ĐĂNG KÝ EXNESS - SÀN UY TÍN NHẤT HIỆN NAY

Tuesday, December 10, 2019

Đạo trading -Phần 17: Tìm về chính mình



TÌM VỀ CHÍNH MÌNH

 
William Eckhardt – một trader tỷ phú đã nhận xét: “Mục đích thực sự của trading không phải để kiếm tiền. Nếu đó là mục đích của bạn thì bạn có lẽ phải vật lộn với nó. Nhưng các mục đích sau đây sẽ mang lại kết quả tốt. Nếu mục đích của bạn là trở thành một trader thượng thặng, bạn sẽ làm tốt. Nếu mục đích của bạn là sử dụng trading làm thước đo sự trưởng thành của bản thân, bạn sẽ làm tốt. Nếu bạn chỉ yêu công việc trading và đó là lý do bạn tham gia thì miễn là chính bạn vẫn muốn tiếp tục làm việc đó, bạn sẽ làm tốt. Theo kinh nghiệm của tôi, những mục đích trên là những động lực chính mang lại thành công trong trading.”


Thật ngẫu nhiên là tôi đã chọn mục đích “sử dụng trading làm thước đo sự trưởng thành của bản thân” từ vài năm trước nên giờ đây tôi thấy được Eckhardt nhận xét thật đúng đắn. Đạo Trading không chủ trương vật lộn với nghề trading để mau làm giàu mà chỉ ra con đường thoát khỏi sự trói buộc của nó mà thực chất là trói buộc do mỗi người tự tạo ra.

Hàng ngày trader chúng ta phải đối diện với các thị trường tài chính biến hóa liên tục, tạo ra vô số tình huống cần phải ra quyết định, liên quan trực tiếp đến tài sản của chúng ta. Trong thử thách ấy, bản ngã của chúng ta bị va đập mạnh mẽ và bộc lộ muôn mặt của nó, kéo theo hàng loạt các phiền não. Và trong biển phiền não đó, nhờ tánh biết (bản chất của tâm) soi sáng mà chúng ta trở nên tỉnh thức hơn, thấy rõ thân tâm, xua tan ảo tưởng; chúng ta dần thoát khỏi vòng kềm tỏa của bản ngã, vượt thoát sự luân hồi (những hồi tưởng về quá khứ, thắng thua, sợ hãi,..) và sinh tử (những ảo tưởng tương lai, viễn cảnh giàu có…). Từ đó, lợi nhuận chúng ta thu được chỉ là kết quả của sự tỉnh thức, bén nhạy, quan sát tinh tế, hành động thận trọng, chính xác. Chúng ta trở nên sống trọn vẹn với thực tại, an nhiên tự tại trong cuộc sống như lời dạy của Đức Phật:



Quá khứ không truy tầm
Tương lai không ước vọng

Quá khứ đã đoạn tận
Tương lai thì chưa đến
Chỉ có Pháp hiện tại
Tuệ quán chính là đây
Không động không rung chuyển
Hôm nay nhiệt tâm làm
Ai biết chết ngày mai!




Thế thì ĐẠO TRADING là gì? Tôi gọi đó là con đường vận dụng nghề trading để thấy ra SỰ THẬT nơi thị trường và nơi bản thân mình. Đạo Trading giúp mỗi trader tìm về

soi sáng chính mình ngay trong công việc mưu sinh để tự chuyển hóa cuộc đời mình, lấy giác ngộ làm sự nghiệp (Duy tuệ thị nghiệp).



**



Một trader đã hỏi Thiền sư Viên Minh cách giữ cho tâm bình an trong công việc trading thì được Thiền sư trả lời như sau: “Nếu xem thị trường chứng khoán là nơi tranh giành được mất, hơn thua, thành bại... thì đương nhiên phải học bài học vui khổ chứ làm sao

mà bình an được; còn nếu xem thị trường chứng khoán là bài học giác ngộ tính chất vô

thường, khổ, vô ngã thì đó chính là thiền giúp thấy ra sự thật chứ không phải để cầu bình an.”

Thật vậy, chính khi đối diện với một thị trường hung hãn như vậy thì tâm chúng ta càng mau trưởng thành, đó mới là “phúc lành” như lời Đức Phật dạy trong Kinh Hạnh Phúc:

Khi xúc chạm việc đời
Tâm không động, không sầu,
Tự tại và vô nhiễm,
Là phúc lành cao thượng.


Bao quát hơn thì cuộc đời là một trường học giác ngộ dù chúng ta có muốn học bài học của mình hay không:

“Giác ngộ giải thoát không phải là đạt được một chân trời lý tưởng an toàn trong thường, lạc, ngã, tịnh, mà chính là nhận chân bản chất của đời sống là vô thường, khổ não, vô ngã và bất tịnh để không còn chỗ cho cái ta chấp thủ bám trụ. Khi không còn chỗ để bám trụ thì bạn mới buông cái ta đối kháng để đón nhận trọn vẹn bản chất bất toàn của đời sống một cách vô ngại, đó chính là thái độ nhẫn nại đích thực. Nhờ đó mọi phiền não mới thực sự chấm dứt để bạn có thể ung dung trong ràng buộc, tự tại giữa khổ đau với một nụ cười an nhiên, vô úy. Cuộc sống, quả thật, đầy phiền não khổ đau, nhưng đó cũng chính là môi trường tốt nhất cho giác ngộ giải thoát, đúng như một danh ngôn: “Cảnh khổ là nấc thang cho bậc anh tài, là kho tàng cho người khôn khéo và là vực thẳm cho những kẻ yếu đuối”.

Và thật là thông minh, chính xác khi nói rằng:

Con người là kẻ học nghề,
Mà thầy là nỗi ê chề đớn đau,
Không ai tự biết mình đâu,
Nếu chưa từng trải đớn đau nhiều bề.


Đau khổ chính là liều thuốc đắng kỳ diệu nhất có thể loại trừ được bệnh tà kiến và tham ái. Nếu tà kiến và tham ái không đưa đến khổ đau thì không bao giờ bạn thấy được đó là những thái độ sai lầm. Vậy cuộc đời là một trường học giác ngộ mênh mông vô tận. Và những vị thầy lỗi lạc nhất chính là những khổ đau mà bạn gặp phải trong suốt đời mình. Những vị thầy tận tụy này, không ngừng chỉ cho bạn thấy những sai lầm trong cách sống, cách ứng xử... để bạn có thể biết cách điều chỉnh nhận thức và hành vi nơi chính mình; giúp bạn phát huy được những đức tính cần yếu như nhẫn nại, yêu thương, cảm thông, chia sẻ v.v... Nói cách khác, đời là tấm gương phản ánh trung thực nhất diện mạo bạn trong mọi tình huống để bạn thấy ra chính mình. ” – Thiền sư Viên Minh


