HIỂU NGHỀ
Có thể ai đó trong các bạn từng nghe nói trading là là trò chơi mà tổng số bằng 0 (trading is a zero-sum game) và người tham gia thị trường chỉ giành giật tiền của nhau mà thôi. Theo tôi thì hành động “giành giật” này đúng mà cũng không đúng. (Lưu ý là thị trường chứng khoán thì không phải như thế nếu bạn mua cổ phiếu và nắm giữ lâu dài để nhận cổ tức.)
Tất cả mọi sự việc tồn tại đều có lý do của nó cả. Các thị trường được hình thành xuất phát từ nhu cầu huy động và trao đổi vổn, mua bán hàng hóa, hoán đổi tiền tệ trong xã hội và để chúng có thể hoạt động được thì cần phải có tính thanh khoản, tức là phải mua đi bán lại. Trading là phần công việc này và từ đó hình thành những dòng chảy liên tục, cuốn hút người này vào và đẩy bật người khác ra theo những qui luật vận động đặc thù của nó. Như vậy, khách quan mà nói thì bản thân thị trường chỉ vận động như nó là và hầu hết mọi người tham gia trading đều có cùng cơ hội và tự do lựa chọn của mình.
Nếu xét chi tiết hơn thì có khác. Có những cá nhân, tổ chức tham gia thị trường dùng mọi mánh khóe, thủ đoạn tung tin đồn, cung cấp số liệu giả, đẩy giá, đè giá, bẫy giá,.. đủ kiểu nhằm giành giật tiền của người khác. Những đối tượng này là bộ phận không thể thiếu của thị trường và có thể gọi là “thành phần tiêu cực” mặc dù họ rất có quyền lực. khác với phần đông nhà đầu tư tham gia thị trường chỉ dựa vào cung cầu thị trường và nhận định của mình.
Theo con đường Phật dạy thì chúng ta chỉ nên kiếm sống bởi những nghề nghiệp chân chính không hại mình, hại người (chánh mạng). Tôi có suy nghĩ là nghề trading chỉ là một công việc bình thường không tà không chánh, tùy thuộc vào thái độ của người tham gia mà nó trở nên tà hay chánh. Bạn cũng có thể thấy một bác sĩ trong nghề y cao quý vẫn có thể hành động bất chấp đạo đức nghề nghiệp để thu lợi cho cá nhân hoặc người ta lợi dụng công tác từ thiện để bỏ túi riêng. Còn trong trading, thì “thành phần tiêu cực” kiếm sống làm giàu từ nghề này chắc chắn có thái độ không chân chính rồi (cố ý hại người) và nếu chúng ta bị cám dỗ, cuốn trôi trong công việc, tàn phá sức khỏe bản thân, tự gây đau khổ cho chính mình và người thân... thì cũng tự hỏi xem mình có kiếm sống đúng đắn không (tự hại mình)?
Trước khi đi vào phần trình bày cụ thể nghề nghiệp, tôi xin nêu ra 4 điều kiện cơ bản để thành công mà Đức Phật gọi là Bốn Điều Như Ý (Iddhipāda), đó là:
1. Có nhu cầu hay nguyện vọng chính đáng (Chand’iddhipāda)
2. Có chuyên cần nỗ lực để thực hiện (Viriy’iddhipāda)
3. Có quyết tâm không thối chí nản lòng (Citt’iddhipāda)
4. Có nhận thức rõ tiến trình thực hiện (Vimams’iddhipāda)
Bạn hãy dừng lại để suy ngẫm những điều kiện này trước khi chọn con đường trading.
1. NGUYÊN LÝ
Thị trường tài chính vận hành dựa vào một số nguyên tắc cơ bản (gọi là luật chơi) như nguyên tắc khớp lệnh, thời gian giao dịch, đòn bẩy,... còn sau đó thì mọi người tham gia từ mọi thành phần làm cho nó biến động không sao dự đoán chính xác hoàn toàn được, nên không có nguyên lý hoàn hảo cho mọi người. Do đó, tôi chỉ nêu ra những “nguyên lý thị trường” theo quan điểm riêng, được tổng hợp từ kiến thức và trải nghiệm của mình nên chúng có thể rất khác biệt so với quan điểm của bạn hay so với sách vở nào đó.
