ĐĂNG KÝ EXNESS - SÀN UY TÍN NHẤT HIỆN NAY

Monday, December 9, 2019

Đạo trading - Phần 12: Bản ngã


Hiểu ngũ uẩn để phá kiến chấp về bản ngã 

BẢN NGà

1. Thời gian & tư tưởng 

Mọi vấn đề của con người có thể gói gọn trong hai chữ thời gian, là một khái niệm hết sức trừu tượng, co dãn, biến hóa, và đôi khi mơ hồ đến mức chẳng ai buồn để ý. Nỗ lực là thời gian. Mong cầu là thời gian. Thành tựu là thời gian. Rèn luyện là thời gian. Kiến thức, tri thức là thời gian. Hứa hẹn, hy vọng, mơ ước là thời gian. Thiên đường, cực lạc cũng là thời gian. Ý chí là thời gian. Lý tưởng là thời gian. Và hạnh phúc, chân lý, tình yêu cũng đã bị ném tận cuối con đường thời gian.... (Mộc Nhiên) 


Thực vậy, Ngài J. Krishnamurti – một danh nhân giác ngộ được Liên Hợp Quốc tôn vinh, đã chỉ ra gốc rễ của nỗi đau buồn chính là thời gian tâm lý: 

“Để hiểu được vấn đề này, để tự hỏi xem có thể nào chấm dứt đau buồn, người ta phải xem xét vấn đề thời gian, không chỉ là thời gian theo đồng hồ, theo ngày tháng, hôm qua, hôm nay và ngày mai, nhưng còn có loại thời gian tâm lý, thời gian mà con người đã xây dựng bên trong chính mình để rồi bị giam cầm trong đó... Thời gian giống như một dòng sông lững lờ trôi bất tận, nhưng con người đã bẻ gẫy nó làm ba phần: quá khứ, hiện tại và tương lai. Quá khứ thì quá nặng nề và tương lai thì chưa biết. Để gán một ý nghĩa cho cái cuộc đời vô nghĩa, vô mục đích, xấu xa này, con người bảo, “Mình hãy sống cho hiện tại”. Họ sáng chế ra triết lý hiện sinh các thứ. Nhưng để sống cho hiện tại con người phải hiểu được quá khứ và tương lai. Nó là một chuyển dịch; người ta không thể chiếm lấy dòng sông rồi nói, “Tôi sống đúng ngay đó”. Thời gian giống như một dòng sông đang chảy, và trong dòng thời gian này con người bị giam cầm. Nếu không chấm dứt được thời gian thì sẽ không chấm dứt được nỗi đau buồn. 

Hiển nhiên chúng ta là kết quả của quá khứ, chúng ta bị khuôn định bởi thời gian, bởi xã hội, bởi nền văn hóa chúng ta đang sống. Chúng ta bị giam cầm trong đó, và trí não của chúng ta cùng với các phản ứng được giáo dục để hoạt động trơn tru trong dòng thời gian, để chấp nhận nó và thích ứng với nó. Chúng ta luôn luôn nghĩ về quá khứ, từ quá khứ nhìn vào hiện tại và từ hiện tại tạo ra tương lai. Cái “bây giờ” là kết quả của ngày qua, và ngày mai, nếu như có ngày mai, là kết quả của hôm nay. Về mặt trí thức, chúng ta đều biết các thứ này, và chúng ta vẫn chưa thể tìm được một giải pháp. Chúng ta bị giam cầm trong dòng chảy này, cũng như chúng ta bị giam cầm trong dòng sợ hãi, trong dòng buồn đau. Chúng ta bị giam cầm trong dòng chảy thời gian – tôi đã là, tôi đang là, tôi sẽ là. Tôi đã hung bạo ngày hôm qua và tôi sẽ không hung bạo vào ngày mai. Chúng ta luôn luôn hành xử trong thời gian. Nếu quan sát chính tâm trí của mình, chúng ta sẽ khám phá ra điều này, khám phá ra nó chứ không phải chấp nhận nó. Có sự khác biệt giữa khám phá và chấp nhận. Khi chúng ta tự khám phá điều gì thì nó sẽ có giá trị, và sẽ có một sức mạnh trong sự khám phá đó. Nhưng nếu chúng ta chỉ đơn thuần chấp nhận thì tất cả mọi thứ thiết yếu như là sức mạnh, sự sinh động, sự quán xét, sức sống, tất cả các thứ này bị hủy diệt. Hầu hết chúng ta chỉ biết nói “có” chứ không biết nói “không”. Chúng ta chấp nhận, chúng ta tuân phục truyền thống hay những gì có sẵn. Vì chúng ta bị giam cầm nên để giải quyết vấn đề đau buồn chúng ta phải nhìn thời gian theo chiều hướng khác, nhìn thấy thời gian tạo ra tư tưởng. Tư tưởng là kết quả của thời gian.” 