"Bạn sẽ phải học các bài học trong đời. Chúng ta đã đăng ký trọn thời gian trong một trường học không chính thức, được gọi là cuộc đời. Toàn bộ cuộc đời của chúng ta là một trường học. Chúng ta học dưới mái trường này, từ lúc mới mở mắt lọt lòng cho đến tận khi nhắm mắt xuôi tay, từ giã cõi đời. Mọi thứ chúng ta trải nghiệm trong đời, mỗi âm thanh, mỗi hình ảnh, dù tốt dù xấu cũng đều chỉ là những bài học, không có một ngoại lệ nào cả. Nếu chúng ta có thể học hỏi từ nó, chúng ta sẽ trở nên ngày càng trí tuệ hơn. Nhưng để có thể học được các bài học từ trong một hoàn cảnh nhất định nào đó, lại cần phải có chánh niệm. Nếu chúng ta thất niệm, đãng trí và với cái tâm chai cứng, nhẫn tâm thì sẽ không học được bài học nào cả và cũng chẳng có chút trí tuệ nào.”- Thiền sư Sayadaw U. Jotika



Và để chúng ta có thể “học tốt” trong trường học cuộc đời này, tôi xin ghi chép lại ở đây cách thực hành trong đời sống hàng ngày do Thiền sư Viên Minh hướng dẫn:

“Khi tâm thất niệm, thiếu tỉnh giác, buông lung, phóng dật, chạy theo những ảo tưởng, vọng niệm thì chỉ cần buông tất cả những quan niệm, suy tư và kết luận chủ quan ấy ra, tâm liền tự trở về với thực tại như nó đang là.

Khi hữu sự, tức là khi làm công việc liên quan đến bên ngoài như lái xe, may áo thì chỉ cần thận trọng-chú tâm-quan sát, các vọng niệm, ảo tưởng sẽ không khởi lên. Nên lưu ý rằng thận trọng-chú tâm-quan sát sự tương giao giữa mình và những gì đang diễn ra trong công việc, nhưng hướng luôn là trở về để biết mình. Lúc đầu mức độ thận trọng-chú tâm-quan sát có thể chưa tự nhiên, làm một chút lại quên, hay do nỗ lực hơi quá nên tâm bị căng thẳng. Nhưng chỉ cần kiên nhẫn thực hành, theo thời gian dần dần quen rồi thì tâm sẽ tự ứng ra thận trọng-chú tâm-quan sát một cách tự nhiên với mức độ tùy theo đòi hỏi của công việc và hoàn cảnh. Giống như mới biết lái xe thì còn bị căng thẳng, khi nhuần nhuyễn rồi thì cứ thế mà lái một cách hoàn toàn tự nhiên. Lúc này tâm không còn bị lôi kéo bởi các ảo tưởng, vọng niệm nữa. Ba yếu tố thận trọng-chú tâm-quan sát chính là giới-định-tuệ ở dạng tùy dụng.

Khi vô sự, không cần phải làm công việc gì thì chỉ cần trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại thân-thọ-tâm-pháp đang là. Dần dần tâm sẽ tự biết tất cả những gì đang xảy ra bên trong lẫn ngoài như một tổng thể với thái độ hoàn toàn sáng suốt-định tĩnh-trong lành. Ba yếu tố sáng suốt-định tĩnh-trong lành chính là giới-định-tuệ ở dạng tự tánh.

Khi đã buông xuống hoàn toàn, không còn để ý đến bất kỳ điều gì, không mong cầu bất cứ điều gì, cũng không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ điều gì thì chỉ còn tâm rỗng rang-lặng lẽ-trong sáng, đó chính là giới-định tuệ ở dạng tịch tịnh. Đức Phật gọi lúc đó là an trú tính không, một loại đại định-tuệ. Đó chính là Niết Bàn với 3 yếu tố Không - Vô Tướng - Vô Tác.
  

Trong đời sống hàng ngày đều xảy ra cả 4 tình huống nêu trên chứ không thể lựa chọn một tình huống ưa thích nhất mà bỏ đi những tình huống còn lại. Người thực hành đúng thì biết tùy theo hoàn cảnh cụ thể trong đời sống mà ứng ra, tùy lúc mà buông ra để trở về- trọn vẹn-tỉnh giác với thực tại, tùy lúc mà thận trọng-chú tâm-quan sát, tùy lúc mà nghỉ ngơi vô sự một cách sáng suốt-định tĩnh-trong lành, tùy lúc mà hoàn toàn buông ra để tâm rỗng rang-lặng lẽ-trong sáng.

Tùy pháp hành theo 4 tình huống đã nói ở trên hoàn toàn tương ứng với 3 mức độ trở về với thực tại đang là, đầu tiên xa lìa ảo tưởng xuất phát từ quan niệm, tư tưởng chủ quan để trở về với hình tướng, hiện tượng đang xảy ra nơi thân-thọ-tâm-pháp, tiếp tục tùy lúc mà thận trọng-chú tâm-quan sát hoặc sáng suốt-định tĩnh-trong lành mà thấy ra được tất cả các hiện tượng và hình tướng bên ngoài đều vô thường, khổ và vô ngã, từ đó không còn bám víu, nương tựa vào bất cứ hình tướng nào, hoàn toàn buông xuống để trở về với tánh biết/bản tâm bất động vốn rỗng rang, lặng lẽ, trong sáng.”

Thực hành như vậy là hoàn toàn theo đúng hướng xả ly-ly tham-đoạn diệt-an tịnh-chánh trí-giác ngộ-Niết Bàn với đầy đủ 3 yếu tố Không-Vô Tướng-Vô Tác (Vô Nguyện/Vô Cầu). Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với 5 đặc tính của pháp (sự thật) mà Đức Phật dạy, tức là:


Ehipassiko: Trở về mà thấy
Opanayiko: Thấy trên thực tại đang là ấy
Sanditthiko: Thấy ngay lập tức
Akaliko: Không qua thời gian
Paccata Veditabbo Viññuhi: Mỗi người tự cảm nhận như nó đang là


Trong quá trình trở về với thực tại (pháp) thì có thể thực tại đầu tiên là những vọng tưởng, thực tại thứ hai là những hình tướng, hiện tượng đang xảy ra, thực tại thứ ba chính là cái tâm (cái thấy) hoàn toàn rỗng lặng, trong sáng. Cái pháp cuối cùng mà mình trở về là khi bắt gặp cái thấy tịch tịnh, không chỉ thanh tịnh nơi mình mà tràn ngập khắp mọi nơi. Ở nơi mọi người cũng giống như nơi mình, ai ai cũng đang ở nơi thanh tịnh, hoàn toàn hoàn hảo, chỉ có tâm họ đang khởi lên vọng tưởng, tìm cầu mà rơi vào giấc chiêm bao đầy phiền não, khổ đau của chính họ thôi.

