ĐĂNG KÝ EXNESS - SÀN UY TÍN NHẤT HIỆN NAY

Tuesday, December 10, 2019

Đạo Trading - Phần 14: Hóa giải


HÓA GIẢI

Ở phần trước, chúng ta đã tìm hiểu tâm ở mức độ vi tế là tiến trình tâm (còn gọi là quá trình nhận thức), qua đó thấy ra được quá trình nhận biết, sao lưu, định danh, định tướng, đối tượng, hình thành ra kho chứa ký ức, nguồn nhiên liệu sinh ra phiền não.




Chúng ta cũng tìm hiểu về nguyên nhân gây ra phiền não thông qua sự vận hành cỗ máy các tâm sở biến hành (xúc, thọ, tưởng, tư, tác ý, mạng căn, nhất tâm) bị dẫn dắt bởi vô minh ái dục mà không thấy được thực tại đối tượng như nó là.


Và chúng ta cũng nhận diện được bản ngã là ảo tưởng, là cặn bã ký ức. Bản ngã lấy vô minh làm nhiên liệu, lấy ái dục làm động cơ và lấy trở thành (becoming) để khởi động cỗ máy sản sinh ra khổ đau cho con người. Chúng ta cũng tìm hiểu về thời gian tâm lý do con người chia chẻ thành quá khứ, hiện tại, tương lai; và từ đó có sự so chiếu và chuyển dịch các hình ảnh trong kho ký ức, hình thành ra tư tưởng, bóp méo thực tại, tạo ra phiền não khổ đau. Cái gọi là bản ngã này chỉ là chuỗi vận hành của những yếu tố tâm-sinh-vật lý, trong đó tuyệt không có một trung tâm hằng hữu nào ngoài năm uẩn sinh diệt, tương tác. Và để chiếu phá nó, phải thấy rõ toàn bộ sự vận hành của ngũ uẩn, tức là đầu tiên phải có sự hướng tâm đúng đắn (như lý tác ý) không bị che mờ bởi sự vô minh.


Sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh giải thích rõ hơn về tình trạng này như sau: “Vô minh là tình trạng tâm trí si mê, không sáng suốt, không tỉnh thức, không tự giác, quên mình hoặc không tự biết mình. Tuy nhiên, đấy mới chỉ là định nghĩa về quả chứ không phải định nghĩa về nhân. Vì cái làm cho chúng ta không sáng suốt, không tỉnh thức... mới chính là nguyên nhân che lấp, che mờ tâm trí.


Nếu vô minh có quả là tính chất, thì nhân chính là hành tướng. Hành tướng ấy thường xuất hiện dưới 3 dạng chính sau đây:

1. Hôn trầm, thụy miên: Đây là trạng thái mệt mỏi, dã dượi cả thân lẫn tâm. Hôn trầm là thờ ơ, lãnh đạm, đãng trí, buông xuôi, biếng nhác, tiêu cực, thụ động, vô ký (không ghi nhận)... chi phối các tâm sở. Thụy miên là lừ đừ, buồn ngủ, mê ngủ...

2. Trạo hối: gồm trạo cử và hối quá. Trạo cử là trạng thái tâm dao động, hưng phấn quá, suy nghĩ vẩn vơ, phóng tâm, vọng tưởng, hoang tưởng, mơ mộng tương lai, cuốn theo hiện tại. Hối quá là nuối tiếc dĩ vãng, tưởng nhớ quá khứ, ăn năn những việc đã qua.

3. Nghi: Là trạng thái phân vân, lưỡng lự, do dự, bất nhất, bất quyết, ngần ngại, ngờ vực, hốt hoảng, không định hướng...”


Tóm lại, gốc rễ của mọi khổ đau, phiền não chính là VÔ MINH. Vô minh là không thấy bản chất thực tại mà lại thấy thành cái ta ảo tưởng nên sinh ra chấp ngã, còn ái dục là cái ngã ấy muốn thực tại trở thành “vật” mà mình quy định nên sinh ra chấp pháp. Một khi đã chấp ngã chấp pháp thì bắt đầu tạo tác để trở thành, có trở thành thì có thời gian, có nhân quả, nghiệp báo, có sinh tử và tất nhiên có phiền não khổ đau.