Ông nói tiếp: 

“Nói cho cùng đau buồn là một thách đố, một thách đố bị đáp ứng bất xứng, và do đó ngoài nỗi buồn ra còn có cảm giác rối loạn, lo lắng, sợ hãi. Tôi bị mất việc. Tôi thấy người khác nổi tiếng, giàu có, dư dật. Tôi chẳng có gì cả trong khi người khác lại có mọi thứ - sắc đẹp, lịch thiệp, thông minh. Chính suy nghĩ tiến hành so sánh, điều chỉnh, chấp nhận hay phủ nhận, đã nuôi dưỡng điều này. 

Tư tưởng không thể giải quyết vấn đề buồn đau. Xin đừng chấp nhận hay phủ nhận những gì đang nói. Chúng ta phải nhìn thấy sự thực này và khi nhìn thấy sự thực này rất tỏ tường thì sẽ không có chuyện chấp nhận hay phủ nhận. Nó là thế. Vấn đề không phải là làm sao để chấm dứt suy nghĩ, hay suy nghĩ phải hoạt động trong tình huống nào cho hợp lẽ. Khi chúng ta hiểu rất tỏ tường, toàn bộ chuyển dịch của suy nghĩ, cách nó hành xử, nó ẩn chứa điều gì, hiểu được cỗ máy suy nghĩ, nguồn gốc của suy nghĩ và tư tưởng, chúng ta bắt đầu hỏi rằng liệu thời gian trong hình thái tư tưởng có thể đi đến kết thúc không. Nếu không, sẽ chẳng chấm dứt được buồn đau. Chúng ta sẽ tiếp tục sống thêm hai triệu năm hay hơn nữa để chấp nhận, để chạy trốn, để sống một cuộc sống hỗn loạn, bất an, bất định. 

Liệu thời gian có chấm dứt được không? Trước tiên chúng ta phải nhìn thấy tâm trí, trí não, toàn bộ cách thức suy nghĩ, đều hành xử trong thời gian và chính là thời gian. Chúng ta phải nhận ra rằng thời gian là một chuyển dịch, là một dòng chảy mà chúng ta đã phân chia thành ngày hôm qua, hôm nay và ngày mai. Chúng ta phải thấy chuyển dịch này trong tổng thể và phải chú tâm toàn triệt vào nó.” 

2. Bản ngã (cái tôi) 

Đây là vấn đề rất quan trọng nên chúng ta sẽ tìm hiểu thật kỹ nó qua sự giải thích của các bậc thầy tâm linh đã chứng ngộ. 

(J. Krishnamurti) - “Cái tôi là gì? Nếu thực sự nhìn chính mình sẽ thấy rằng đó là một mớ kinh nghiệm được tích lũy, các vết thương tâm lý, ý tưởng, ý niệm, ngôn từ. Đó chính là chúng ta: Một mớ ký ức. Chúng ta đang xem xét một điều khá phức tạp, nhưng nếu tôi đi vào từng bước thì có lẽ nó sẽ sáng tỏ hơn. Về mặt tâm lý chúng ta là kết quả của hoàn cảnh giáo dục và xã hội. Xã hội với các chuẩn mực đạo đức, niềm tin và giáo điều của nó, với các mâu thuẫn, xung đột, tham vọng, tham lam, ganh tị, chiến tranh của nó, là chính chúng ta. Chúng ta cho rằng tự bản chất chúng ta có tâm linh, có linh hồn, chúng ta thuộc về Thượng đế, nhưng đó chỉ đơn thuần là những ý tưởng tuyên truyền bởi các tổ chức tôn giáo, hoặc chúng ta nhặt chúng từ sách vở, hay từ cha mẹ, là những người phản ánh sự khuôn định của một nền văn hóa đặc thù nào đó. Vì thế về bản chất chúng ta chỉ là một mớ ký ức, một mớ ngôn từ.