Sự thật ở khắp mọi nơi, luôn luôn đầy đủ và hoàn hảo, ở nơi mỗi người có những nhận thức sai lầm, hành vi sai lầm dẫn tới đau khổ, đó chỉ là thế giới ảo của riêng họ, còn sự thật thì họ vẫn luôn đang ở nơi hoàn toàn thanh tịnh. Chính vì vậy chỉ cần tỉnh thức, thoát khỏi chiêm bao, ảo mộng của chính mình thì liền trở về nơi thanh tịnh. Thế giới này không phải là ảo mà hoàn toàn chân thực và hoàn hảo, chỉ có mỗi người tự tạo ra ảo mộng về thế giới, mọi hạnh phúc và đau khổ trong cuộc đời đều được xây dựng trên những ảo tưởng đó.”







  
Bạn thân mến!

Ban đầu, cũng như bạn, tôi đã chọn công việc trading để kiếm tiền cho nhu cầu đời sống hàng ngày; nhưng giờ đây thật không ngờ, nó lại là một phương tiện hữu hiệu đang giúp tôi dần hiểu ra sự thật của cuộc đời. Nhờ cách hướng dẫn thiền Vipasana trong đời sống hàng ngày của Thiền sư Viên Minh và qua các bài học khắc nghiệt của nghề trading, tôi ngày càng hiểu sâu sắc hơn về chính mình; và từ đó tôi bị hút vào một con đường mới, một hành trình tâm linh. Mục đích của tôi bây giờ không phải là chạy theo ảo tưởng làm giàu hay danh vọng mà tìm về bản chất chân thực của mình và sống với những gì thực sự có giá trị nhất trong cuộc đời này.

Tôi không là những thứ mô tả về tôi, những hồ sơ dữ kiện, câu chuyện quá khứ từ trước tới giờ, những cũng không phải là tên tuổi, sức khỏe, tài sản, các mối quan hệ, bằng cấp, địa vị, suy nghĩ, cảm xúc hay những ảo tưởng về tương lai. Chúng chỉ là hình tướng bên ngoài, như một giấc mơ. Eckhart Tolle nói: “Có giấc mơ và có phần chứng kiến những gì bạn nhìn thấy trong mơ. Giấc mơ là một vở kịch ngắn của những hình tướng. Đó là một thế giới tương đối có thực – chỉ tương đối thôi chứ không phải là tuyệt đối. Nhưng còn cái phần chứng kiến những gì bạn nhìn thấy trong mơ là một hiện thực tuyệt đối, trong đó hình tướng đến rồi đi. Cái phần chứng kiến những gì bạn nhìn thấy trong mơ không phải là người đang mơ. Vì cái người đang mơ đó là một phần của giấc mơ. Cái phần chứng kiến những gì bạn nhìn thấy trong mơ là cái nền của giấc mơ, cái làm cho giấc mơ có thể xảy ra. Nó là cái tuyệt đối nằm đằng sau cái tương đối, cái phi thời gian nằm đằng sau thời gian, là Tâm ở trong và nằm ở phía sau của hình tướng. Cái phần chứng kiến những gì bạn nhìn thấy trong mơ chính là nhận thức, là Tâm, là bản chất chân chính của bạn.”

Như sắp tỉnh một giấc mơ, cái bản ngã ảo tưởng đang thu nhỏ lại, tôi bắt đầu sống một cuộc sống ngày càng an nhiên tự tại và sáng suốt. Con đường mà tôi đi tiếp là “con đường trở về” để tôi không nhìn đời sống bằng con mắt của bản ngã và phản ứng với những thứ hẹp hòi mang tính bản ngã của người khác. Tôi sẽ không còn phân biệt tốt xấu, đúng sai dựa trên các khái niệm qui ước không có thực, không bị kẹt vào các suy nghĩ cố chấp. Tôi sẽ không còn thấy phiền não với những gì đang xảy ra vì đó là thực tại và bởi vì tôi hòa nhập vào chúng nên chúng không thể tác động đến tôi. Tôi sẽ không chạy đuổi theo tương lai hay hồi tưởng về quá khứ. Tôi sống trọn vẹn với thực tại để không vuột mất sự sống quí giá này.



* * *



Có một câu chuyện về dòng sông rất hay của Thiền sư Thích Nhất Hạnh mô tả quá trình trưởng thành tâm thức của chúng ta:

“Có một dòng sông rất đẹp chảy qua núi đồi và đồng cỏ xanh tươi. Dòng sông ca hát nhảy nhót tung tăng từ trên núi xuống đồng bằng. Xuống đồng bằng, dòng sông chảy chậm lại, mặt nước trong xanh êm mát. Lúc ấy dòng sông còn trẻ lắm, và dòng sông muốn chảy mau ra biển cả. Dòng sông càng lớn càng đẹp ra, lượn khúc yêu kiều ven đồi và bờ lúa.

Một ngày kia dòng sông chú ý đến sự có mặt của những đám mây trong lòng nước. Mây đủ màu sắc, hình thể, đẹp quá chừng, nên suốt ngày dòng sông cứ miệt mài chạy đuổi theo những đám mây, mong bắt được một đám mây cho riêng mình. Nhưng mây cứ lơ lững tầng cao khó mà bắt được, nhất là mây cứ thay hình đổi dạng không ngừng. Vì mây vô thường như vậy nên dòng sông rất đau khổ. Chạy đuổi bắt theo mây thì vui nhưng sau đó thì dòng sông đầy thất vọng, u sầu và tức giận.

Một ngày kia, một cơn gió lớn đi qua, quét sạch mây trên trời. Bầu trời trở nên quang đãng không còn một bóng mây. Dòng sông não nề tuyệt vọng, không còn muốn sống nữa. "Không còn mây để chạy theo, ta sống để làm gì?"

Tối hôm đó, lần đầu tiên trong đời, dòng sông quay trở về tiếp xúc với chính mình. Lâu nay dòng sông chỉ đuổi theo những cái bên ngoài mà không bao giờ thấy được chính mình. Tối hôm đó, lần đầu tiên dòng sông nghe tiếng mình khóc, âm thanh sóng vỡ vào bờ. Dòng sông lắng nghe tiếng của mình và khám phá ra một điều rất quan trọng.

Dòng sông nhận ra rằng cái mà lâu nay mình theo đuổi đã nằm sẵn trong lòng mình. Tưởng mây là gì, đâu ngờ mây cũng chỉ là nước. Mây sinh ra từ nước và bây giờ mây trở lại thành nước. Và dòng sông tự bao giờ cũng vẫn là nước như một đám mây.

Sáng hôm sau, khi mặt trời lên cao, dòng sông khám phá ra thêm một điều thật đẹp. Đây là lần đầu tiên dòng sông thấy được bầu trời xanh thẳm. Lâu nay dòng sông chỉ chú ý đến mây, không chú ý đến bầu trời. Bây giờ sông mới hiểu rằng bầu trời là quê hương của các đám mây. Mây luôn luôn thay đổi nhưng bầu trời không bao giờ thay đổi. Và bầu trời cao đã có mặt trong lòng sông tự thuở nào. Cái thấy này đem lại cho dòng sông một nguồn an lạc lớn.

