Phiền não trong trading
Người ta thường nói rằng nghề trading mang tính cá nhân rất cao (trading is very personal). Bản tánh chúng ta sẽ làm méo mó thực tại thị trường theo cách riêng của mỗi người. Cụ thể là mức độ tham sân si khác nhau sẽ tạo ra sự vướng mắc khác nhau, phạm các lỗi khác nhau; dẫn đến thành công hay thất bại, sớm hay muộn. Cùng đối diện với một thị trường đầy biến động, giá lên hay xuống là do duyên hợp nhưng người ta cứ mong nó đi theo ý mình. Đúng ý thì vui, khác ý thì buồn, bao kẻ khóc người cười. Ngay cả khi kiếm được cùng lợi nhuận mà người ta vẫn buồn vui khác nhau, như là người đang sử dụng tài khoàn 100$ để giao dịch thì sẽ thấy vui khi kiếm được 10$ nhưng người khác có thể thấy khó chịu nếu anh ta đang quản lý tài khoản 10.000$. Buồn vui ở đây là do thái độ của mỗi chúng ta, do ưa ghét mong cầu nên xung đột với thực tại đang là. Chúng ta ít thấy rằng phiền não trong trading thực ra là phiền não do nơi chính mình, thị trường chỉ là cái duyên tác động vào mà thôi.
1. Phiền não do tính chất nghề nghiệp:
Khi tham gia thị trường tài chính (ở đây chỉ đề cập đến trader cá nhân), bạn nên nhận diện sớm một số loại phiền não xuất phát từ đặc trưng nghề nghiệp. Tuy được gọi là một nghề nghiệp nhưng bản chất trading là một công việc kinh doanh (business) nên bạn có thể phải làm việc và giao dịch trong nhiều năm mà vẫn không có thu nhập ổn định, thậm chí thường xuyên đối mặt với thua lỗ. Trước hết, bạn cần xác định đây là nghề mang tính rủi ro cao, không phải thích hợp cho tất cả mọi người và tự xem xét mình có phù hợp hay không? Tiếp theo, bạn đã phải có sự tự do tài chính trong vài năm (nếu dành toàn tâm sức cho trading) hoặc phải có thu nhập ổn định từ một công việc khác trong khi xem giao dịch chỉ là nghề tay trái; bởi nếu không thì áp lực chi tiêu hàng ngày sẽ tạo xung động lên tâm trí bạn, gây mất kiên nhẫn và hành động thiếu sáng suốt.
Bạn có thể phải đối diện với định kiến xã hội về nghề này, lúc tung hô khi châm biếm có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn. Bạn nên thấy rõ đây là một công việc bình thường như bao nghề nghiệp khác, quan trọng là thái độ của chính mình đối với nó. Chúng ta hiểu rằng những lời thị phi, những qui kết, đánh giá thiếu chính xác của xã hội là điều không thể tránh khỏi trong mọi vấn đề trong cuộc sống.
Một đặc trưng của nghề trading là cần phải làm việc và ra quyết định độc lập. Do vậy, bạn phải xác định thường xuyên đối diện với sự cô đơn, dồn nén cảm xúc, chịu đựng sự căng thẳng. Để thiết lập cân bằng thân tâm, tôi nghĩ chúng ta có thể hướng sự quan tâm sang một số lãnh vực khác (tâm linh, sức khỏe, ẩm thực, làm vườn, nghệ thuật,...) và chú trọng thư giãn buông xả. Còn nếu như bạn nhận ra rằng giá trị của nỗi cô đơn, bức xúc là để giúp soi chiếu lại bản thân dẫn đến sự trưởng thành về tâm thức thì bạn đã thành công rồi!
2. Phiền não do tác nghiệp:
Khi bạn đã quyết định trở thành một trader thì phiền não với nhiều cung bậc khác nhau sẽ thường xuyên hiện diện trong tâm trí bạn, dù đang mua bán hay đang đứng ngoài thị trường.