Có khi nào bạn tự hỏi thị trường tài chính là gì chưa? Nó không có hình thể mà bạn có thể “sờ mó đụng chạm” được. Nó chỉ là một qui ước để chỉ tập hợp các tiến trình mua bán đan xen nhau liên tục dựa trên các sản phẩm qui ước. Khi bạn tham gia giao dịch thì bạn là một thành viên của thị trường còn ngược lại thì các tiến trình mua bán vẫn diễn ra mà không có bạn. Hiện nay, khái niệm thị trường ngày càng trở nên mơ hồ vì sàn giao dịch tập trung không còn quan trọng và nhà đầu tư có thể tham dự từ bất kỳ nơi nào trên thế giới qua mạng internet.
Các tiến trình mua bán trên thị trường biến đổi qua từng thời khắc, được kết hợp từ sự thay đổi nhận thức và hành động của người mua kẻ bán theo thời gian, và mỗi thời khắc thị trường là duy nhất. Cho nên, thị trường chỉ biến đổi chứ không có chuyển động mặc dù chúng ta thường gọi là “thị trường đi lên hay chạy xuống”. Tương tác giữa hành vi mua và bán trên thị trường được ghi nhận thành “giá thị trường” và đây cũng chỉ là một qui ước, cũng không có hình thể và sờ nắm được.
Tôi muốn nói thêm một chút về kiến thức trong nghề trading. Kiến thức bạn thu thập có thể từ những người không trực tiếp giao dịch hoặc không thành công trong giao dịch, mang nặng tính phân tích, suy diễn, là sản phẩm của tư duy nên có thể sẽ là chướng ngại cho bạn. Loại kiến thức khác là kinh nghiệm đúc kết của những bậc thầy thành công vang dội trong thị trường rất hữu ích cho bạn nhưng cũng là “bảng chỉ đường” còn bạn phải tự đi bằng đôi chân của mình. Có những câu nói rất đơn giản nhưng rất giá trị mà phải trải qua nhiều thời gian cọ xát với thị trường chúng ta mới hiểu ra được. Trí óc chúng ta có khuynh hướng ưa tiếp nhận những kiến thức phức tạp, rối rắm mà không chú ý đến những điều giản dị là vì lòng tham kiến thức của chúng ta. Điều này đã được Đức Phật cảnh báo trong Kinh Pháp Cú từ xa xưa:
Quả thật điều nguy hại
Người ngu sinh sở tri
Hủy phần sáng của mình
Tự chẻ đầu chính nó.
(Sinh sở tri chính là khởi tâm muốn biết, muốn sở hữu thật nhiều kiến thức mà không còn thấy được cái thực trước mặt)
a. Nguyên lý thị trường
Một số nguyên lý dưới đây mang tính đặc thù và chi phối sự biến đổi của thị trường theo quan sát của tôi. Bạn có thể bổ sung thêm những nguyên lý khác nếu bạn nhận ra chúng thông qua trải nghiệm thực tế của chính mình.
1. Thị trường chỉ là một sản phẩm qui ước, không tồn tại một cái thực thể thị trường riêng biệt nào cả. Qui ước này lại được xây dựng trên những khái niệm qui ước khác như cổ phiếu, tài khoản, tỉ giá,... Theo góc nhìn của Đạo Trading thì thị trường tài chính là pháp tục đế, là sản phẩm qui ước của con người, không có thực tánh, nên các thành viên thị trường thường xuyên làm việc trong môi trường của những quan niệm, khái niệm, suy nghĩ, ảo tưởng nên rất dễ bị chìm đắm, xa rời thực tế cuộc sống.
2. Thị trường mang tính con người: Thị trường biến động do tương tác giữa mọi nhận thức và cảm xúc của các thành viên thị trường nên nó mang tính con người, và từ đó đưa đến công việc trading mang tính nghệ thuật, không rập khuôn. Một trader cần chú trọng phát triển khả năng quan sát và cảm nhận hơn là phân tích tư duy, tích lũy kiến thức. Mỗi sản phẩm tài chính khi giao dịch vẫn mang “cá tính” khác nhau mặc dù người ta ngày càng tự động hóa chúng nhiều hơn.
3. Thị trường luôn luôn đúng: Khoảng 100 năm về trước, J. Livermore đã tuyên bố câu nói lịch sử này (the market is always right) cho thấy ông tôn trọng mọi biến động của thị trường, đúng như nó đang là. Sau này có nhiều quan điểm khác cho rằng thị trường không phải lúc nào cũng đúng như khi so sánh với giá trị (value), do tâm lý đám đông chi phối, hoặc do thanh khoản kém mà gây ra sai lệch.