Ký ức đồng nhất với tài sản, với gia đình, với tên tuổi, mỗi chúng ta chỉ là như thế, nhưng chúng ta không thích khám phá ra sự kiện đó ở mình, vì nó quá khó chịu. Chúng ta thích nghĩ rằng con người là một thực thể thông minh phi thường, nhưng chúng ta không được vậy đâu. Chúng ta có thể có khả năng làm thơ hay vẽ tranh, chúng ta có thể quỉ quyệt trong kinh doanh, hay rất khôn khéo khi cắt nghĩa một chủ thuyết thần học nào đó; nhưng thực sự chúng ta chỉ là một mớ các thứ được ghi nhớ - các tổn thương, đau khổ, sự hão huyền, sự thành bại trong quá khứ. Các thứ đó chính là chúng ta. Một vài người có thể mơ hồ nhận ra rằng chúng ta là cặn bã của quá khứ, nhưng chúng ta không nhận biết sâu sắc, và bây giờ chúng ta thử xem lại, nhưng không có nghĩa là thu thập tri thức về mình đâu. Xin hãy thấy sự khác biệt.

Ngay lúc thu thập tri thức về mình là chúng ta đang gia cố cho tự ngã trong cặn bã quá khứ. Để nhìn thấy các sự kiện thực đúng về mình từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác, phải trong sáng với mọi tri thức về mình… Khi nói rằng tôi có kiến thức về chính mình thì điều đó có nghĩa là gì? Giả sử tôi bị xúc phạm, hay được khen tặng, kinh nghiệm đó lưu lại thành ký ức trong tâm trí tôi.”

“Con người đã đau khổ. Nội tâm con người luôn luôn sống trong một bãi chiến trường của hoạt động tự ngã, cái tôi phải ưu tiên còn người khác thì thứ yếu. Cái tôi phải được ưu tiên, như mối quan tâm của tôi, sự an toàn của tôi, lạc thú của tôi, thành công của tôi, địa vị của tôi, danh tiếng của tôi. Cái tôi phải được ưu tiên, chính là cái tôi đồng hóa với quốc gia, với gia đình, với học thuyết. Và chúng ta hy vọng rằng qua sự đồng hóa sẽ giải tỏa được cái tôi. Chúng ta biết nguyên nhân rồi, nguyên nhân đó chính là thuyết vị kỷ, hay nói trắng ra, nguyên nhân là hoạt động vì tôi. Tất cả chúng ta đều biết vậy. Chúng ta cũng biết hậu quả sẽ như thế nào, nó sẽ tạo ra gì trong thế giới – tức là chiến tranh. Chiến tranh là biểu lộ cùng tột của xung đột bên trong. Chiến tranh xảy ra mọi thời, mọi nơi, trong thế giới kinh doanh, trong thế giới chính trị, trong thế giới của người theo tôn giáo, giữa các ông đạo, các giáo phái khác nhau, các tín điều khác nhau. Chúng ta thừa biết vậy. Trí thông minh bảo chúng ta rằng sự thể là như vậy, nhưng chúng ta lại không sống hòa bình được.”

“Con người đã cố gắng thử qua nhiều cách luyện tập, phương pháp, hay thiền định để giải thoát cái trung tâm gây ra khốn khổ và hỗn loạn này, nhưng như một cái bóng, người ta không bắt được nó. Nó luôn ở đó, lọt qua kẻ tay của họ, lọt qua tâm trí của họ. Đôi khi nó trở nên mạnh mẽ hay yếu đi tùy theo hoàn cảnh. Người ta chặn nó chỗ này, nó chường ra chỗ nọ…”