Đối trừ của vô minh là MINH, nghĩa là thấy minh bạch đối tượng như nó đang là, tại đây và bây giờ. Nếu chúng ta đang ở đây trong tình trạng hoàn toàn tỉnh thức, hoàn toàn sáng suốt, không mê muội, và hoàn toàn tĩnh tại thì sẽ không bị vô minh và hành chi phối. Giả sử bây giờ có một đối tượng khởi sinh, chẳng hạn như tai nghe một âm thanh hay mắt thấy một hình sắc, nhờ ở trong tình trạng tự chủ, ổn định (tịnh) và sáng suốt, tỉnh thức (minh) nên cảm giác và tri giác trong sáng, chính xác, không bị ảo giác, ảo tưởng xen vào thì hành động sẽ không bị chi phối bởi yêu ghét, nắm giữ, trở thành nữa, và vì vậy sẽ không còn nhân tạo tác trong tương lai, nghĩa là toàn bộ vòng luân hồi chấm dứt.


***

Thiền sư Thích Thanh Từ kể lại rằng trong kinh Lăng Nghiêm, Phật đưa tay lên hỏi ngài Anan: “Ông thấy không?”. Ngài Anan thưa: “Dạ thấy.” Phật để tay xuống, hỏi: “Thấy không?” Ngài Anan thưa: “Dạ không thấy.” Ngay đó Phật liền quở: “Ông đã quên mình theo vật!” Tại sao vậy?


Đây là câu chuyên nhỏ mà chúng ta ít quan tâm, chứng tỏ chúng ta cũng từng quên mình theo vật. Phật đưa tay lên, ngài Anan thấy cái tay. Phật để tay xuống, ngài Anan thấy không có cái tay, chớ không phải không thấy. Thế mà Ngài trả lời “không thấy” nên mới bị Phật quở. Đâu phải cái tay mất mà mất cái thấy. Cái thấy là mình, cái tay là cảnh. Không thấy là không thấy cái tay, chứ cái thấy vẫn hiện tiền. Cái thấy hiện tiền mà nói không, đó là quên mình chạy theo vật. Tất cả chúng ta đều quên mình như vậy.



Phật lại dạy ngài La-hầu-la đánh chuông “boong” rồi hỏi ngài Anan: “Ông nghe không?”


Ngài Anan trả lời: “Dạ nghe.” Lát sau, tiếng chuông bặt, Phật hỏi: “Nghe không?” Ngài Anan


thưa: “Dạ, không nghe”. Phật bảo ngài La-hầu-la đánh chuông một lần nữa và cũng hỏi y như


vậy, ngài Anan cũng trả lời y như vậy. Phật quở: “Ông quả là quên mình theo vật!”


Như vậy là sao? Trả lời như thế nào mới đúng? Đánh tiếng chuông “boong” hỏi nghe không thì trả lời “Nghe”. Khi tiếng chuông bặt, hỏi nghe không, trả lời “Không nghe”. Như vậy là đồng hóa cái nghe với tiếng chuông làm một. Nhưng tiếng chuông là cảnh, cái nghe là mình. Cảnh hết chứ cái nghe đâu có mất. Tiếng chuông mất mà bảo “không nghe” tức là quên mình, chỉ biết cảnh thôi. Chúng ta tự kiểm xem lâu nay mình mê hay tỉnh. Thực tế là chúng ta đang mê mà không biết mình mê lầm.




Bậc thầy tâm linh Eckhart Tolle đề nghị làm thử nghiệm thú vị như sau: “Hãy nhắm mắt lại và tự nhủ: “Tôi thắc mắc liệu ý nghĩ kế tiếp của tôi sẽ là gì?” Rồi hãy thật cảnh giác chờ đợi ý nghĩ kế tiếp xuất hiện. Hãy làm giống như chú mèo rình hang chuột vậy. Ý nghĩ nào sẽ ló ra khỏi miệng hang đây? Hãy thử ngay bây giờ đi.”


Kết quả là phải chờ đợi khá lâu ý nghĩ đó mới xuất hiện.

Thật vậy! Bao lâu chúng ta còn ở trong trạng thái hiện trú toàn triệt, bấy lâu chúng ta còn thoát khỏi suy nghĩ mông lung. Chúng ta tĩnh lặng, mà vẫn cảnh giác cao độ. Ngay khi sự chú ý tỉnh thức của chúng ta chìm xuống dưới một mức nhất định thì ý nghĩ liền ùa đến. Sự náo động tâm trí quay lại; tĩnh lặng mất đi. Chúng ta sẽ quay trở lại trong thời gian.