4. Tính phi logic: Thị trường biến động theo lý lẽ riêng của nó nghĩa là bạn không thể lập luận để luôn biết trước về phản ứng của nó. Khi phát hiện ra các động thái chuyển mình của thị trường, bạn chỉ cần bám theo mà không cần thiết phải lý giải.
5. Quán tính: Đây là khuynh hướng thị trường tiếp tục trạng thái hiện tại (xu hướng hay phi hướng) cho đến khi xuất hiện một lực tác động bất thường làm thay đổi trạng thái đó. Tâm trí con người một khi đã chấp trước vào điều gì thì sẽ khó thay đổi nếu không xuất hiện một sự kiện tác động đủ mạnh vào nó.
6. Cạm bẫy: Cạm bẫy thị trường mang tính tất yếu, đó là cách thức mà người ta tạo ra để giành giật tiền của nhau. Khi chọn nghề này, bạn cần xác định sống chung với lũ, thật thoải mái với sự mơ hồ và không chắc chắn. Nói theo Ed Seykota thì cách duy nhất để tránh thua lỗ do cạm bẫy là hãy bỏ nghề giao dịch này đi.
7. Giá là một khái niệm: Giá thị trường được thành hình qua một phương thức đấu giá. Người nào muốn bán giá nào thì đưa lên, nếu đúng giá thì sẽ có người mua và cứ lần lần như thế mà giá được tạo thành. cho nên giá thật ra chỉ là một khái niệm, chứ không phải là một giá trị của một vật nào đó. Một trader mua hay bán một sản phẩm tài chính nào đó sẽ dựa vào yếu tố là mua vào thì giá có khả năng tăng nữa để chốt lời không, bán ra thì giá có khả năng giảm nữa để chốt lời không ?
8. Giá là ngôn ngữ của thị trường. Giá luôn thay đổi tùy theo cái nhìn của mỗi thành viên trong cuộc chơi, tùy theo những tin tức kinh tế, và diễn biến của chính trị,... và tùy theo thái độ cảm xúc của họ. Hầu hết mọi người ra quyết định cuối cùng đều nhìn vào giá nên có thể nói thị trường có một ngôn ngữ duy nhất đó là giá. Chúng ta nên nghiên cứu và lắng nghe những mách bảo trực tiếp từ giá.
9. Ba định luật Wyckoff: Các nguyên lý cơ bản sau do R.D. Wyckoff quan sát ghi nhận có thể mô tả sát sao thực tế biến đổi của thị trường (áp dụng trong chứng khoán):
- Luật cung cầu (the law of supply and demand): luật cung cầu xác định hướng của giá. Khi cầu lớn hơn cung, giá sẽ tăng và khi cung lớn hơn cầu, giá sẽ giảm. Sử dụng đồ thị nến, trader có thể thấy được mối quan hệ cung cầu thông qua giá và khối lượng theo thời gian.
- Luật nhân quả (the law of cause and effect): luật nhân quả giúp tiên đoán mức độ tăng giảm của xu hướng giá sắp tới. Một kết quả xảy ra đều có nguyên nhân của nó và kết quả đó sẽ tỉ lệ với nguyên nhân. Cụ thể là chúng ta thấy năng lượng tích lũy của một vùng giá phi hướng sẽ được chuyển hóa thành xu hướng sau khi giá bứt phá khỏi vùng đó và có thể ước lượng được mức độ của xu hướng đó. Sự tăng vọt cung cầu không phải do ngẫu nhiên mà là vì đã xảy ra các sự kiện quan trọng nào đó hoặc là kết quả từ một quá trình chuẩn bị âm thầm từ trước. Về mặt kỹ thuật thì luật này biểu hiện qua một tập hợp nến trên đồ thị.
- Luật tương xứng (the law of effort versus result): luật tương xứng giúp nhận biết dấu hiệu cảnh báo sớm về sự biến đổi sắp tới của xu hướng. Biến động giá là kết quả của những tương tác thị trường biểu hiện qua khối lượng nên hiện tượng bất tương xứng (divergence) giữa giá và khối lượng thường báo hiệu một sự thay đổi về hướng đi của xu hướng. Luật này có thể thấy ngay trên nến và khối lượng về mặt kỹ thuật.