2.1. Khi đứng trong thị trường
Nếu bạn đang mua/bán (nắm giữ vị thế) thì khi đối diện thị trường, mắt thấy giá dao động thì nhãn thức và ý thức khởi lên. Đối với nhãn thức (cái biết của mắt) thì chỉ có thọ xả (không dễ chịu, không khó chịu), nhưng đối với ý thức (cái biết của ý) thì phát sinh thọ hỷ và ưu (vui buồn). Giả sử giá biến động ngược chiều, số tiền trong tài khoản giảm xuống, bạn sẽ thấy khó chịu, bực bội trong người do tài sản bạn sở hữu giảm đi, nghĩa là những thứ ưa thích, dễ chịu có nguy cơ bị mất đi. Lúc đó, tưởng tham dự, có thể lôi ra các hình ảnh có liên quan đến biến động giá hiện tại từ kiến thức chuyên môn (mô hình giá, sóng) cho đến kinh nghiệm thua lỗ, thất bại trong quá khứ, các cảm xúc đau đớn đã qua; đó là hồi tưởng. Căn cứ theo các hình ảnh, kinh nghiệm đã được tưởng đưa ra, tư sẽ chọn lọc và phản ứng. Do thiếu tỉnh thức (mệt mỏi, lăng xăng, nuối tiếc, phân vân,..,), cái tôi ảo tưởng xen vào nên bạn sẽ không thấy diễn biến thị trường như đang là nữa và bạn có khuynh hướng phản ứng đối kháng, chối bỏ cảm xúc khó chịu, nặng nề đang hiện diện, tức là tâm sân (phi hữu ái). Khi sự đối kháng tăng cao (ảo giác), bạn có thể hành động sai lầm, phản ứng với mong muốn kết thúc áp lực đang đè nặng lên bạn chứ không dựa trên diễn biến thực đang là của thị trường.
Khi cổ phiếu bạn nắm giữ đang bị mất giá thì ngay cả khi thị trường đã đóng cửa mà bạn cũng có thể lo lắng, mất ăn mất ngủ (tùy mức độ). Các xung động vô thức có thể khởi lên bất kỳ làm cho ý thức bạn dính mắc vào đó, rồi suy nghĩ miên man, mong muốn, day dứt. Do thiếu tỉnh thức, bạn không nhận ra mình đang phản ứng trên những hình ảnh đã xảy ra còn thị trường thì đang nghỉ và bạn đang chỉ tự hành hạ bản thân mà thôi. Nếu nhìn kỹ bạn thấy rằng thị trường vận động liên tục, tài khoản tăng giảm là bình thường và nếu giao dịch với một sự chuẩn bị kỹ lưỡng, có phương án giao dịch rõ ràng thì mọi lo lắng, hy vọng, bực tức chỉ là ảo giác mà thôi.
Còn khi bạn đang thắng thì sao? Thông thường, bạn sẽ thấy dễ chịu, thoải mái vì tài sản tăng lên, khả năng tài giỏi của bạn được vuốt ve. Bạn sẽ mong muốn thắng nhiều hơn, lớn hơn; đôi khi lại cảm thấy căng thẳng vì số tiền thắng vẫn chưa nhiều như mình muốn (lòng tham không đáy mà!) hoặc sợ chúng mất đi. Nếu thiếu tỉnh thức, bạn sẽ bị ham muốn thúc đẩy (tâm tham) mà không nhận ra thị trường bắt đầu cho tín hiệu giao dịch ngược lại, dẫn đến hành động thiếu sáng suốt, phản ứng dễ dãi như: nhồi lệnh, tăng khối lượng giao dịch vào cuối sóng... hoặc có thể bạn chốt lệnh sớm do sợ mất đi lợi nhuận.