“Sự mê muội là thiếu hiểu biết về mình, về cái tôi. Tôi muốn nói cái tôi bình thường hoạt động thường ngay, không phải cái tôi đặc biệt nào đó. Tôi muốn nói về cái tôi thường ngày đi làm, cãi nhau, tham lam, cái tôi sợ chết và sợ sống, cái tôi tìm kiếm, dọ dẫm, cái tôi đau khổ, sống trong xung đột, cái tôi quằn quại đau đớn vì mọi thứ, cái tôi thờ ơ. Không biết về cái tôi đó mà đi tìm cái tôi tối thượng nào khác là chuyện vớ vẩn, là hoang tưởng của người không tự biết mình. Vì thế người nào không biết rằng mình chỉ là một mớ ký ức – cả hữu thức lẫn vô thức, là toàn bộ hiện thể mình – người đó chỉ là kẻ mê muội. Vậy thì người đó phải hiểu toàn bộ cơ cấu ký ức của mình và các đáp ứng dựa trên ký ức đó, phải quan sát, nhận ra, xem xét. Hầu hết chúng ta đều không muốn làm điều này, chúng ta muốn tìm đến ai đó nói cho mình biết phải làm gì… Quan sát chính mình là quan sát ngôn từ, cử chỉ, ý tưởng, cảm giác, các phản ứng, sự chịu đựng sỉ nhục, phấn khởi vì lời khen. Khi quan sát chính mình các ngài sẽ thấy mọi uy lực như truyền thống, điều người ta nói hay không nói, uy lực của đạo sư, của sách vở, sẽ hoàn toàn chấm dứt, bởi vì các ngài trở thành ánh sáng cho chính mình. Và điều này là tối cần vì chẳng có ai có thể cho các ngài chân lý, chẳng có ai có thể chỉ nó ra cho các ngài.”



***



(Ekhart Tolle) – “Hầu hết mọi người trong chúng ta thường đánh đồng mình hoàn toàn với tiếng nói, với dòng tư duy và cảm xúc không chủ đích, không thể chế ngự được, mà chúng ta mô tả chúng như một thực thể được sở hữu bởi tâm trí của mình. Chừng nào bạn chưa hoàn toàn nhận ra được điều này, thì bạn còn công nhận những tư duy kia là căn tánh của mình. Đây là tâm trí của bản ngã. Chúng ta gọi nó là bản ngã bởi vì đó là cảm giác về cái tôi, về Ta, trong mọi tư duy, mọi ký ức, mọi sự giải thích, mọi ý niệm, mọi quan điểm, mọi phản ứng hay cảm xúc. Theo cách nói tâm linh, đây một là trạng thái vô minh.

Dĩ nhiên, tư duy và những nội dung thuộc tâm trí của bạn đã bị lập trình từ trong quá khứ tuỳ vào điều kiện giáo dục, văn hóa, hoàn cảnh gia đình…. Trọng tâm mọi hoạt động tâm

trí của bạn xoay quanh những suy nghĩ, cảm xúc và phản ứng cố hữu đã thường xuyên lặp đi lặp lại, mà bạn đã hoàn toàn đánh đồng với chúng. Thực thể này chính là bản ngã của bạn.

Trong đa số trường hợp, như chúng ta đã thấy, khi bạn nói “Tôi”, đó là bản ngã nói, không phải bạn nói. Bản ngã thì bao gồm những tư duy và cảm xúc, một mớ những ký ức mà bạn đánh đồng với chúng để trở thành “tôi và những câu chuyện đời tôi”, thành những vai diễn theo tập quán mà bạn không hề biết. Và những đánh đồng này cũng có tính tập thể để trở thành: quốc tịch, tôn giáo, chủng tộc, giai cấp xã hội, xu thế chính trị. Nó cũng là những đánh đồng có tính cá nhân không chỉ với tài sản, mà còn với những định kiến, ngoại hình, sự bực bội kéo dài, hoặc với những quan niệm về sự hơn thua, thành bại so với những người khác.

