TIẾN TRÌNH TÂM
Hiểu về tiến trình tâm (còn gọi là quá trình nhận thức) để thấy đời sống là một sự vận hành tương giao giữa vật lý, sinh lý và tâm lý chứ không phải duy tâm hay duy vật, cũng không phải định mệnh hay ngẫu nhiên.
A. Tiến trình tâm
Diễn biến của một tâm sinh diệt như thế này:
Dòng tâm thức khi ở trạng thái tiềm ẩn, chưa có tác động của một đối tượng nào thì nó trôi chảy ngấm ngầm, tàng ẩn sâu trong nội tâm của sự sống nên gọi là hữu phần (bhavaṅga: aṅga là phần, bhava là sự hiện hữu, sự sống). Hữu phần duy trì sự hiện hữu của tiềm thức và trôi chảy liên tục. Khi ngủ hoặc khi bất tỉnh, không có một đối tượng nào tác động để tâm khởi lên (trừ lúc chiêm bao). Dòng bhavaṅga đang ở trạng thái thụ động – có vẻ như tĩnh nhưng luôn luôn chảy xiết như một dòng nước cuồn cuộn. Khi đang trôi chảy như vậy, chợt có một đối tượng tác động vào khiến hữu phần này trôi qua thêm một sát-na nữa trước khi nó rung động lên. Khi hữu phần rung động thì cái dòng trôi chảy ấy liền dừng lại. Không phải là dừng lại dòng trôi chảy mà là dừng lại tình trạng tiềm ẩn, nên gọi là hữu phần dừng lại.
Hữu phần dừng lại và tâm bắt đầu khởi lên qua các căn để thu nhận, đánh giá, phản ứng v.v. trên đối tượng tác động:
Bình thường hữu phần trôi qua ở trạng thái tiềm thức (từ A đến B). Khi có một đối tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) tác động vào thì hữu phần rung động 2 lần rồi dừng lại (từ B đến C) và bắt đầu khởi tâm (tại C). Tiến trình tâm thực sự xảy ra (từ C đến D) rồi trở lại trạng thái ngấm ngầm trôi chảy của hữu phần...
Ba giai đoạn của hữu phần ở trên (hữu phần trôi qua, hữu phần rung động và hữu phần dừng lại) có thể gọi theo phân tâm học là vô thức hoặc tiềm thức, chỉ đóng vai trò chuẩn bị cho tiến trình tâm chứ tâm chưa thật sự khởi.
Ngay khi hữu phần dừng lại, tâm qua ngũ môn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) thật sự khởi lên theo trình tự như sau:
1 sát-na - Ngũ môn hướng tâm 1 sát-na - Ngũ thức 1 sát-na - Tiếp thọ tâm 1 sát-na - Suy đạc tâm 1 sát-na - Xác định tâm 7 sát-na - Tốc hành tâm 2 sát-na - Đồng sở duyên
Nếu kể cả 3 sát-na của giai đoạn hữu phần thì toàn bộ tiến trình diễn ra trong 17 sát- na, nhưng nếu chỉ kể phần chính yếu thì chỉ cần 14 sát-na. Tuy nhiên tiến trình sẽ lập đi lập lại trên cùng đối tượng rất nhiều lần.
- Tâm vận hành cực nhanh: 1 sát-na (đơn vị thời gian trong Phật giáo) nhanh hơn nhiều lần 1 nanosecond (1 phần tỷ của giây)!
- Các tiến trình tâm hiện hành khởi lên từ hữu phần và trở về trạng thái hữu phần, giống như các đợt sóng khởi lên từ dòng nước rồi lại chìm vào dòng nước. Hữu phần đơn giản chỉ là trạng thái âm thầm, thụ động, vô thức, ngược lại với trạng thái hiện hành, năng động, hữu thức của tâm mà thôi
- Trong hữu phần, các dữ liệu lưu trữ (chủng tử) không giữ nguyên trạng thái ban đầu mới được lưu ký mà luôn được xử lý hay nói đúng hơn là tự động tương duyên, tương tác, tương sinh, tương khắc, để tự biến đổi và chín mùi cho đến khi thành quả hiện hành, đó là chuỗi chuyển hóa theo nguyên lý nhân quả một cách khách quan, uyển chuyển, tự nhiên và vô thức. Quá trình tự động chuyển hóa này có độ vi tế và chính xác cực kỳ cao so với với những xử lý máy móc được qui định và cài đặt bởi các chuyên gia vi tính.
***
Mô tả các giai đoạn của tiến trình tâm:
1. Tiến trình tâm qua ngũ môn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân).
- Ngũ môn hướng tâm: 3 giai đoạn hữu phần không được tính vào trong tiến trình vì vẫn còn đối tượng quá khứ, chỉ đến ngũ môn hướng tâm thì tiến trình mới thực sự bắt đầu tiếp đối tượng mới, hiện tại.
