ĐĂNG KÝ EXNESS - SÀN UY TÍN NHẤT HIỆN NAY

Tuesday, December 10, 2019

Đạo trading - Phần 15: Thiền trong công việc giao dịch

THIỀN TRONG CÔNG VIỆC GIAO DỊCH


Các thần tượng của giới đầu tư tài chính có làm việc dưới sự điều động của tham sân si không? Tôi nghĩ rằng có những thời điểm họ đã làm việc rất tỉnh thức để đạt đến đỉnh cao trong lãnh vực này, bởi vì họ đã cảm nhận được ngôn ngữ của thị trường, lắng nghe được tiếng nói của trực giác.


J. Livermore đã nhận diện rõ những kẻ thù giấu mặt của mỗi trader là “lòng tham lam, sợ hãi, hy vọng, khờ khạo”, nhưng ông ta nhiều lần giao dịch với khối lượng cực lớn mà không hề run tay. Có những lần ông thực hiện giao dịch lớn do trực giác mách bảo, nhưng cũng có những vụ đổ vỡ do đặt nặng lý trí, tính toán, cả tin (si mê). Tương tự, G. Soros với phát biểu nổi tiếng “Đúng hay sai không quan trọng, cái chính là kiếm được bao nhiêu khi đúng và mất bao nhiêu khi sai” cho thấy ông có khuynh hướng tối đa hóa lợi nhuận khi gặp cơ hội tốt và nhanh chóng buông bỏ khi phát hiện đã nhận định sai về thị trường. Đây là biểu hiện của giao dịch thuận pháp khi thấy đúng, vắng bặt mọi sợ hãi và chấp trước của G. Soros. Còn tỷ phú W. Buffet đã thể hiện sự tỉnh thức rất cao trong công việc qua phát biểu “Hãy tham lam khi người khác sợ hãi và sợ hãi khi người khác tham lam” bởi vì khi một người đã nhận biết sự tham lam, sợ hãi (thấy tâm tham, sân) thì anh ta không còn tham sân nữa và qua đó có thể khai thác sai lầm của đám đông. Ông cũng thể hiện điều đó rõ hơn qua câu nói sau: "Thị trường, cũng như Chúa, giúp những ai mà biết giúp chính mình. Nhưng lại không như Chúa là thị trường chẳng bao giờ tha thứ cho ai khi họ không biết mình đang làm gì."


Có lẽ đến đây tôi đã trình bày xong những hiểu biết của tôi về nguồn gốc của phiền não trong công việc trading và cách thức hóa giải chúng. Tuy nhiên, chúng vẫn chỉ là sự hiểu biết về mặt nguyên lý, còn thực tế thì mỗi khi mắt chúng ta nhìn giá biến động hoặc đọc thông tin, tai nghe bàn tán, bình phẩm…, các cảm giác ưa ghét, ý nghĩ lan man khởi sinh liên tục, khiến tâm dao động bất an, dẫn đến hành động bộc phát, thiếu sáng suốt... có nghĩa là khi “đụng chuyện” vẫn gặp rắc rối như thường.


Vì phần lớn thời gian chúng ta sống trong vô minh nên không thể một sớm một chiều mà chấm dứt các phản ứng sai lầm được. Có thể sau một thời gian trải nghiệm chúng ta thấy ra cái thực trong công việc trading, nhưng vẫn còn đó thói quen vô minh trong lối sống hàng ngày khiến chúng ta bỏ quên thực tại thân tâm mỗi khi tác nghiệp. Không những thế, chúng ta có thể bị chìm đắm trong lo lắng, suy tư, giận dữ ngay cả khi thị trường đã nghỉ làm việc.


Theo định luật tâm thì hai tâm không thể nào tồn tại trong cùng một lúc. Một cơn sân bao gồm rất nhiều tâm sân (tâm bất thiện) khởi lên và diệt đi nối tiếp nhau, gián đoạn (mỗi tiến trình chỉ kéo dài không quá 17 sát-na). Nếu một người có thể trở về chánh niệm được thì tâm thiện này sẽ chen ngang chuỗi sinh diệt đó và chặn dừng cơn sân (tuy trạng thái sân trên thân vẫn còn, có độ trễ). Khi chánh niệm mạnh lên thì cơn sân càng sẽ mờ nhạt và chấm dứt. Nếu khả năng chánh niệm của chúng ta còn yếu, như ngọn lửa mới nhen nhóm thì nó chưa hóa giải hoàn toàn được cơn sân và chúng ta vẫn bị chi phối ở một mức độ nào đó. Ngược lại, nếu một người sống luôn tỉnh thức, tâm thường xuyên chánh niệm (biết mình) thì tâm bất thiện (tham sân si) sẽ khó chen ngang; nếu có thì cũng yếu ớt, bị phát hiện sớm và mau chóng bị dập tắt.