Nội dung của bản ngã tuy có khác nhau ở người này so với người khác, nhưng cơ cấu vận hành của chúng thì y như nhau. Nói cách khác: Bản ngã chỉ khác nhau về bề mặt, còn đi sâu vào bên trong, tất cả đều y hệt như nhau. Vậy thì cách giống nhau của chúng thì như thế nào đây? Bản ngã hoàn toàn sống dựa vào sự đánh đồng và phân biệt. Khi bạn sống trong cái tôi, những tư duy và cảm xúc đều do bản ngã, thì nền tảng nhân cách của bạn rất bấp bênh, bởi vì chính tư duy và cảm xúc là những gì rất phù du và ngắn hạn. Thế cho nên, mỗi bản ngã chính nó đều phải liên tục đấu tranh để được sinh tồn và phát triển. Vì thế, để duy trì cho tư duy về cái Tôi, nó cần một tư duy đối nghịch, tư duy của “ người khác”. Khái niệm “Tôi” không thể tồn tại, nếu không có khái niệm “người khác”. Nhưng những người khác hầu hết đều là những đối thủ dưới mắt tôi.”



Do bản ngã xuất phát từ một ấn tượng rằng có một cái “ta riêng rẽ” nên nó cần tự đồng hóa nó với những yếu tố bên ngoài. Bản ngã ở trong ta luôn cảm thấy nó vừa cần được bảo vệ, vừa cần được nuôi dưỡng luôn. Nhưng nhu yếu tự đồng hóa thông thường nhất của bản ngã thường là đồng hóa ta với chuyện sở hữu tài sản, với công việc chúng ta làm, với địa vị trong xã hội, với tiếng tăm, kiến thức và trình độ giáo dục, sắc diện, năng khiếu đặc biệt, những quan hệ trong lĩnh vực giao thiệp, dòng dõi gia đình, lòng sùng bái về một điều gì đấy. Chúng ta cũng thường tự đồng hóa mình với giống nòi, chủng tộc, quốc gia, chính trị, tôn giáo và những chuỗi đồng hóa có tính chất tập thể khác nữa. Nhưng tất cả những điều đó không phải là bạn! Các giáo thuyết về tâm linh đã xác nhận đau khổ của con người thực ra chỉ là những ảo tưởng trí năng.

Mọi khổ đau thật ra chỉ là những ảo tưởng của chúng ta: Chúng ta khổ đau vì chúng ta tự đồng hóa mình với những ý tưởng, cảm xúc tiêu cực thường nổi lên ở trong ta. Vì không biết bản chất chân thật của chính mình, do đó trong nỗ lực đi tìm nguồn cội của mình, chúng ta sáng tạo nên những con người, những nhân vật, những “cái tôi”, những Bản Ngã…không có thực để cưu mang những cảm xúc khổ đau xảy ra ở trong mình. Trong thực tế, có những cảm xúc sướng, khổ, vui, buồn khi ta trải qua một kinh nghiệm tiêu cực trong đời sống. Nhưng không nhất thiết phải có một con người, một nhân vật, một “cái tôi”, một Bản Ngã…, đứng đằng sau kinh nghiệm đó để hứng chịu những khổ đau đó. Do đó, mọi đau khổ thật ra chỉ là những ảo tưởng của chúng ta.”



***



Thiền sư Viên Minh giải thích cặn kẽ về sự bành trướng của bản ngã (cái ta) và chính sự nguy hại của nó lại là động cơ thúc đẩy con người tìm về chân lý:

“Khi chúng ta không thấy biết rõ một điều gì thì tưởng tượng liền xen vào tô vẽ thêm thắt để tạo dựng điều ấy thành một khái niệm chủ quan theo tầm nhìn, kiến thức và kinh nghiệm giới hạn của mình. Cũng vậy, khi không thấy biết chính mình, mỗi người tự dựng lên một cái ta ảo tưởng mà nội dung và tầm vóc của nó được đo lường bằng những gì người ấy mong ước, chọn lựa và chiếm hữu. Cái gì thích thì cái ta thu thập, tích lũy, chiếm dụng, duy trì. Cái gì không thích thì cái ta loại bỏ, khử trừ, xa lánh, hủy diệt.

Từ đó, cái ta quy định chính mình trong khái niệm “của ta” đối lập với “không phải của ta”, để rồi phân ranh cái trong, cái ngoài, cái thuận, cái nghịch. Vô hình trung, ngay từ lúc khởi sinh, cái ta đã hàm ẩn tính nhị nguyên, mâu thuẫn, đối kháng và hữu hạn.