Trên đây là những ví dụ về TỈNH THỨC.



***


THỰC TẠI (dhamma) mà Đức Phật khai thị cho chúng ta có những tính chất sau: trở lại mà thấy (ehipassiko) thấy ngay hiện tiền (sandiṭṭhiko), không qua thời gian (akāliko), ngay trên thực tánh (opanāyiko), tự mình thấu rõ (paccatam veditabbo). Cho nên một khi trở về thực tại thì sự thật hiện ra lập tức, không ở trong nhân quả và thời gian, phải ở tại đây và bây giờ, ở chính nơi tấm thân này cùng với cảm giác và tư tưởng. Nghĩa là ở trong dòng chảy của tâm-sinh-vật lý này.


Và để giúp cho mỗi người chúng ta có thể sống được trọn vẹn trong thực tại, đoạn diệt vô minh ái dục tham sân si, Ngài đã dạy con đường Bát Chánh Đạo (bao gồm 8 yếu tố là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, và chánh định), rút gọn lại chỉ còn là Tinh Tấn, Chánh Niệm, Tỉnh Giác - chính là nội dung của THIỀN VIPASSANA (còn gọi là thiền minh sát hay thiền tứ niệm xứ). Trong đó, CHÁNH NIỆM là trọn vẹn với thực tại; TỈNH GIÁC là nhận ra thực tại một cách hoàn toàn trung thực như nó là; còn TINH TẤN là không để tâm lang thang ra khỏi thực tại. Buông thái độ phản ứng của bản ngã lăng xăng trong nỗ lực nắm giữ hay loại bỏ trạng thái thực tại chính là tinh tấn, và ngay đó lập tức chánh niệm tỉnh giác lặng lẽ chiếu soi thực tại như nó đang là một cách tự nhiên. Thiền sư Viên Minh đã giảng giải chi tiết nội dung này như sau:


“Tâm chúng ta co giãn như một sợi dây thun. Nếu sợi dây thun bị kéo quá căng và dính kẹt vào một vật nào đó, một lát hay một vài lần thôi thì có vẻ như không sao; nhưng nếu bị kéo căng lâu ngày hay nhiều lần thì sợi thun khó có thể trở lại trạng thái bình thường.


Cho nên, một khi đã bị căng giãn không thể phục hồi thì xem như dây thun đã hỏng. Một cái cân lò xo cũng vậy, nếu cân quá tải nhiều lần, nó có thể bị giãn ra và không trở về số 0 được nữa! Trường hợp cái cân bị hỏng thì ai cũng dễ dàng phát hiện, nhưng ít ai nhận ra tâm mình đã bị hư hỏng từ lúc nào. Khi bạn phiền não, khổ đau, lo âu, sầu muộn v.v… tức là bạn đang để cho ngoại cảnh can dự quá nhiều vào đời sống tinh thần nội tại. Và một khi đã bị dính mắc, lệ thuộc quá nhiều vào ngoại cảnh, cái tâm không thể nào còn hồn nhiên, thư thái và lặng lẽ. Bạn có thể ngồi yên lặng một lát được không? Nếu không tức là tâm bạn đang bị chi phối hay ràng buộc vào một điều gì đó bên ngoài, không thể trở về với chính mình một cách an nhiên tự tại được nữa.


Một người đang bận tâm, hay đang chìm sâu trong những kỷ niệm vui buồn quá khứ, đang toan tính cho một viễn ảnh tương lai, đang mưu cầu một sở đắc trong tu tập, hay đang tham lam, sân hận… thì khó có thể chú tâm vào hiện tại hay trở về trọn vẹn với chính mình. Trước hết bạn cần thấy ra tình trạng vong thân, tha hoá của mình để tự thoát khỏi sự lệ thuộc, dính mắc, buộc ràng vào thế giới huyễn vọng tạo ra bởi cái ta ảo tưởng.

Khi bạn gỡ sợi dây thun ra khỏi chỗ dính mắc, phản xạ đầu tiên là nó sẽ trở về tình trạng tự nhiên ban đầu của nó. Cũng vậy, ngay khi được thư giãn, buông xả, nghỉ ngơi hoàn toàn, tâm trí bạn liền tự động trở về với thực tại thân tâm (thân-thọ-tâm-pháp). Trở về thực tại, thiền Vipassanā gọi là chánh niệm, và Thiền Tông gọi là thân tâm nhất như hay vô niệm. Tâm có chánh niệm thì không lang thang hướng ngoại hay không bỏ quên thực tại thân tâm, tức không rơi vào thất niệm, tạp niệm hay vọng niệm.