Ngũ môn hướng tâm chỉ là phản xạ tự nhiên (vô nhân duy tác) của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân trên đối tượng tương ứng. Cụ thể như khi một người nằm ngủ, bỗng có tiếng động làm anh ta giật mình, toàn thân người ấy bị đánh thức và hướng đến đối tượng. Nhưng thật ra vì là tiếng động nên chỉ có nhĩ môn thật sự hướng đến đối tượng. Nếu là hình ảnh thì nhãn môn hướng đến, nếu là sự đụng chạm thì thân môn hướng đến v.v.
- Ngũ thức: khi một trong 5 môn hướng về đối tượng thì thức liên hệ môn ấy liền xuất hiện. Ví dụ, nếu đối tượng là tiếng động thì nhĩ thức xuất hiện. Vì vậy đến đây 1 trong 5 thức khởi tác dụng thu nhận đối tượng một cách tổng thể. Ví dụ như nhãn thức khởi lên thì sự thu nhận sẽ giống như chiếc máy hình bấm nút để thu hình. Có đôi khi nhiều thức cùng khởi “một lần”, như vừa thấy vừa nghe vừa xúc chạm chẳng hạn.
- Tiếp thọ tâm: sau khi thức thu nhận đối tượng một cách khái quát, tiếp thọ tâm làm công việc phân tích chi tiết để nhận biết từng phần của đối tượng. Sự kiện này chỉ xảy ra trong 1 sát-na, nhanh hơn rất nhiều so với một máy scanner đang quét qua chi tiết một tấm hình hoặc một digital camera đang thu hình một vật gì đó.
- Suy đạc tâm: sau khi tiếp thọ tâm đã phân tích chi tiết, suy đạc tâm tổng hợp những chi tiết này lại để có một hình ảnh đầy đủ về đối tượng. Giai đoạn tổng hợp này cũng chỉ mất 1 sát-na, nhanh không kém giai đoạn phân tích trước đó, giống như máy scanner vừa quét xong tổng thể của tấm hình.
Hai giai đoạn tiếp thọ và suy đạc thuộc tâm vô nhân dị thục, nên công việc phân tích tổng hợp trên chỉ là phản xạ tự nhiên, chưa có tư ý chủ quan xen vào nên đối tượng vẫn là thực tánh.
- Xác định tâm: sau khi phân tích và tổng hợp bây giờ đã có một hình ảnh tương đối đầy đủ về đối tượng qua đó xác định tâm có thể nhận biết đối tượng ấy là gì. Xác định tâm chính là ý môn hướng tâm trong tiến trình ý môn, do đó cũng là vô nhân duy tác, nghĩa là đối tượng vẫn còn thực tánh, chưa bị ý niệm xen vào.
- Tốc hành tâm: Khi xác định đối tượng rồi, tâm liền tỏ thái độ phản ứng cấp tốc trên đối tượng, nên gọi là tốc hành tâm, quyết định nhanh tính chất tạo tác thiện, bất thiện hay bất động của tâm. Ví như khi thấy một đóa hoa liền ưa thích hay nghe tiếng chửi liền nổi giận v.v... Giai đoạn phản ứng tạo tác này diễn ra trong 7 sát-na.
- Đồng sở duyên: diễn ra trong 2 sát-na tâm, sao chép lại toàn bộ tiến trình tâm vừa kinh nghiệm, sau khi giai đoạn tốc hành tâm vừa chấm dứt, để lưu giữ vào hữu phần. Tốc hành tâm ví như việc thưởng thức một món ăn, còn đồng sở duyên chỉ quay phim để giữ lại sự kiện đó chứ không thể giữ lại chính sự kiện đó.
Đồng sở duyên sao chép lại kinh nghiệm của tiến trình tâm qua ngũ môn rồi chìm vào trạng thái tiềm ẩn trong hữu phần. Đồng sở duyên giữ vai trò thu gom, sao chép còn hữu phần giữ vai trò chỗ cất chứa.