- Kết hợp với nhau, ba định luật Wyckoff chỉ ra được ý đồ của nhà cái (thành phần chi phối thị trường), tức là dòng tiền thông minh. Luật nhân quả chỉ ra qui mô chuẩn bị cho chiến dịch sắp tới của nhà cái, trong khi sự chênh lệnh cung cầu chỉ ra ý đồ của nhà cái chuẩn bị chiến dịch đánh lên hay đánh xuống. Chúng ta có thể phán đoán hiện tượng bứt phá hay đảo chiều sắp xảy ra căn cứ vào sự không hài hòa và bất tương xứng giữa giá và khối lượng theo luật còn lại. Cần nhớ luật cung cầu là cơ bản nhất và chi phối sự biến đổi của thị trường còn hai định luật kia là phụ trợ để ước lượng ảnh hưởng của cung cầu.
b. Các yếu tính của nghề trading:
- Thị trường mang tính con người và bản chất cảm xúc ham muốn của con người không thay đổi từ xưa đến nay. Do đó, Đạo Trading quan niệm rằng nếu có một phương pháp nào giúp bạn chinh phục thị trường thì phương pháp đó phải được cọ xát qua thời gian và có thể vận dụng hiệu quả vào các thị trường khác nhau (chứng khoán, hàng hóa, tiền tệ...)
- Người ta thường quan điểm rằng trading mang tính nghệ thuật nhiều hơn tính khoa học. Điều này rất hợp lý nhưng chưa đủ. Đạo Trading cho rằng công việc này mang tính chất tự điều chỉnh, bởi vì đó là quá trình thử sai, ghi nhận, đối chiếu liên tục, rồi vấp ngã rồi đứng dậy, lập đi lập lại... cho đến khi hình thành được khả năng cảm nhận và phản ứng thích nghi với thị trường.
- Trading thoạt nhìn thì đơn giản nhưng không hề dễ dàng. Khi mỗi người đối diện với thị trường để giao dịch, kỳ thực là họ đang đối diện với chính mình và không phải ai cũng đủ tỉnh thức để hóa giải những xung động từ vô thức, để thoát khỏi chi phối của tham lam sợ hãi...
- Phán đoán sự vận động của thị trường mang tính xác suất nhưng bản thân thị trường không có xác suất. Xác suất liên quan đến đúng sai, khả năng xảy ra của một sự việc. Tại cùng một thời điểm, mỗi người nhận định thị trường có xác suất khác nhau tùy thuộc vào phương pháp kinh nghiệm của mình và đưa đến hành động có thể trái ngược nhau (người mua kẻ bán).
- Trading là một trò chơi tâm lý. Công việc trading luôn luôn đi kèm sự lựa chọn và làm chúng ta phân vân suy nghĩ, có khi đúng, khi sai, có khi dễ, cũng có khi rất khó. Mặc dù chúng ta suy nghĩ nát óc thì sự lựa chọn của chúng ta vẫn không làm thay đổi được sự vận động của thị trường, cho nên điều quan trọng là chúng ta có đủ tỉnh táo để nhận ra các suy nghĩ của mình dựa trên sự kiện thực tế (chánh tư duy) hay đang bị cảm xúc chi phối, bị vọng tưởng lôi kéo.
- Trading rất mang tính cá nhân. Mỗi người trong chúng ta bước chân vào thị trường là hoàn toàn khác nhau và tiếp nhận các kiến thức kinh nghiệm nghề nghiệp cũng rất khác nhau. Bạn không thể rập khuôn một thần tượng trading nào cả mà phải cọ xát thị trường để điều chỉnh nhận thức và hành vi của mình cho phù hợp, từ phương pháp giao dịch, thời gian giao dịch cho đến quản lý vốn, rủi ro,...
- Trading là chọn đúng thời điểm. Chúng ta có thể phán đoán xu hướng vận động sắp tới của thị trường khá dễ dàng nhưng chọn đúng lúc để mua vào hay bán ra là rất khó. Mọi phương pháp giao dịch đều hướng tới xác định đúng thời điểm giao dịch, nhưng vẫn không nắm bắt được nó. Có những lúc, chúng ta chọn thời điểm không tốt nhưng vẫn giao dịch thành công nếu giữ được kiên nhẫn và không dùng đòn bẩy cao.
No comments:
Post a Comment