Tuy nhiên, trở về với chính mình không phải là trở về một khởi điểm nào đó đã trôi qua, mà chính là trở về tình trạng đang là, với một thái độ bình lặng, vắng mặt mọi ý đồ can thiệp, chọn lựa, lấy bỏ... Ngay lúc đó, bạn chỉ cần trọn vẹn với thực tại hiện tiền mà không cần thêm bớt, không cần hành động hay phản ứng gì cả.


Trở về trọn vẹn với thân (niệm thân) tương đối dễ. Trở về trung thực với những cảm giác (niệm thọ) tương đối khó hơn. Vì khi có cảm giác khổ bạn thường muốn chấm dứt nó ngay, và vô tình làm gia tăng cảm giác khổ ấy. Khi có cảm giác lạc bạn thường muốn níu giữ nó lại, vì vậy, biến nó thành nỗi khổ của cái tâm lo sợ sự mất mát, biến hoại. Tâm càng lăng xăng giải quyết – nắm giữ hay loại bỏ – những cảm giác một cách chủ quan hời hợt bên ngoài thì bên trong những cảm giác ấy lại càng gia tăng áp lực mà bạn không đủ tĩnh tại để nhận ra. Như vậy, bạn chỉ vô tình bóp méo hoặc cố ý điều chỉnh những cảm giác theo tư dục của bạn hơn là trọn vẹn với bản chất thực của những cảm giác ấy.


Vi tế hơn, khi tâm bạn có thái độ phản ứng ưa thích hay ghét bỏ một đối tượng nào thì nó bị sa lầy trên đối tượng ấy mà quên mất gốc tâm, nơi phát sinh ra những thái độ phản ứng ấy. Buông sự dính mắc trên đối tượng của tâm để trở về nhìn lại thái độ phản ứng của chính nó (niệm tâm) trên đối tượng ấy gọi là niệm tâm trên tâm. Khi cái ta ảo tưởng của bạn nhận lầm tâm này là “ta” và “của ta” thì nó liền sử dụng tâm ấy theo ý đồ của nó, bấy giờ nó phản ứng một cách chủ quan, chỉ lo chọn lựa, đối phó với tình hình bên ngoài để xem đối tượng đó có lợi hay bất lợi cho nó thôi, mà quên đi chính thái độ phản ứng bên trong nó mới là gốc thật sự tạo ra vấn đề! Như thế là theo ngọn mà quên gốc. Chánh niệm đối với tâm (niệm tâm) chính là trở về với thực tánh của tâm chứ không để tâm chạy theo đối tượng của ảo tưởng. Tuy nhiên, không để tâm lang thang theo đuổi đối tượng bên ngoài không có nghĩa là bạn bắt tâm dừng lại (định), và cũng không nên quá quan tâm xem xét trạng thái tâm một cách đơn điệu như một đối tượng chọn lựa, vì như vậy bạn không thấy được tâm trong tình huống tự nhiên của nó. Bạn chỉ cần trở về ngay nơi hiện trạng diễn biến của tâm ngay khi nó đang sinh khởi hay hoại diệt là được, không cần phải dụng công giải quyết, kiểm duyệt, phê phán hay biện minh gì cho trạng thái tâm đó cả.”


“Thế nào là thấy biết với thái độ trung thực, khách quan (tỉnh giác)? Đó là sự thấy biết trong sáng, tĩnh tại, trực tiếp trên đối tượng; không bị che lấp bởi ý niệm, tư tưởng, quan niệm hay tình cảm chủ quan nào; không thông qua khái niệm hình tướng, tên gọi, hay biểu tượng nào; không vướng mắc trong chủ trương, thành kiến, truyền thống, tập tục hay giáo điều lý tưởng nào. Ngay khi bạn thực sự buông xả hoàn toàn, an nhiên vô sự thì tâm bạn liền trọn vẹn với thực tại hiện tiền, và ngay đó, sự thấy biết trực tiếp sẽ phát huy tác dụng tự nhiên, khách quan và trung thực. (…)