Dòng sông hiểu rằng bao giờ bầu trời xanh còn có mặt, niềm an lạc của dòng sông sẽ mãi mãi vững bền.


  
Trưa hôm đó, các đám mây lại lục tục trở về nhưng dòng sông không còn có nhu yếu muốn đuổi bắt nữa.

Đám mây nào đi qua, dòng sông cũng thấy đẹp và cũng vẫy tay chào. Dòng sông không còn thấy buồn tủi hay lưu luyến. Bởi đám mây nào cũng là một dòng sông, chẳng còn phải chọn lựa. Một niềm an vui hài hòa đã kết hợp mây và sông.

Tối hôm đó một điều thật tuyệt diệu đã xảy ra. Dòng sông mở rộng lòng đón mặt trăng rằm, mặt nguyệt tròn tròn vành vạch và sáng rực rỡ như một viên bảo châu trong dòng nước trong vắt …

Dòng sông trong vắt đã làm hiện rõ bóng trăng và trăng đã cùng mây nước dắt tay nhau đi thiền hành về biển cả.

Chẳng có gì phải chạy đuổi theo. Chỉ cần trở về với mình, trở về với hơi thở và nụ cười, trở về nơi mình ở, nơi có thông reo, chim hót và nắng ban mai. Còn nơi nào đẹp hơn nữa.”



* * *



Một bậc thầy tâm linh Srilanka, ngài Henepola Gunaratana sẽ giúp chúng ta hình dung ra một thế giới quan mới mẻ, rộng lớn và sâu sắc như thế nào trên con đường chúng ta tìm về chính mình:

“Bạn sẽ thấy rõ được lúc nào mình tiếp xúc với sự vật bằng một ý thức đơn thuần, và khi nào mình bóp sự vật bằng những nhận thức đầy ý niệm và thành kiến. Bạn nhận diện được những khi mình vặn vẹo thực tại bằng những phê phán trong tâm, bằng những hình ảnh cố định và ý kiến cá nhân.

Bạn biết rõ mình đang làm gì, và khi nào mình làm việc ấy. Bạn trở nên bén nhạy khi tiếp xúc với thực tại, và có khuynh hướng nhìn sự vật một cách đơn sơ và khách quan hơn, không thêm vào cũng không bớt ra một điều gì. Bạn trở nên rất chuẩn xác.

Từ nơi bạn nhìn, tất cả đều sáng tỏ. Vô số những hoạt động của thân và tâm được hiển lộ lên với những chi tiết thật rõ ràng. Bạn quán sát trong chánh niệm sự lên xuống không ngừng của hơi thở; bạn quán sát một dòng sông cảm giác bất tận của những xúc chạm và chuyển động ở thân; bạn thấy được sự biến đổi nhanh chóng của chuỗi tư tưởng và cảm thụ; bạn cảm nhận được nhịp điệu vang vọng từ những bước chân đều đặn của thời gian.

Và ngay giữa những biến chuyển bất tận ấy, không có người quán sát, chỉ có sự quán sát mà thôi! Trong nhận thức này, không có gì tồn tại trong hai giây phút kế tiếp nhau. Mọi vật đều biến chuyển liên tục. Mọi hiện tượng sinh ra, mọi hiện tượng lớn lên rồi diệt đi. Không có một ngoại lệ nào cả!

  

Bạn đột nhiên ý thức được sự thay đổi của cuộc đời mình. Bạn nhìn quanh và thấy tất cả mọi sự vật đều biến đổi, tất cả mọi sự vật. Tất cả lên cao rồi xuống thấp, tăng lên rồi giảm đi, sinh ra rồi diệt mất….Mọi sự sống, từ những vật vi phân cho đến một đại dương bao la, đều

luôn luôn chuyển động. Bạn nhận thức vũ trụ như là một dòng sông kinh nghiệm vĩ đại. Những gì bạn trân quý nhất đang từ từ vuột ra khỏi bàn tay bạn, ngay chính cả cuộc đời mình. Nhưng sự vô thường ấy không làm cho bạn sầu khổ. Bạn đứng đó không lay chuyển, nhìn những sinh hoạt diễn ra trong bất tận, và phản ứng của bạn là một niềm vui, một hạnh phúc nhiệm mầu. Tất cả đang chuyển động, đang nhảy múa và tràn đầy sự sống.

Khi bạn tiếp tục quán sát những đổi thay này và thấy được sự tương quan của chúng với nhau, bạn sẽ ý thức được một sự liên hệ mật thiết giữa các hiện tượng của tâm lý, xúc giác và vật lý. Bạn nhìn một tư tưởng này dẫn sang một tư tưởng khác, bạn sẽ thấy sự tàn hoại sẽ làm khởi lên những phản ứng tình cảm, và cảm thụ ấy lại làm khởi sinh nhiều tư tưởng khác.

Hành động, tư tưởng, cảm thụ, ham muốn – tất cả đều liên kết khắng khít với nhau, trong một tiến trình nhân quả rất tinh vi. Bạn nhìn những kinh nghiệm thú vị đến rồi đi, bạn thấy chúng không bao giờ có mặt dài lâu. Bạn nhìn những sự đau đớn đến không cần ai mời gọi, và bạn thấy mình vùng vẫy, cố gắng tống đẩy chúng đi; và bạn nhìn mình thất bại. Và bấy nhiêu đó cứ tiếp tục lập đi, lập lại mãi, trong khi bạn bước lui lại, yên lặng và quán sát nó xảy ra.

Qua những nhận xét ấy, bạn không tránh khỏi đi đến một kết luận duy nhất. Bạn thấy rõ cuộc đời mình được đánh dấu bằng sự thất vọng và bối rối, và bạn cũng thấy rõ nguyên nhân của chúng. Những phản ứng xuất phát từ sự bất lực cuả ta vì không đạt được những gì mình muốn, từ một sự sợ hãi không muốn đánh mất những gì mình có, và từ một thói quen không bao giờ hài lòng với những gì đang có trong tầm tay mình.

Chúng không còn là lý thuyết và ý niệm suông – bạn đã thấy và kinh nghiệm, và bạn biết đó là một hiện thực. Bạn nhận thức được nỗi sợ của mình, một nỗi bất an khi đối diện với vấn đề sinh tử. Đó là một mối lo âu rất lớn lao, nó ăn sâu đến tận gốc rễ của ta và biến sự sống thành một cuộc tranh đấu. Bạn thấy mình hoang mang nắm bắt, cố quơ tìm những gì vững chắc và đáng tin cậy. Bạn thấy mình lúc nào cũng cố gắng bám víu vào một cái gì đó, nắm giữ bất cứ một cái gì, giữa một vùng cát sa lầy. Và rồi bạn hiểu rằng không có gì để ta bám vào được hết, không có gì thay đổi cả!