Thế rồi, cái ta lớn dần theo sự bành trướng khối lượng mà nó chiếm hữu, tích tập. Nhưng khi cái ta sở hữu một điều gì thì đồng thời cũng phải bị sự khắc chế của cái đối nghịch với điều đó. Ví dụ như khi bạn chọn lựa sở hữu sự yên tĩnh thì bạn liền bị ồn ào khắc chế. Cho nên muốn được như ý thì phải đối đầu với bất như ý. Nghĩa là tham lam càng lớn thì sân hận càng nhiều. Và mãi bị cuốn hút trong những đối tượng bên ngoài của tham và sân, cái ta quên mất thực tại đang là nơi bản thân sự sống. Không thấu rõ thực tại sự sống chính là khởi điểm của vô minh.

Cái ta vốn là một ảo tưởng, nó lại phóng ra những ảo tưởng khác để đuổi theo cho đến khi quên mất chính mình. Cái ta không tự biết mình lại một lần nữa rơi vào tình trạng vô minh. Và trong khi đuổi theo ảo tưởng của chính mình cái ta phải đối mặt với cái thích và cái không thích mà nó tự phân ranh, chọn lựa, nên không ngừng suy tư, tính toán, quyết định để tạo ra hành động và phản ứng. Lúc bấy giờ cái ta càng lún sâu hơn vào con đường tạo tác, đó là vô minh trong tạo nghiệp.

Vô minh trong tạo nghiệp là không thấy rõ lúc gieo nhân, không thấy rõ lúc gặt quả nên không thể nào biết được mối tương quan nhân quả, duyên báo trong đời sống của mình. Cái ta chỉ dựa vào những khái niệm mơ hồ theo tư ý chủ quan, hoặc theo ý kiến của người khác, để phán đoán, giải thích tạo thành những quan niệm, chủ trương, học thuyết, chẳng hạn như chủ nghĩa duy tâm, duy vật, duy thần, v.v… về vũ trụ, con người, cuộc sống và nhất là biến cái ta nhất thời thành tự ngã cố định. Thế là lại một lần nữa vô minh xuất hiện dưới hình thức tà kiến (quan niệm sai lầm)…

Tóm lại, cái ta tách rời sự hoàn hảo của pháp nên nó là hiện thân của sự bất toàn. Nó luôn cố gắng trở thành để thực hiện tham vọng cầu toàn, nhưng không biết rằng chính ý muốn đó đã làm cho nó bất toàn và hữu hạn. Sở dĩ có mong muốn trở thành vì cái ta không vừa lòng với chính nó. Không vừa lòng với thực tại là tâm sân, mong muốn trở thành là tâm tham. Vì vậy cái ta không thể nào biết đến tự tại là gì khi đã rơi vào cái bẫy thời gian của sự trở thành giữa bất mãn và tham muốn. Khi bạn thấy ra sự hình thành của cái ta ảo tưởng cùng với toàn bộ vòng quay luẩn quẩn của quĩ đạo luân hồi tự nó tạo ra và nhấn chìm chính nó, thì vấn đề của bạn không phải là cầu toàn cho bản ngã mà là thoát ly toàn triệt ảo tưởng hình thành bản ngã ấy.”

“Bản ngã cũng là một điều kỳ lạ, chính nó tạo ra vô minh ái dục, tà kiến tham ái… để dẫn dắt chúng sinh lao đầu vào cõi luân hồi sinh tử, phiền não khổ đau. Bản ngã luôn cầu toàn nhưng chỉ gặp những hiện tượng bất toàn của đời sống, nên bản ngã chỉ là quy trình của hy vọng và thất vọng mà thôi. Nhưng cũng chính nhờ động cơ tham sân si mà nó dẫn dắt đã giúp chúng sinh ra đi tìm tòi khám phá ý nghĩa đích thực của cuộc đời. Sự chìm đắm, cố chấp, si mê, lầm lỗi của bản ngã đã giúp tánh biết trong mỗi người biết trải nghiệm và chiêm nghiệm muôn mặt của cuộc sống trần gian. Bản ngã luôn sai lầm để tánh biết biết được thế nào là sai lầm mà điều chỉnh nhận thức và hành vi cho đến khi thấy ra bản chất đích thực của vạn pháp. Đó chính là sự hoàn hảo trong sự bất toàn của đời sống.”



No comments:

Post a Comment