Một khi đã thấu hiểu như vậy, trader sẽ luôn tự nhắc nhở bản thân giữ tỉnh thức trọn vẹn khi làm việc và trong sinh hoạt hàng ngày. Anh ta luyện tập chú tâm quan sát để nhận biết trực tiếp các dấu hiệu thị trường thông qua đồ thị giá, nhận biết các vấn đề có liên quan trong quá trình giao dịch. Có những vấn đề tưởng chừng đơn giản nhưng rất quan trọng và rất khó thực hiện đối với trader như: biết rõ mình phải nghỉ theo dõi thị trường (đóng bảng điện) khi giá chưa đến vùng mục tiêu; biết rõ đang chờ đợi một tín hiệu bất thường nên không manh động; biết rõ thời gian còn phải chờ đợi để kết thúc nến; biết rõ đã đến lúc quay lại theo dõi thị trường; biết rõ vùng giá phải thoát ra,…


Khi cọ xát với thị trường, trader luyện tập liên tục để nhận biết quá trình tương giao giữa thân tâm và đối tượng bên ngoài thấy ra các tâm bất thiện trong tâm mình: từ không thấy đến thấy muộn màng, rồi thấy sớm hơn, thấy chúng đang tiếp diển, thấy chúng vừa nhen khởi rồi thấy ngay khi chúng diễn ra, rồi đến mức độ chúng không khởi được nữa. Chúng ta chỉ thấy thôi mà không cố gắng đè nén hoặc dẹp bỏ chúng đi. Khi đang sân mà chúng ta thấy rõ trạng thái sân như thực tánh thì sẽ không có cái gọi là “tôi sân”. Không có cái tôi duy trì hay loại bỏ sân thì sân tự biến mất trong bản chất vô thường sinh diệt của nó. “Ở đây, chúng ta chỉ cần lưu ý một điều là thấy ngay cái pháp thực tại, cái sandiṭṭhiko, mà không bỏ lỡ bất cứ một pháp nào. Nếu đang sân mà muốn dẹp cái sân đó đi cho khuất mắt thì hoặc là sân tăng thêm hoặc là sân tạm thời bị ức chế cho đến khi nó có cơ hội bùng lên trở lại. Chúng ta có thể thiền định hoặc niệm tâm từ v.v. để chế ngự sân, nhưng như đá đè cỏ, nếu có cơ hội sân vẫn có thể theo duyên mà tái hiện.”


Cụ thể khi theo dõi thị trường thì mắt chúng ta thấy giá đang tăng/giảm và nếu cái thấy này được giữ nguyên ở ngay đó thì nó giống nhau ở mỗi người. Nhưng do thiếu tỉnh thức, trader thường hồi tưởng về quá khứ (mà trong quá khứ mỗi người giao dịch khác nhau) hay tưởng tượng ra tương lai (mà tưởng tượng thì ra đủ thứ không ai giống ai) mà xuất hiện các cảm xúc và hành động khác nhau. Có thể anh ta nhận biết rõ được cảm giác khó chịu khi giá biến động ngược chiều với lệnh đang nắm giữ hoặc bực bội vì thua lỗ hôm trước mà muốn xua đuổi nó đi càng sớm càng tốt (phi hữu ái) là tâm sân. Anh ta nhận biết cảm giác vui sướng, bốc đồng khi đang có lợi nhuận và dính mắc vào đó (hữu ái) mong nó duy trì nó là tâm tham (trader hay gọi là it’s better than sex). Hoặc anh ta nhận biết cảm giác buồn chán vì chờ đợi lâu quá không giao dịch và hành động “mua bán một chút cho vui” để thoát ra khỏi tâm trạng đó (dục ái) là tâm si; rồi bị thua lỗ, đối kháng lại thị trường, tâm sân tiếp tục khởi lên... Anh ta cũng thấy sự thắng thua (đối kháng, dính mắc) gây ra căng thẳng thần kinh, tác động ngược lại toàn thân như làm cho hồi hộp, nghẹt thở, tim đập nhanh, la hét, reo hò… Chi tiết hơn, anh ta có thể thấy mình đang muốn kéo lùi hoặc hủy lệnh cắt lỗ do sân chi phối; nhồi thêm lệnh khối lượng lớn vào cuối sóng do tham lam… Nói chung là chuỗi diễn biến rất đa dạng và biến hóa liên tục trong nội tâm. Bằng sự thực tập quan sát liên tục, trader càng ngày càng phát hiện sớm hoạt động của nội tâm tham sân si, dần dần thoát khỏi sự chi phối của chúng và giao dịch ngày càng sáng suốt với nội tâm tĩnh lặng, không căng thẳng.


Bên cạnh đó, Đạo Trading khuyến nghị trader cần thường xuyên tự quan sát, ghi chép, đánh dấu trên đồ thị giá (theo phương pháp giao dịch nêu trong tài liệu này) với sự chú tâm trọn vẹn, không mong cầu vào các phân tích, khuyến nghị mua bán từ bên ngoài. Đây là quay về cách làm việc của các trader từ khi thị trường tài chính mới hình thành, chưa có sự hỗ trợ của computer, mạng internet. Nhờ đó, trader có thể phát hiện ra những dấu hiệu cảnh báo tinh tế của thị trường, theo sát mọi diễn biến thực, hình thành khả năng cảm nhận thị trường và thường xuyên giữ được sự sáng suốt.