Không cần một nỗ lực rèn luyện nào để đạt được sự nhận thức trực tiếp của trí tuệ tỉnh giác, vì tánh biết vốn có sẵn tuệ giác trong sáng tự nhiên. Khi tâm buông xả, rỗng lặng, không bị lý trí vọng thức che ám thì tánh biết liền tự chiếu sáng, đó chính là trí tuệ tỉnh giác. Nhưng khi bạn cố tình tìm cách rèn luyện để sở hữu tuệ giác thì nó lập tức biến mất. Vì ngay khi bạn khởi tâm muốn đào tạo sự tỉnh giác thì vô tình bạn tạo ra cái ta ảo tưởng cùng với tiến trình nhân quả và thời gian, như vậy tâm đâu còn tỉnh giác để thấy biết thực tại một cách trực tiếp (sandiṭṭhiko) phi thời gian (akāliko) được nữa. Lúc đó nhận thức của bạn chỉ là những kiến thức hạn hẹp của lý trí cá nhân chứ không phải là trí tuệ tỉnh giác đến từ tánh biết trong sáng tự nhiên. Kiến thức lý trí có thể tốt, nhưng chắc chắn chỉ là tương đối, hạn hẹp trong cái đã biết, không phải là sự tỉnh giác để thấy biết trực tiếp, mới mẻ và trung thực với bản chất của thực tại.


Trong Thiền Vipassanā, có ba yếu tố cốt lõi là tinh tấn, chánh niệm và tỉnh giác. Tinh tấn là không buông lung phóng dật theo vọng tưởng của cái ta. Chính cái ta vọng tưởng làm cho tâm thất niệm, tạp niệm và vọng niệm, nên khi buông hết các niệm ấy thì tâm vô niệm rỗng lặng liền trở về trọn vẹn với thực tại, đó chính là chánh niệm. Tâm không còn bị ý niệm, vọng tưởng che lấp thì tánh biết tự phát ra trí tuệ tỉnh giác có khả năng thấy biết thực tại một cách toàn diện, minh bạch và trong sáng, không một chút mê mờ vẩn đục. Vì vậy, ngay khi tâm buông xả, vô sự, thì tánh biết rỗng lặng trong sáng tự phát huy trí tuệ tỉnh giác để soi sáng thực tại, chứ tuệ giác không do nỗ lực của bản ngã tạo nên. Vì vậy, rốt ráo mà nói, chỉ có tinh tấn chánh niệm tỉnh giác mà không có người tinh tấn chánh niệm tỉnh giác.


Bạn cần lưu ý là hai yếu tố chánh niệm và tỉnh giác không thể tách rời nhau trong thiền Vipassanā, nên nhiều người cho rằng hai yếu tố này không có gì khác biệt. Thực ra, tuy chúng hỗ trợ cho nhau và có chung một đối tượng thực tánh, nhưng có đặc tính và chức năng hoàn toàn riêng biệt. Chánh niệm là tâm trọn vẹn với đối tượng thực tại (không còn năng sở), trong khi tỉnh giác thấy biết đối tượng ấy một cách trung thực và trong sáng (không còn tư niệm). Như một tấm gương, hướng vào đối tượng đủ vững vàng và trọn vẹn, thì lập tức phản ánh rõ ràng trung thực đối tượng ấy. Tấm gương quay qua hướng khác ví như thất niệm, tấm gương bị rung động ví như tạp niệm, và mặt gương không bằng phẳng ví như vọng niệm, thì không thể soi thấy vật gì rõ ràng trung thực được. Cũng vậy, tâm thiếu chánh niệm sẽ không có tỉnh giác để soi chiếu đối tượng đúng với thực tánh của nó.


Khi đang đi, đứng, ngồi, nằm, hoặc đang thực hiện một động tác lớn nhỏ nào thuộc về thân hành, tỉnh giác giúp bạn tri nhận trọn vẹn và trung thực trạng thái diễn biến của tư thế hoặc động tác đó, không phân tâm, không gán ghép vào nó ý niệm nào khác. Nếu không có tỉnh giác, thay vì thấy trạng thái diễn biến của động tác một cách đơn thuần, bạn thường có khuynh hướng gán thêm vào đó ý niệm “tôi”: Tôi đi, tôi đứng, tôi ngồi, tôi nằm, tôi ăn, tôi uống v.v... “Tôi” vốn chỉ là khái niệm giả định, mang tính quy ước, không có thật, nhưng lâu ngày nó đã ăn sâu vào tâm khảm bạn và trở thành cái ta ảo tưởng, gây chướng ngại và che mờ thực tánh của mọi sự mọi vật.