Bạn thấy được những nỗi đau của những sự mất mát và buồn lo. Bạn thấy mình bị bắt buộc phải tự thích ứng với khổ đau có mặt trong đời sống. Bạn chứng kiến những mâu thuẫn và xung đột có mặt hàng ngày, và bạn cũng thấy được rằng chúng nông cạn đến đâu. Bạn quán sát cái quá trình của đau đớn, bệnh hoạn, già nua và chết. Và bạn cũng ý thức được rằng những điều ấy thật ra không có gì đáng sợ. Chúng chỉ là một hiện thực.

Qua sự quán chiếu về những khía cạnh tiêu cực ấy của cuộc đời, bạn sẽ có một hiểu biết sâu sắc hơn về dukkha – tính chất bất toại nguyện của hiện hữu. Bạn bắt đầu nhận diện được dukkha trong mọi lĩnh vực của đời người, từ những cái rất hiển nhiên cho đến những cái vi tế nhất.


Bạn thấy được khổ đau lúc nào cũng theo sau sự nắm bắt, vừa khi bạn nắm giữ bất cứ một cái gì, khổ đau đã có mặt, không thể tránh khỏi. Và một khi bạn hiểu rõ được hoạt động của lòng ham muốn, bạn sẽ trở nên bén nhạy hơn đối với nó. Bạn thấy được nó khởi lên ở đâu, khởi lên khi nào, và có ảnh hưởng ra sao. Bạn nhìn thấy nó hoạt động liên tục, biểu lộ xuyên qua những giác quan, rồi chiếm đoạt và làm chủ tâm thức!

Ngay giữa những kinh nghiệm dễ chịu và thú vị, bạn nhìn thấy những bám víu và dính mắc của mình. Ngay giữa những kinh nghiệm khó chịu và đau đớn, bạn nhìn thấy có một sự chống cự phát khởi. Bạn không cần ngăn chận những hiện tượng ấy, bạn chỉ cần theo dõi chúng.

Bạn muốn tìm một cái gì để gọi là “tôi”, nhưng cái bạn tìm thấy chỉ là cái thân vật lý này, và làm sao ta có thể nhận cái túi da bọc xương ấy là mình được? Rồi đi tìm sâu hơn nữa, bạn thấy những hiện tượng tâm lý – như là cảm thọ, suy nghĩ, và ý kiến – và rồi tự nhận hết những cái ấy là “tôi”. Bạn thấy mình trở nên bị chiếm hữu, bảo vệ và che chở cho chúng, điều ấy thật là điên rồ!

Bạn cố đi tìm một cái gì có thể gọi là “tôi” – cơ thể vật lý, cảm xúc trong thân, cảm thọ và tình cảm – nhưng chúng cứ xoay vần và biến đổi mãi trong khi bạn tìm kiếm, lục lọi trong mọi ngõ ngách, xó xỉnh cố tìm cho được một cái gọi là “tôi”. Cuối cùng, bạn sẽ không tìm được một cái gì cả!

Trong tất cả những kinh nghiệm biến đổi không ngừng ấy, có tìm được gì chăng thì cũng chỉ là những tiến trình vô ngã, được thúc đẩy và quy định bởi những tiến trình đi trước. Không có một cái ngã hoặc cái tôi cố định nào trong đó cả! Tất cả chỉ là những tiến trình. Bạn tìm thấy tư tưởng nhưng không có chủ thể tư tưởng, bạn tìm thấy tình cảm và ham muốn, nhưng không có người nào làm việc ấy. Căn nhà hoàn toàn trống vắng. Không có một ai ở nhà cả!

Quan niệm của bạn về một cái tôi từ nay sẽ thay đổi vĩnh viễn. Bạn sẽ nhìn lại ta như là một tấm hình trên một trang báo. Dưới con mắt thường, bức hình ấy là một tấm ảnh về ta thật rõ ràng. Nhưng khi nhìn dưới một cái kính lúp, tấm hình ấy sẽ hiện rõ thành một tập hợp của vô số những dấu chấm nhỏ đen trắng phức tạp. Cũng tương tự, dưới ánh sáng của chánh niệm, cảm nhận về một cái ngã, cái tôi, hoặc là một cái gì đó sẽ mất đi tính chất rắn chắc của nó và bị tan rã.

Trong thiền quán, sẽ có một lúc tuệ giác về ba đặc tính của hiện hữu – vô thường, bất toại nguyện và vô ngã sẽ bừng lên trong ta. Bạn kinh nghiệm được hết sức rõ rệt sự vô thường của đời sống, sự khổ đau của kiếp người, và sự thật về không có một cái tôi cố định và riêng rẽ!

Bạn kinh nghiệm được những điều này rất sâu sắc, đến nỗi đột nhiên bạn ý thức rằng tất cả những tham ái, nắm bắt và ghét bỏ của mình là vô nghĩa lý và hoàn toàn vô ích. Trong giây phút ấy, tâm thức của bạn được chuyển hóa hoàn toàn. Cái tôi hoàn toàn bị tan rã. Tất cả còn lại chỉ là những hiện tượng vô ngã liên kết, tương quan với nhau, chỉ tồn tại với những điều kiện nhất định và luôn biến đổi không ngừng!
  

Lòng ái dục tắt ngấm và gánh nặng được buông xuống. Chỉ còn lại một dòng sông thong thả trôi, không chống cự, không ngăn ngại. Bây giờ chỉ còn có mặt một hạnh phúc thường hằng, Niết-bàn, vô sinh, đã đạt đến!”



* * *



Bạn đọc thân mến!

Khi bạn kiên nhẫn đọc đến những dòng này thì con đường mà Đạo Trading giới thiệu đã thu hút được sự quan tâm của bạn và tôi rất vui về điều đó. Bạn có thể tham khảo phần tiếp theo để nắm bắt phương pháp giao dịch cụ thể do Đạo Trading đề xuất hoặc bạn có thể nghiên cứu một phương pháp khác phù hợp hơn. Điều quan trọng là con đường được giới thiệu ở trên sẽ giúp bạn tránh xa được vực thẳm nghề nghiệp mà nhiều người đã rơi vào!


 ***

Đọc thêm






Jiddu Krishnamurti (1895-1986) là nhà đạo sư dị thường nhất thế kỷ 20, đã tự giải tán tổ chức tôn giáo mà Ngài được chọn làm giáo chủ từ khi còn thơ ấu trong khi tổ chức này đã có tới hơn 5 triệu tín đồ. Ngài là một danh nhân giác ngộ; được Liên Hợp Quốc tôn vinh; được rất nhiều người với đủ mọi thành phần xã hội ngưỡng mộ – trong đó có Ngài Đạt Lai Lạt Ma & Nhà khoa học danh tiếng - giáo sư tiến sĩ vật lí David Bohm .



