm cho xúc lệch lạc, thọ tăng giảm bất định, tri giác sẽ định tướng lu mờ, biến dạng và tư sẽ là sai lầm, bất thiện. 

Ví dụ: do thiếu tỉnh thức, phi như tác ý có mặt, nên mắt thấy sợi dây (xúc) không chính xác, giật mình tim đập mạnh (thọ khổ bất bình thường) và vội vàng cho đó là con rắn (tưởng định dạng sai) kết quả phản ứng là sợ hãi, thù ghét và muốn loại trừ đối tượng (tư bất thiện). Đó chỉ là một ví dụ điển hình, thực ra hàng ngày chúng ta nhận thức và hành động sai lầm như thế nhiều vô kể. 

Còn Nhất tâm, Mạng căn vì sao phải có mặt? Tiến trình xúc, thọ, tưởng, tư không những luôn luôn có tác ý đồng hành mà vì chúng đồng căn, đồng đối tượng nên cần phải đồng nhất từ đầu đến cuối, nghĩa là phải có nhất tâm. Đồng thời mỗi tiến trình phải có một thời gian tồn tại riêng, nó xảy ra trong một số sát-na nhất định nên cần phải có mạng căn. Nếu không có hai tâm sở này thì năm biến hành tâm sở kia (xúc, thọ, tưởng, tư, tác ý) sẽ tiến hành không đồng nhất và không tồn tại trong một thời gian cần thiết để xử lý đối tượng. 

Chúng ta luôn bất mãn với hiện tại và cố tiến về phía trước để nắm bắt một lý tưởng, một sở cầu, sở nguyện, sở đắc nào đó, và dĩ nhiên nó chỉ là phóng ảnh ở tương lai của lòng dục vọng. Chính lòng dục vọng này cuốn trôi chúng ta vào dòng lũ của tử sinh luân hồi. Hoặc ngược lại, chúng ta say đắm trong hiện tại, chỉ lo hưởng thụ những đối tượng ưa thích rồi chấp giữ, dính mắc và đắm chìm, sa đọa. 

No comments:

Post a Comment