2. Tiến trình tâm qua ý môn
Ý thức này có đối tượng là hình ảnh lưu trữ của ngũ trần mà chúng ta thường gọi là pháp trần hay nội cảnh như khi tâm nhớ lại một hình sắc, một âm thanh v.v... thì tiến trình tâm này khởi lên. Tiến trình ý môn chia làm hai loại:
2.1. Ý môn tiến trình tâm tiếp trợ là loại ý thức luôn đi kèm ngay sau tiến trình qua ngũ môn để hỗ trợ, làm tăng cường độ nhận thức đối tượng. Loại ý thức tiếp trợ này không đi riêng lẻ mà diễn ra thành 4 tiến trình tuần tự:
- Tiến trình nắm bắt nắm bắt từng phần của đối tượng,
- Tiến trình nắm bắt đối tượng tổng thể,
- Tiến trình hình thành vật khái niệm (vật gì) hay ý nghĩa gì (nghĩa khái niệm)
- Tiến trình hình thành danh khái niệm (định danh, định nghĩa hay kết luận)
Ví dụ như khi mắt chúng ta nhìn thấy một vật (chẳng hạn một trái cây) thì sát-na đầu chỉ là nhãn thức, sau đó mất 3 sát-na nữa để tiếp thu, suy đạc và xác định đối tượng thực tánh ấy một cách tổng quát cho các bước sau hoàn thành tiến trình tâm qua nhãn môn và chuyển giao cho 4 tiến trình ý thức tiếp trợ làm công việc phân tích, tổng hợp, định tướng và định danh với kết luận đó là trái ổi hay trái xoài.
Thường đối với năm thức thì vật khái niệm được hình thành trước rồi mới đến danh khái niệm. Nghĩa là chúng ta biết đối tượng là vật gì trước khi liên tưởng đến tên gọi của nó. Ví dụ như khi thấy (nhãn thức) một vật chúng ta liền biết vật đó hình thù màu sắc như thế nào rồi mới biết tên nó là trái cam hay trái mận. Cũng vậy khi nghe một âm thanh, ngửi một mùi v.v...
Riêng với nhĩ thức, trong trường hợp nghe một tên gọi thì danh khái niệm hình thành trước vật khái niệm. Vì chúng ta nghe tên “trái cam” trước rồi mới tưởng ra hình thù hương vị của trái cam sau.
Trong 4 tiến trình tiếp trợ trên thì đối tượng của 2 tiến trình phân tích và tổng hợp vẫn là thực tánh quá khứ do tiến trình nhãn thức ngay trước đó cung cấp. Đây là một loại trực giác tâm lý trong triết học phương Tây.
Tiến trình thứ 3 có đối tượng là vật (nghĩa) khái niệm vì đối tượng thực tánh do các giai đoạn trên cung cấp đã được khái niệm hóa thành tướng chế định chủ quan. Tuy nhiên, đây vẫn là một loại chủ quan còn sơ phác, chưa phải là loại chủ quan kiên cố hơn được hình thành trong tiến trình tâm đơn thuần mà chúng ta sẽ nói sau.
Tiến trình thứ 4 có đối tượng là danh khái niệm vì đối tượng vật khái niệm đã được mã hóa thành một ký hiệu để đặt tên cho nó. Đến đây thì tính chủ quan có phần gia tăng, nhưng phải đến ý môn tiến trình tâm đơn thuần mới hình thành quan niệm, định kiến, chấp thủ hay bóp méo sự thật.
2.2. Ý môn tiến trình tâm đơn thuần hay ý thức đơn thuần là ý thức nội phát với đối tượng nội cảnh gọi là pháp trần, không lệ thuộc vào ngũ môn bên ngoài. Đối tượng nội cảnh này phong phú hơn nhiều so với tiến trình ý thức tiếp trợ (ngoài ấn tượng về 5 tiền trần, còn có tâm, tâm sở, khái niệm và Niết-bàn).
***
Tiến trình tâm cũng không nhất thiết phải trải qua 17 sát-na: Tùy theo đối tượng mà tiến trình tâm có thể diễn tiến đầy đủ hoặc chấm dứt nửa chừng (tốc hành tâm và đồng sở duyên có thể không khởi tùy đối tượng.)
- Nếu là một đối tượng rất lớn thì tiến trình diễn ra 17 sát-na: Đối tượng rất lớn tức là đối tượng gây sự chú ý hoặc gây ấn tượng mạnh, khiến tâm phản ứng mạnh. Ví dụ đối tượng làm chúng ta sợ hãi, tức giận hay hoan hỷ, vui mừng, v.v...
- Nếu là một đối tượng lớn thì tiến trình tâm chìm vào hữu phần sau tốc hành tâm, nghĩa là đồng sở duyên không khởi lên. Như vậy nó chỉ diễn ra trong 15 sát-na. Đối tượng lớn tức là đối tượng không gây chú ý nhiều lắm, khiến tâm tuy có phản ứng nhưng rồi sau đó quên đi không ghi lại gì cả. Ví dụ, một thầy giáo ra đường thỉnh thoảng gặp một vài học sinh chào hỏi, ông ta cũng mỉm cười đáp lại, nhưng sau đó ông không nhớ gì hết.