2.2. Khi đứng ngoài thị trường
Ngay cả trong trường hợp đứng ngoài thị trường, không mua bán gì thì bạn vẫn có thể bị phiền não đeo bám. Bạn bị tác động qua mắt (giá, bảng điện, tin tức, diễn đàn...), qua tai (nghe bạn bè bàn tán, đồn đại), qua ý (kinh nghiệm thắng thua, các giao dịch sai lầm trước đó...) phát sinh các cảm xúc vui buồn hoặc có khi cảm thấy nhàm chán. Nếu không tự biết mình, bạn có khuynh hướng đối kháng, dính mắc, chạy theo các cảm xúc đó để bị cuốn trôi theo tham sân si mà không tuân theo những nguyên lý giao dịch đã biết. Tôi thử nêu vài trường hợp ví dụ trong vô số tình huống có thể xảy ra với bạn:
a. Khi lỡ sóng (thị trường đang có sóng): Nếu tỉnh thức, bạn thấy mình đã bỏ qua cơ hội này và kiên nhẫn chờ đợi cơ hội khác mà không có phiền não; ngược lại, bạn có thể phản ứng rất thiếu sáng suốt mặc dù nắm vững kiến thức chuyên môn. Nếu trước đó đang thua và nôn nóng gỡ gạc (sân) thì không dễ gì bạn chấp nhận thực tế này và bạn có thể giao dịch đón đầu, ngược sóng bởi vì đợi thị trường điều chỉnh thì lâu quá. Nếu trước đó đang thắng và ham muốn thắng nhiều hơn nữa (tham), bạn có thể khinh suất mua bán khối lượng lớn khi con sóng tới hồi kết thúc mà không nhận thấy rủi ro đã tăng cao. Thêm vào đó, khi biết ai đó đang thắng/thua lớn từ con sóng đó, bạn có thể sinh ra ngã mạn, đố kỵ mà mang thêm các phiền não tâm lý khác,...
b. Khi nhàm chán (thị trường không có sóng): Nếu tỉnh thức, bạn nhận ra không có cơ hội tốt để giao dịch nên kiên nhẫn chờ đợi hoặc đi làm công việc khác. Thực tế, ít người chịu đựng nổi cảm giác nhàm chán và lăng xăng tìm kiếm cảm giác mạnh (si) và vào lệnh mua bán vu vơ, không kế hoạch để rồi thua lỗ, dính vào phiền não.
Cũng có thể là bạn đang mang trong mình cảm xúc bực bội (vừa thua lỗ trước đó) hay cảm xúc hưng phấn (vừa thắng trước đó) nên hành động nhằm vào mục đích xóa bỏ hay duy trì các cảm xúc đó hơn là hành động dựa trên diễn biến thị trường ngay trước mặt. Và dĩ nhiên, khi bạn hành động không căn cứ vào thị trường thì sớm muộn sẽ dẫn đến thua lỗ và tiếp tục rơi vào chuỗi phản ứng thiếu sáng suốt.
2.3. Cái vòng luẩn quẩn
Người ta quan sát thấy rằng thị trường không có xu hướng trong khoảng 80% thời gian giao dịch và một trader lão luyện - Timothy Morge ước lượng khoảng 80% giao dịch mà trader thực hiện là không cần thiết. Điểm yếu của đa số trader là ham thích giao dịch bất kể thị trường có tạo cơ hội đủ lớn hay không. Họ giao dịch nhiều đến nỗi nghiện ngập, biến công việc thành cờ bạc và đây cũng là nguyên nhân thúc đẩy người ta đến chỗ thất bại hoàn toàn.