Đối với những cảm thọ, nếu bạn thiếu tỉnh giác thì cái ta ảo tưởng liền can thiệp vào ngay. Cái ta luôn phản kháng và tìm cách chấm dứt cảm giác khổ nên đã tạo ra tâm sân hận, đồng thời cái ta lại ưa thích và tìm cách níu giữ cảm giác lạc nên đã tạo ra tâm tham ái. Cái ta cũng không bằng lòng với cảm giác xả - không khổ không lạc, nó có khuynh hướng loay loay tìm kiếm cảm giác lạc, nên tạo ra tâm bất an, phóng dật và mê muội. Trong cả ba trường hợp, chỉ có tỉnh giác mới có thể giúp bạn cảm nhận một cách vô tư, trung thực những cảm giác đang xảy ra nơi thân tâm bạn mà không can thiệp bằng một phản ứng tâm lý chủ quan nào.


Tỉnh giác là phẩm chất của tánh biết rỗng lặng trong sáng, nó có khả năng thấy được hoạt động của ý thức – thấy được sự sinh diệt của tâm ý thức đó. Chính vì thế mà đức Phật dạy trong Kinh Tứ Niệm Xứ là có thể tỉnh giác trên thực tại thân, thọ, tâm và pháp mà không nương tựa, không dính mắc vào pháp nào. Vi tế hơn nữa là thấy được trạng thái tâm ngay khi nó khởi lên trên một đối tượng nào đó. Ví dụ, khi thấy một đóa hoa, tâm ưa thích khởi lên, nhưng ý thức của bạn bị thu hút vào màu sắc, hình dáng, hương thơm của đóa hoa, nên không ý thức được chính mình, nhưng tỉnh giác lại thấy được toàn bộ diễn biến khi tâm ưa thích của bạn đã khởi lên rồi diệt đi lúc nào và như thế nào, nếu không làm sao thấy được tính chất vô thường, vô ngã của tâm. Cũng vậy, đối với những trạng thái tâm khác như từ ái hay hận thù, ổn định hay tán loạn, trói buộc hay thanh thoát, vướng mắc hay tự tại v.v… tỉnh giác đều thấy biết như một tấm gương phản ánh trung thực, không xen vào đó bất cứ phản ứng tâm lý chủ quan nào. Ý thức có thể bị bản ngã xen vào chấp là ta và của ta, còn tỉnh giác thì cái ta không thể chấp thủ được, đơn giản chỉ vì tỉnh giác thấy được các pháp là vô ngã. Nói cách khác, khi vắng bóng cái ta ảo tưởng thì mới thật sự có tỉnh giác.


Tóm lại, tỉnh giác không bị giới hạn trong phạm vi ý thức, ngược lại chính nhờ tỉnh giác mà nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức mới thấy như thực, nghe như thực, giác như thực, tri như thực. Kiến văn giác tri hoàn toàn trung thực được gọi là tri kiến thanh tịnh.”


Không những chỉ giải thích cặn kẽ mà thiền sư Viên Minh còn hướng dẫn chúng ta một lối sống thiền, sống đạo, sống tỉnh thức trong thực tại bằng cách ứng dụng cụ thể tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác vào đời sống hàng ngày qua ngôn từ hết sức giản dị là THẬN TRỌNG, CHÚ TÂM, QUAN SÁT - tức là trở về trọn vẹn tỉnh thức với thân tâm cảnh:


HỮU SỰ

Nói, làm thường thận trọng
Luôn trọn vẹn chú tâm
Lắng nghe quan sát rõ
Đến đi Pháp lặng thầm.

Thận trọng là cẩn thận, không lơ là chểnh mảng đối với thực tại đang là; Chú tâm là tâm trọn vẹn với thực tại đang là, không bị phân tâm, không bị quá khứ, vị lai và ngoại cảnh chi phối; Quan sát là thấy, nghe, ngửi, nếm, chạm và biết thực tại rõ ràng như nó đang là, không qua tư tưởng hay quan niệm nào.

Hay nói cách khác thì không buông lung phóng dật mà trở về với thực tại gọi là tinh tấn; không thất niệm mà sống trọn vẹn với thực tại gọi là chánh niệm, không vọng tưởng mà luôn trong sáng với thực tại gọi là tỉnh giác. Vậy trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại chính là thực hành bát chánh đạo.