Trader cũng cần lập kế hoạch giao dịch, tiên liệu những tình huống có thể xảy ra tại những vùng nhạy cảm (tạm gọi là sinh huyệt) và chuẩn bị các phương án ứng phó. Sự “tiên liệu” ở đây không có nghĩa là suy nghĩ miên man, vọng tưởng tương lai… mà là từ cái thấy “nhân quả”, giống như khi thấy nụ hoa thì đoán biết sẽ có bông hoa. Điều quan trọng là kế hoạch giao dịch phải được lập căn cứ vào cái thực như các dấu hiệu không thể phủ nhận trên đồ thị giá, nhờ trải nghiệm đã có của trader mà không phải từ sách vở, sao chép của ai đó. Cách suy nghĩ dựa trên cái thực này là chánh tư duy (theo cách nói nhà Phật) và khó khăn là trader phải luôn có đủ tỉnh giác mới phân biệt được đâu là chánh tư duy, đâu là tà tư duy.


Ngoài ra, trader nên tạo thói quen trở về trọn vẹn với thân tâm, trả chúng về trạng thái an ổn trước khi quan sát thị trường để giao dịch; không sa đà tán gẫu, tránh xa tranh luận để tâm không bị phân tán hay dính mắc vào các chuyện thị phi, các chiến lược mua bán của người khác trong khi giao dịch. Mặt khác, khi đối diện thua lỗ, trader nên chủ động nhìn vào mặt tích cực của nó: đó là bài học giác ngộ, thấy ra sự non kém về tinh thần, thiếu sót về chuyên môn để điều chỉnh cho hoàn thiện hơn. Nếu thấy ra được hai mặt xấu tốt, lợi hại của một vấn đề thì tâm chúng ta sẽ nhanh chóng thiết lập lại quân bình, ung dung tự tại.



Lưu ý là chú tâm có nghĩa là tâm không phân tán nên có thể thấy bao quát, khác với tập trung là chỉ để ý chuyên nhất vào một đối tượng cố định, ví như một trader chỉ tập trung vào bảng điện và quên mất thân tâm mình. Chúng ta phải thường trực quan sát tâm mình để nó không lăng xăng, bị tham lam hút vào hay sân hận đẩy ra, cũng giữ không cho dính mắc vào yếu tố bên ngoài (bảng điện), phóng dật về quá khứ hay tương lai.



Là một trader, chúng ta cần luôn làm việc tỉnh thức, nhận biết mọi cảm xúc mà không được quyền lãng mạn xa xỉ như nhà thơ Xuân Diệu viết: “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn...”


Martin S. Schwartz – một trader thượng thặng, giành giải vô địch đầu tư nước Mỹ 1984, đã có một phát biểu rất tương đồng với quan điểm của Đạo Trading: “Thay đổi quan trọng nhất trong sự nghiệp trading của tôi đã xảy ra khi tôi học tách rời bản ngã ra khỏi giao dịch” (The most important change in my trading career occurred when I learned to divorce my ego from the trade.)


Có thể thấy rằng bản ngã (cái tôi) là gốc rễ sâu thẳm gây ra mọi sai lầm và khổ đau trong cuộc sống và trong nghề nghiệp mà quá trình thiền để thấy ra bản ngã là một quá trình gian nan, không mấy người vượt qua được. Một khi đã để cho thị trường quyết định hướng đi, không cho bản ngã xen vào thì bạn thấy rằng lúc đó chỉ có hành động giao dịch chứ không có người giao dịch, chỉ có lệnh thua lỗ chứ không có người thua lỗ, chỉ có lệnh thắng chứ không có người thắng, chỉ có lệnh ngược hướng chứ không có người bị kẹt lệnh… Bạn đã có thể buông giao dịch của mình ra cho thị trường, không bắt buộc nó phải thắng hay thua.


Tóm lại, thiền vipassana là giải pháp hiệu quả để hóa giải các vấn đề liên quan đến tâm thức trong nghề trading mà chánh niệm là trọng tâm của nó. Trader phải thực tập sống trọn vẹn với thực tại, nhìn thị trường thật minh bạch, chỉ chú tâm đến cái đang xảy ra, không để phóng tâm về cái sẽ xảy ra hay đã xảy ra. Bằng cách thận trọng - chú tâm - quan sát trong mọi sinh hoạt đời sống và công việc, chúng ta dần dần bỏ đi các ý nghĩ miên man, ham muốn ảo tưởng để quay về một cái tâm tĩnh lặng trong sáng và bình an.


Cuối cùng, tôi muốn lập lại câu nói này một lần nữa: “Tôi không phải chuyên gia về tâm lý, cũng không phải về trading. Tôi là chuyên gia về chính mình.”









No comments:

Post a Comment