“Chiều hôm qua nó bắt đầu đột ngột, trong căn phòng nhìn ra con phố náo nhiệt; sức mạnh và vẻ đẹp của điều ấy trải rộng từ căn phòng tràn ra luồng giao thông trên phố, băng ngang khu vườn và vượt qua những ngọn đồi. Nó bao la và tinh khôi ngay đó; nó hiện diện ngay đó vào buổi chiều, và vừa khi mình vào giường nó cuồng nộ và mãnh liệt, một niềm hân hoan và đẹp đẽ vô cùng. Không thể quen thuộc được với nó vì nó luôn đổi khác, luôn luôn có điều mới mẻ, một phẩm chất mới, một ý nghĩa tinh tế, một ánh sáng mới, một điều gì đó chưa từng thấy trước kia. Nó không phải là một món đồ để lưu giữ, để nhớ lại hay xem xét khi rảnh rỗi; nó ngay đó và không suy nghĩ nào với đến được để cảm nghiệm hay lưu giữ, vì trí não lặng yên và thời gian không hiện diện. Nó ngay đó và mọi suy nghĩ trở nên câm lặng.

Sinh lực mạnh mẽ của cuộc sống luôn luôn ngay đó, cả đêm và ngày. Nó vô hướng, không va chạm, không lựa chọn và không nỗ lực. Nó ngay đó với sự mãnh liệt đến nỗi suy nghĩ và cảm giác không thể chụp bắt để định hình nó theo sự thêu dệt, kinh nghiệm và đòi hỏi của chúng. Nó ngay đó với sự tràn trề mà không gì có thể làm suy giảm. Nhưng khi chúng ta cố gắng tận dụng nó, định hướng cho nó, chụp bắt nó trong khuôn khổ kinh nghiệm của mình thì chúng ta sẽ cố vặn vẹo nó cho vừa với khuôn mẫu, kinh nghiệm và kiến thức của mình. Chính tham vọng, tị hiềm, tham lam đã làm suy giảm sinh lực của nó khiến gây ra xung đột và đau buồn; sự tàn nhẫn của tham vọng, dù cá nhân hay tập thể, làm biến dạng sự mãnh liệt của nó, gây ra căm thù, đối kháng, xung đột. Mỗi một hành động tị hiềm đều làm hư hoại năng lực này, gây ra bất mãn, khốn khổ, sợ hãi, và kèm theo nỗi sợ hãi sẽ có cảm giác tội lỗi, lo âu, và nỗi khổ muôn đời do hành động so sánh và bắt chước. Chính cái năng lượng hư hoại này tạo ra các nhà tu, tướng lãnh, chính trị gia và trộm đạo. Cái sinh lực vô hạn đã trở nên bất toàn bởi khao khát được trường tồn và an ổn, là mảnh đất màu mỡ cho các ý tưởng cằn cỗi, sự tranh giành, sự nhẫn tâm và chiến tranh; đó chính là nguyên nhân của sự xung đột muôn đời giữa người và người.

Khi dẹp được các thứ này qua một bên, với sự ung dung chứ không phải bằng nỗ lực, chỉ lúc đó mới có cái sinh lực mạnh mẽ này, cái sinh lực chỉ hiện hữu và nở hoa trong tự do. Chỉ trong tự do nó mới không gây ra xung đột và buồn đau; chỉ lúc đó nó mới triển nở vô hạn. Nó là sự sống không có bắt đầu và chấm dứt; nó là sự sáng tạo bao hàm cả tình yêu lẫn hoại diệt. Sinh lực bị định hướng một chiều sẽ dẫn đến một thứ: Đó là xung đột và đau buồn; sinh lực được dùng để toàn bộ cuộc sống được hiển lộ ra là niềm vui vượt ngoài mọi lượng định.”








Eckhhart Tolle (1948-đến nay): Sau khi tốt nghiệp Đại học Luân Đôn, ông trở thành một nhà nghiên cứu tại Đại học Cambridge. Năm hai mươi chín tuổi, một sự chuyển hóa tâm linh sâu sắc đã làm thay đổi hoàn toàn những gì ông từng nghĩ về chính mình và hướng đi của đời ông. Từ đó ông đã dành hết tâm sức để tìm hiểu, vận dụng và đào sâu thêm vào sự chuyển hóa này, đánh dấu một bước khởi đầu cho hành trình kiên trì đi vào nội tâm.



“Mãi cho đến tuổi ba mươi, tôi luôn sống trong tâm trạng hầu như không ngừng lo âu, thỉnh thoảng gặp phải những thời kỳ u uất đến mức chỉ muốn tự sát cho rảnh nợ. Nay nhắc lại tôi tưởng chừng như mình đang nói về quãng đời quá khứ xa lạ nào đó hay về cuộc đời của một ai khác vậy.

Một hôm vào năm tôi 29 tuổi, tôi thức giấc lúc nửa đêm với cảm giác cực kỳ kinh hãi. Trước kia tôi thường thức giấc với cảm giác như vậy nhiều lần, nhưng lần này cảm giác ấy mãnh liệt chưa từng có. Sự im lặng của đêm khuya, dáng vẻ lờ mờ của đồ đạc trong căn phòng tối, tiếng xe hơi rì rầm từ xa vọng lại – mọi thứ rất xa lạ, rất thù nghịch, và hoàn toàn vô nghĩa đến nỗi tôi cảm thấy ghê tởm mọi thứ. Nhưng cái làm tôi ghê tởm nhất chính là sự tồn tại của bản thân mình. Tiếp tục sống với gánh nặng khốn khổ này để làm gì? Tại sao tôi cứ phải lao vào cuộc đấu tranh không phút ngơi nghỉ này cơ chứ? Tôi cảm thấy tận đáy lòng mình sự chờ mong bị hủy diệt, để không còn phải tồn tại nữa, giờ đây còn mạnh mẽ hơn cả bản năng muốn tiếp tục sống.

  


Ý tưởng lặp đi lặp lại mãi trong đầu tôi là: “Tôi không thể sống với mình được nữa”. Rồi tôi chợt nảy ra một ý nghĩ thật kỳ quặc: “Tôi là một hay hai người? Nếu tôi không thể sống với chính mình, vậy thì hẳn phải có đến hai cái tôi: Tôi và cái tôi của mình, là cái tôi không thể chung sống được. Nhưng có lẽ chỉ có một cái là thật thôi”.

Sự nhận biết kỳ lạ này làm tôi sững sờ đến nỗi tâm trí đột nhiên ngừng bặt. Tôi vẫn ý thức trọn vẹn, nhưng không còn suy nghĩ nữa. Rồi tôi thấy mình như bị cuốn hút vào một cơn lốc xoáy trùng trùng năng lượng. Thoạt đầu cơn lốc ấy chuyển động rồi gia tốc dần lên. Tôi cảm thấy cực kỳ khiếp hãi, cơ thể tôi bắt đầu run lên cầm cập. Tôi nghe thấy tiếng nói: “Chống cự vô ích”, như thể phát ra từ bên trong lồng ngực mình. Tôi thấy mình bị hút vào một khoảng không trống rỗng, như thể khoảng trống ấy ở bên trong chứ chẳng phải bên ngoài người tôi. Thình lình không còn nỗi sợ hãi nào nữa, rồi tôi để mình rơi tọt vào khoảng không trống rỗng ấy. Sau đó tôi chẳng còn nhớ gì nữa.