***

Tôi muốn nhấn mạnh thêm vào chánh niệm (chú tâm) vì vai trò chủ chốt của nó trong thiền Vipassana nên trích dẫn ở đây những lời giảng minh triết của các bậc thầy tâm linh:

“Chỉ cần nhận diện thôi, không cần phải làm gì khác. Thực tập chánh niệm bắt đầu bằng sự nhận diện một cách thuần túy tất cả những gì đang xảy ra trong ta và xung quanh ta. Nhận diện mà không cần phê phán. Không cần nghĩ rằng điều đang xảy ra là đáng buồn hay đáng vui. Bông hoa tươi thì biết là bông hoa tươi, bông hoa héo thì biết là bông hoa héo. Tâm đang giận hờn thì biết đây là nỗi giận hờn đang ở trong ta. Không cần phải công phá, không cần phải đè nén. Bí quyết của sự thực tập là ở chỗ này.” - Thiền sư Thích Nhất Hạnh

“Khi tham muốn sanh khởi và bạn quan sát nó một cách thật cẩn thận, bạn sẽ hiểu rằng đó chỉ là tính chất của sự ham muốn, không phải là tôi ham muốn, nó không phải là tâm của tôi, nó chỉ là một cái tâm, một cái tâm sanh khởi bởi vì có đầy đủ nhân duyên cho nó sanh khởi mà thôi. Nếu một đối tượng mang những tính chất khiến cho nó hấp dẫn, thì khi đó một cảm giác thích thú với đối tượng ấy sẽ xuất hiện. Nếu bạn nhận ra được những tính chất tâm này chính là vô ngã (anatta), bạn sẽ học hỏi được rất nhiều từ chúng. Còn nếu bạn cứ nghĩ nó là cái tham của tôi, thì sẽ rất khó trừ bỏ được nó, bởi vì điều đó chỉ càng làm cho tâm tham mạnh lên mà thôi.


Cũng theo cách như vậy, khi sân sanh khởi, hãy quan sát nó một cách thật bình thản và cẩn thận, kỹ lưỡng. Nếu bạn nhìn cái giận "của mình" thì bạn sẽ còn cảm thấy giận hơn nữa. Khi cái giận cùng tồn tại với "cái tôi", nó sẽ trở nên mạnh hơn rất nhiều. Nó có thể mạnh đến mức không thể kiểm soát nổi. Nhưng hãy làm như tôi vừa nói ở trên, giữ chánh niệm và mỗi khi sân giận nổi lên lại, hãy kiên nhẫn nhìn nó thật lâu, thật cẩn thận như một khán giả bên ngoài trông vào, mà không nghĩ rằng, không cho rằng nó là tâm "của tôi". Khi bạn có thể làm được như vậy thì sân hận sẽ bị tước vũ khí.



Nếu luôn luôn quan sát như thế, bạn sẽ bắt đầu thấy được bản chất của tâm. Bạn không thể làm cho bất cứ cái gì biến mất và bạn cũng không cần phải làm như thế. Nếu bạn có thể quan sát được mọi thứ sanh khởi trong tâm như một người ngoài cuộc quan sát các tư tưởng, những điều thoả mãn, hài lòng cũng như những điều bất mãn, không ưng ý hay bất cứ những gì đang có mặt, thì sức mạnh của phiền não sẽ suy yếu đi rất nhiều.


Vậy nếu bạn có thể nhìn tham, sân, ngã mạn, ghen tỵ, đố kỵ… như là vô ngã, chúng sẽ trở nên mềm yếu và rút lui. Hơn thế nữa, bạn còn gặt hái được một số kiến thức và trí tuệ từ chúng nữa. Đó là những gì chúng đem lại cho chúng ta để chúng ta trở nên ngày càng vững vàng, ổn định và quyết tâm hơn. Chúng ta sẽ có được một sức mạnh nội tâm kiên định; chúng ta sẽ trở thành những con người trưởng thành và cân bằng.” – Thiền sư Sayadaw U. Jotika


“Bằng cách cẩn thận không bị lôi kéo vào những cuộc “đối thoại” hay cãi vã với kẻ xâm nhập (tức là các chướng ngại nảy sinh), chúng ta sẽ không cho nó lý do để ở lại lâu; và trong nhiều trường hợp, những chướng ngại ấy sẽ sớm bỏ đi như một vị khách không được chủ nhà tiếp đón niềm nở… Hãy cứ để những kẻ xâm nhập ấy đến rồi đi. Cũng như tất cả mọi tiến trình thân-tâm đang tiếp diễn vô tận, trôi qua trước con mắt quan sát của chúng ta trong pháp hành ghi nhận thuần túy, chúng sanh lên, sau khi sanh lên, chúng lại diệt đi.