Gốc rễ của những vấn đề trên là do trader không tự biết mình, tức là si (dục ái). Nó rất khó diệt trừ, chi phối hầu hết suy nghĩ hoạt động trong cuộc sống nói chung và trong nghề trading nói riêng, “là trạng thái tâm mê mờ, đần độn; thường hay phóng dật, dao động, nghi hoặc, vọng tưởng, hoang tưởng... Đây là trạng thái tâm không có chủ đích gì, thiên hướng gì như xác chết vật vờ giữa dòng sông, tấp chỗ này, tấp chỗ kia; cái gì cũng cuốn hút được, cái gì cũng không vừa lòng được lâu.” - Minh Đức Triều Tâm Ảnh
Cái vòng luẩn quẩn thường bắt đầu từ sự nhàm nhán, tìm kiếm sự kích thích, không chấp nhận hiện trạng nên muốn làm cái gì để trở thành cái hay hơn cái bây giờ. Bởi vì phần lớn thị trường không có xu hướng nên trader phải chờ đợi lâu, sinh ra buồn chán nên phát sinh ý nghĩ đi tìm cảm giác mạnh (dục ái), từ đó lao vào mua bán bừa bãi. Khi phản ứng theo cảm xúc bên trong, bỏ quên thực tại thị trường thì thường bị thua lỗ, dẫn đến cái khổ tâm lý như bực bội cay cú và đối kháng thị trường (phi hữu ái), dẫn đến khổ sinh lý như căng thẳng thần kinh, đau đầu, nghẹt thở... Vòng xoáy cứ tiếp tục, trader càng trở nên mất kiên nhẫn, mong muốn thị trường diễn biến nhanh, mua bán hấp tấp, loạn xạ và hậu quả là tiếp tục thua lỗ. Mức độ phiền não càng gia tăng theo thời gian thì trader càng muốn giao dịch để thoát khỏi sức ép đang đè nặng lên thân tâm mình chứ không còn thấy giao dịch chỉ là một công việc bình thường.
Cuối cùng, tôi xin mượn lời tâm sự của VietCurrency để minh họa về sự phiền não trong nghề trading như thế này:
“Ngày nào bác còn vương nghiệp trade thì ngày đó bác khó có giờ yên tĩnh. Hạnh phúc nhất của một forex trader là gì bác biết không? Là khi đồng hồ gõ 2:00 PM (US hour) sau một tuần khói lửa. Thần kinh như giãn ra. Người như vừa quăng một gánh nặng xuống đấy. Hạnh phúc nhất là khi thò tay tắt máy, biết rằng trong giờ phút này không có gì làm cho market giao động trong vài tiếng nữa. Mình có thể thảnh thơi trong giây lát. Kiểm điểm lại thì thấy mình vẫn còn +, tuy không nhiều. Đó là hạnh phúc đấy!
Bác có bao giờ biết buồn vào chiều chủ nhật chưa? Ngồi ăn cơm lầm lì suy nghĩ. Mắt nhìn TV nhưng hồn ở đâu đâu? Vợ con quen với cái nhìn "bất bình thường" này rồi nên ăn xong là rủ nhau đi chỗ khác cho bác được bình yên. Bác ngồi đó trong cô đơn và yên lặng.
Người chìm xuống trong một khoảng trống mênh mông. Không bạn bè, người thân để chia sẻ nỗi cô đơn này. Đấy là trường hợp bác đang ở thế trung bình. Có nghĩa là chưa thua, hay thua ít. Trong trường hợp bác BIẾT rằng khi market mở bên kia bờ Thái Bình Dương thì bác sẽ nát tan vì position của bác đang đi ngược market. Ruột bác vừa rát, cảm giác như nó đang tiết ra chất acid hay là cái gì đó. Bác vừa muốn market mở cửa để bác chạy, nhưng ngược lại bác mong rằng nó không bao giờ mở cửa để bác khỏi phải đối đầu với một thực tế tan nát. Có nhiều khi bác mong cho một sự kiện gì đó kinh khủng lắm xảy ra trên thế giới để market đừng bao giờ mở cửa nữa, để bác khỏi phải đối diện với sự thật phũ phàng này. Trading là thế đấy, nhất là trade cho khách và cho mình.”
No comments:
Post a Comment