Tôi bị đánh thức dậy bởi tiếng chim hót líu lo bên ngoài cửa sổ. Trước đây tôi chưa bao giờ được nghe một âm điệu du dương đến thế. Cùng lúc ấy, mặc dù mắt vẫn còn nhắm mà tôi lại thấy hình ảnh một viên kim cương quý giá. Phải, nếu viên kim cương có thể phát ra tiếng thì âm điệu phải như thế. Tôi mở mắt. Tia nắng ban mai xuyên qua tấm màn. Chẳng có ý nghĩa nào trong đầu, tôi cảm thấy vô vàn ánh sáng tràn ngập hơn hẳn bình thường. Ánh sáng êm dịu xuyên qua tấm màn kia chính là tình yêu. Nước mắt tôi trào ra. Tôi đứng dậy đi tới đi lui quanh căn phòng. Tôi nhận ra căn phòng quen thuộc, nhưng đồng thời tôi biết rằng mình chưa thực sự thấy như vậy trước kia. Mọi thứ đều tươi tắn, tinh khôi, như thể vừa mới bước vào hiện hữu. Tôi nhặt vài thứ lên, một cây bút chì, một chai nước uống, kinh ngạc trước vẻ mỹ miều và sinh động của chúng.

Ngày hôm đó tôi đi quanh thành phố với cảm giác vô cùng kinh ngạc trước sự diệu kỳ của cuộc sống trên trái đất, như thể tôi vừa mới được sinh ra trên cõi đời này vậy.

Trong những tháng kế tiếp, tôi sống trong trạng thái thanh bình và hạnh phúc sâu sắc, không hề gián đoạn. Sau đó nó giảm thiểu cường độ dần dần, hoặc có vẻ như vậy bởi vì trạng thái đó đã trở thành tự nhiên. Tôi vẫn có thể sinh hoạt trong cuộc sống bình thường, dù tôi nhận ra rằng những gì mình đã từng làm chẳng thêm được gì vào cái tôi vốn đã sẵn có.

Dĩ nhiên, tôi biết điều gì đó có ý nghĩa thật sâu đậm đã xảy ra cho mình, nhưng lúc ấy tôi không hiểu được nó. Mãi vài năm sau đó, nhờ đọc nhiều tác phẩm bàn về tâm linh và tiếp xúc với nhiều vị đạo sư tôi mới biết mọi người đang tìm kiếm các biến cố đã xảy ra cho tôi. Tôi hiểu rằng áp lực thống khổ kinh khủng đêm hôm đó đã buộc ý thức của tôi xóa tan ảo tưởng đồng hóa tâm trí vào Cái Tôi khốn khổ và đầy sợ hãi. Sự giải trừ đó toàn triệt đến nỗi Cái Tôi giả tạo khốn khổ này tức thì sụp đổ, giống như nắp van vọt ra khỏi món đồ chơi căng đầy hơi. Cái còn sót lại khi ấy chính là bản tính chân thật của tôi, là bản thể hiện tiền vĩnh hằng của tôi: tức là ý thức trong trạng thái thuần khiết trước khi đồng hóa với hình tướng bên ngoài. Về sau tôi cũng học được cách tiến vào lãnh địa phi thời gian và vĩnh cửu nội tại, mà khởi thủy tôi thấy giống như một khoảng không trống rỗng và vẫn hoàn toàn ý thức mọi việc. Tôi lưu trú trong trạng thái hạnh phúc và kỳ diệu không thể tả được, nó còn sung mãn hơn cả kinh nghiệm ban sơ mà tôi vừa kể trên nữa. Có dạo tôi không còn điều kiện mưu sinh nào cả, lại chẳng có quan hệ thân thuộc gì, không việc làm, không nhà cửa, không giấy tờ tùy thân. Tôi trải qua gần hai năm ngồi trên ghế đá công viên trong trạng thái hân hoan mãnh liệt nhất.

Nhưng kinh nghiệm dù có đẹp đẽ thế mấy đi nữa cũng đến rồi đi. Có lẽ điều quan trọng hơn bất cứ kinh nghiệm nào khác là dòng chảy thanh bình chẳng bao giờ rời khỏi tôi kể từ lúc đó. Có lúc nó rất mãnh liệt, hầu như sờ thấy được, và người khác cũng có thể cảm nhận được. Có lúc nó chìm khuất bên dưới, giống như một giai điệu xa xôi.

Sau này, đôi khi có người đến gặp tôi nói rằng: “Tôi muốn có được thứ đã xảy đến cho ông, liệu ông có thể tặng lại cho tôi, hay chỉ bảo cho tôi cách tìm thấy nó không?” Và tôi đáp: “Bạn vốn đã sẵn có rồi. Bạn không cảm nhận được chỉ vì tâm trí bạn quá huyên náo đó thôi”.







 Osho (1931-1990) là một vị đạo sư hết sức kỳ lạ của thế kỷ hai mươi. Tên thật của ông là Rajneesh Chandra Mohan Jain. Ông là một người gây nên rất nhiều tranh cãi trong số những ai quan tâm đến triết học phương Đông, trong giới những người tầm cầu tôn giáo và đạo sư. Có thể nói, ông là một trong những người gây phân hoá cùng cực nhất về mặt đạo lý, nhưng cũng là người có sức thu hút mạnh mẽ nhất trong các

bài giảng về tôn giáo và triết học.



Đêm đó, lần đầu tiên, tôi hiểu ý nghĩa của từ maya. Không phải là trước đó tôi không biết cái từ đó, không phải là tôi không nhận biết được cái nghĩa của từ đó. Như bạn nhận biết được, tôi cũng nhận biết được cái ý nghĩa của nó – nhưng trước đó, tôi chưa bao giờ hiểu nó. Làm thế nào bạn hiểu nếu không có kinh nghiệm? Đêm đó, một thực tại khác mở ra cánh cửa của nó, một chiều kích mới trở nên khả dĩ. Bỗng nhiên, nó ở đó, cái thực tại khác (the other reality), cái thực tại “riêng biệt” (separate) – cái thực tại đích thực, hay bất cứ cái gì mà bạn muốn gọi nó. Hãy gọi nó là Thượng đế, chân lý, hãy gọi nó là Pháp (dhamma), hãy gọi nó là Đạo, hay bất cứ cái gì mà bạn muốn. Nó không có tên. Nhưng nó ở đó – quá trong suốt, và thế nhưng, quá rắn chắc đến nỗi bạn có thể sờ vào nó. Nó hầu như làm tôi nghẹt thở, trong cái phòng đó. Nó quá tràn ngập, và tôi không đủ sức để hấp thu nó.