… Trong cuộc sống có rất nhiều trường hợp chỉ cần một khoảnh khắc suy xét ngắn ngủi cũng đủ để ngăn chặn một bước đi sai lầm, và từ đó tránh được cả một chuỗi dài đau khổ và tội lỗi, khởi đầu chỉ từ một giây phút thiếu suy nghĩ. Nhưng làm thế nào để kiềm chế được những phản ứng vội vàng, hấp tấp và thay thế bằng những khoảnh khắc chánh niệm và suy xét? Làm được điều đó lại còn phụ thuộc vào khả năng chặn đứng và tạm dừng, hãm phanh lại đúng lúc – và điều này chúng ta có thể học được bằng cách thực hành ghi nhận thuần túy… Tâm quan sát sẽ luôn có mặt, giúp chúng ta tạm dừng và chặn đứng, ngay cả khi bị bất ngờ, khi bị lôi cuốn, cám dỗ hay cáu giận đột ngột.


… Nhờ khả năng tịnh chỉ (giữ yên) để ghi nhận thuần túy, hay dừng lại để suy xét một cách trí tuệ, thường là sự lôi cuốn, cám dỗ đầu tiên của tham dục, làn sóng cáu giận đầu tiên, màn sương mê mờ đầu tiên của tâm si sẽ biến mất ngay mà không gây ra rắc rối nghiêm trọng nào. Dòng những tiến trình tâm bất thiện bị chặn đứng lại ở thời điểm nào là phụ thuộc vào mức độ chánh niệm của chúng ta. Nếu chánh niệm sắc bén, nó sẽ chặn được một loạt những suy nghĩ hay hành động bất thiện từ rất sớm, trước khi chúng lôi mình đi quá xa. Phiền não sẽ không lớn mạnh vượt quá mức độ ban đầu, do đó sẽ bớt cần đến nhiều nỗ lực để kiểm soát chúng, nghiệp tạo ra sẽ ít hơn, hoặc là không có.


… Sự chú ý liên tục đem đến một bức tranh toàn cảnh đầy đủ hơn về đối tượng trên tất cả các góc độ. Nói chung, ấn tượng đầu tiên chúng ta cảm nhận được từ bất cứ đối tượng giác quan hay một ý tưởng nào đó đều chỉ là đặc điểm nổi bật nhất của nó; chính điểm này thu hút sự chú ý của chúng ta tới khi sức tác động của nó đạt đến đỉnh điểm. Song đối tượng cũng thể hiện những khía cạnh, đặc tính cùng những chức năng khác, ngoài những điều chúng ta cảm nhận được đầu tiên. Những điều này có thể không rõ nét hoặc không thú vị đối với chúng ta; nhưng có thể lại quan trọng hơn. Có rất nhiều trường hợp, ấn tượng đầu tiên của chúng ta hoàn toàn là sai lầm. Chỉ khi chúng ta tiếp tục duy trì sự chú ý xa hơn cảm nhận ban đầu đó thì đối tượng mới tự thể hiện ra đầy đủ hơn. Khi làn sóng nhận thức đầu tiên thoái lui, thì sức mạnh của thành kiến/tư kiến (đánh giá, suy nghĩ chủ quan) cũng giảm dần; và chỉ khi đó, trong giai đoạn kết thúc, đối tượng mới thể hiện được nhiều chi tiết mở rộng, một bức tranh hoàn chỉnh hơn về chính nó. Chính vì vậy, chỉ nhờ sự chú ý liên tục chúng ta mới đạt tới được sự hiểu biết rõ ràng hơn về các thuộc tính của đối tượng.” - Thiền sư Nyanaponika


Cuối cùng thì bạn đã có thể ghi nhớ lời dạy ngắn gọn của ngài Ajahn Chah - vị thiền sư danh tiếng bậc nhất của Thailand: “Chỉ có một cuốn sách đáng đọc nhất, đó là tâm của chính mình.”


No comments:

Post a Comment