Một thôi thúc sâu xa khởi lên trong tôi, muốn lao ra khỏi phòng, đi dưới bầu trời – nó đang làm tôi nghẹt thở. Nó quá tràn ngập ! Nó sẽ giết chết tôi! Nếu nó còn lưu lại thêm chỉ một vài khoảnh khắc nữa thôi, có lẽ nó đã làm tôi nghẹt thở – có vẻ như thế. Tôi lao ra khỏi phòng, đi vào đường phố. Một thôi thúc lớn đang ở đó, chỉ muốn ở dưới bầu trời, với những vì sao, với cây cỏ, với đất … với thiên nhiên. Và khi tôi ra tới bên ngoài, cái cảm giác bị nghẹt thở lập tức biến mất. Căn phòng là một nơi quá nhỏ bé cho một hiện tượng quá lớn lao như thế. Ngay cả bầu trời cũng là một nơi chốn nhỏ bé đối với một hiện tượng to lớn như thế. Nó lớn hơn cả bầu trời. Ngay cả bầu trời cũng không bao trùm được nó. Nhưng rồi, tôi cảm thấy thanh thản. Tôi đi bộ về phía khu vườn gần nhất. Đó là một cuộc đi dạo hoàn toàn mới mẻ, như thể trọng lực đã biến mất. Tôi đang bước đi, hay tôi đang chạy, hay tôi chỉ đơn thuần đang bay; thật khó mà quyết định. Không có trọng lực, tôi đang cảm thấy mình nhẹ tênh, không trọng lượng – như thể năng lượng nào đó đang chiếm lĩnh tôi. Tôi đang ở trong tay của của một năng lượng nào khác. Lần đầu tiên tôi không cô độc, lần đầu tiên tôi không còn là một cá thể, lần đầu tiên giọt nước đã rơi vào đại dương. Bây giờ, toàn bộ đại dương là của tôi, tôi là đại dương. Không có giới hạn nào. Một quyền năng to lớn khởi lên, như thể tôi có thể làm bất cứ cái gì. Tôi không có mặt ở đó, chỉ có cái quyền năng nọ là ở đó.

Tôi đến khu vườn nơi mà tôi có thói quen đi tới mọi ngày. Khu vườn đóng cửa, nó đóng cửa vào ban đêm. Đã quá khuya, đã gần 1 giờ sáng. Người làm vườn đã ngủ. Tôi đã phải lẻn vào như một tên trộm, tôi phải trèo qua cổng. Nhưng một cái gì đó đang kéo tôi về phía khu vườn. Tôi không đủ khả năng để tự ngăn mình lại. Tôi chỉ đơn thuần đang trôi bồng bềnh.

Đó là cái mà tôi ngụ ý, khi tôi lặp đi lặp lại, “Hãy trôi bồng bềnh với dòng sông, đừng đẩy dòng sông.” Tôi được thư giãn, tôi đang ở trong một sự buông bỏ (let-go). Tôi không ở đó, nó đang ở đó, hãy gọi nó là Thượng đế – Thượng đế đang ở đó. Tôi muốn gọi nó là nó, bởi vì Thượng đế là một từ quá “phàm tục” (too human) và đã trở thành quá dơ bẩn do bị dùng quá nhiều, đã trở nên quá ô nhiễm do bị quá nhiều người lạm dụng. Những người Kytô, Hindu, Mahommed, và những chính trị gia – tất cả họ đã làm hỏng vẻ đẹp của từ đó. Do vậy, hãy để tôi gọi nó là nó. Nó ở đó và tôi chỉ đơn thuần bị cuốn đi … cuốn đi bởi một đợt thủy triều.

Khoảnh khắc mà tôi bước vào khu vườn, mọi sự trở nên chói lọi, nó tràn ngập khắp nơi – ơn phước, sự diễm phúc (blessedness). Tôi có thể thấy những cái cây lần đầu tiên – màu xanh lá cây của nó, sự sống của nó, chính cái chất nhựa đang chảy. Toàn bộ khu vườn đang ngủ, cây cỏ đang ngủ. Nhưng tôi có thể thấy toàn bộ khu vườn đang sống động, ngay cả những lá cỏ bé nhỏ cũng quá đẹp.

Tôi nhìn quanh. Một cái cây thì quá chói sáng–cây maulshree. Nó hấp dẫn tôi, nó hút tôi về phía chính nó. Tôi đã không chọn nó, chính Thượng đế đã chọn nó. Tôi đi tới cái cây, tôi ngồi dưới cây đó. Trong khi tôi ngồi ở đó, những sự việc bắt đầu ổn định lại. Toàn bộ vũ trụ trở nên một ơn phước.

Thật khó mà nói, là tôi đã ở trong trạng thái đó bao lâu. Khi tôi về đến nhà, đã 4 giờ sáng, cho nên chắc hẳn là tôi đã ở đó ít nhất là 3 tiếng, theo thời gian đồng hồ, nhưng mà nó là cái vô hạn. Nó không dính dáng gì tới thời gian đồng hồ. Nó là phi thời gian.

Ba tiếng đồng hồ đó trở thành toàn bộ vĩnh cửu, vĩnh cửu vô chung. Không có thời gian, không có sự trôi đi của thời gian; nó là thực tại trinh nguyên – không bị hoen ố, không thể xúc chạm, không thể đo lường.



Và ngày đó một cái gì đó đã xảy ra, mà đã tiếp tục – không phải là một sự tiếp diễn hiển lộ nhưng nó vẫn tiếp tục như là một dòng nước ngầm (undercurrent). Không phải như là một sự thường hằng, bất biến – mỗi khoảnh khắc, nó vẫn đang xảy ra, lặp đi lặp lại. Mỗi khoảnh khắc, nó là một phép mầu.

Và, từ đêm đó, tôi chưa bao giờ ở trong thân thể mình. Tôi đang bay lượn xung quanh nó. Nó trở nên vô cùng hùng mạnh, và đồng thời, rất mong manh dễ vỡ. Nó trở nên rất mạnh mẽ, nhưng sức mạnh đó không phải là sức mạnh của Muhammad Ali. Sức mạnh đó không phải là sức mạnh của một tảng đá; đó là sức mạnh của một bông hồng – quá mỏng manh về mặt vật lý, quá mẫn cảm (sensitive), quá dễ vỡ.

Tảng đá sẽ có thể ở đó, nhưng bông hoa thì có thể biến đi bất cứ khoảnh khắc nào. Nhưng, mặc dù vậy, bông hoa mạnh mẽ hơn tảng đá, bởi vì nó sinh động hơn. Hay, đó là sức mạnh của một giọt sương trên một lá cỏ, chỉ đơn giản chiếu sáng dưới mặt trời buổi sáng – quá đẹp, quá quý giá, và thế nhưng, nó có thể tan đi bất cứ khoảnh khắc nào. Quá vô song trong sự duyên dáng của nó, nhưng một ngọn gió nhẹ có thể đến và giọt sương có thể tan đi và chìm mất mãi mãi.



***


No comments:

Post a Comment