- Nếu đối tượng nhỏ thì tiến trình tâm chỉ tồn tại ngang xác định tâm, tốc hành tâm không khởi lên. Trong trường hợp này xác định tâm kéo dài 3 sát-na rồi trở lại hữu phần. Như vậy tiến trình tâm chỉ diễn ra từ 10 đến 11 sát-na thôi. Ví dụ, khi đi ngoài đường, chúng ta vẫn thấy hàng cây hai bên đường, xe cộ, người đi lại, nhưng chúng ta chỉ thấy vậy thôi chứ không chú ý và không phản ứng gì cả.
- Nếu đối tượng rất nhỏ thì hữu phần chỉ rung động rồi trở về trạng thái thụ động, chứ tiến trình tâm không khởi lên. Ví dụ, khi đang ngủ, có tiếng động khiến chúng ta giật mình nhưng vẫn ngủ lại như không có gì xẩy ra.
Trong một khoảng thời gian có thể xảy ra nhiều tiến trình tâm có đối tượng khác nhau: Những tiến trình tâm này không phải xảy ra cùng lúc mà chúng xen kẽ với nhau.
Ví dụ, đang xem ti vi, bỗng nghe có nhiều tiếng nổ lớn bên ngoài. Thế là tâm chuyển hướng qua căn và đối tượng khác, nhưng khi biết đó chỉ là tiếng pháo, lại tiếp tục trở về xem ti vi. Tiến trình xem qua căn mắt, đối tượng là hình sắc, còn tiến trình nghe qua căn tai, đối tượng là âm thanh, hai tiến trình tâm hoàn toàn khác nhau. Tuy sau đó trở lại xem tivi nhưng là một tiến trình xem khác chứ không phải tiến trình xem lúc đầu. Nếu tiến trình xem liên tục không gián đoạn thì cũng không phải là một tiến trình xem duy nhất mà chúng luôn biến đổi theo hình ảnh biến hoá trên màn hình, dù xem cùng đối tượng thì tiến trình cũng lặp đi lặp lại liên tục hàng triệu triệu lần chứ không cố định.
Đó là hai tiến trình cách biệt rõ rệt, nhưng thường thì sự xen kẽ giữa các tiến trình phức tạp hơn nhiều, đến nỗi chúng ta tưởng là chúng xảy ra đồng thời. Ví dụ như khi xem tivi, không phải chỉ xem mà còn nghe, ý thức, suy nghĩ v.v. thực ra chúng xen kẽ với nhau chứ không đồng thời như chúng ta tưởng.
Chúng ta vừa nói đến sự xen kẽ của những tiến trình tâm khác căn khác đối tượng. Phức tạp hơn nữa là những phản ứng khác nhau diễn ra trong javana, như những diễn biến nội tâm, trên cùng căn cùng đối tượng, khi có tiến trình ý thức xen vào. Ví dụ khán giả đang xem hai võ sĩ đánh nhau trên võ đài. Thường khán giả thiên vị bên võ sĩ A hoặc võ sĩ B, cho nên khi thì hoan hô, khi thì tức giận. Như vậy tâm thương ghét, vui buồn, mừng giận cứ xen kẽ lẫn nhau trong cùng một sự kiện. Tuy nhiên nếu quan sát kỹ thì không phải chỉ một tiến trình mà là vô số tiến trình phức tạp xen kẽ nhau.
Như vậy, cái tâm luôn luôn vô thường theo các tiến trình tâm liên hệ với những đối tượng của chúng, không những thế trong mỗi tiến trình cũng diễn ra sự biến đổi vô thường, và ngay trong mỗi sát-na tâm cũng đã có sinh-trụ-diệt tiếp nối liên tục.
B. Quá trình nhận thức trong trading
Thực tế là hầu hết chúng ta – trừ các bậc giác ngộ, không thể quan sát trực tiếp được tiến trình tâm sinh diệt diễn biến quá nhanh như trình bày ở trên. Ở đây, chúng ta chỉ sử dụng quá trình này để lý giải các hiện tượng xảy ra trong tâm thức trader.
Trong nghề trading, đối tượng chỉ tác động lên chúng ta qua 3 môn là mắt (đọc tin tức, quan sát bảng điện, đồ thị...), tai (nghe bàn tán, bình phẩm, khen chê), ý (các hình ảnh, kinh nghiệm giao dịch trong quá khứ...) và tâm nhận biết đối tượng qua cái thấy của mắt, cái nghe của tai và cái biết của ý.
Khi bạn chưa có một hiểu biết gì về nghề trading thì giả sử nhìn thấy bảng điện, xem kết quả giao dịch trên TV, đọc tin tức trên báo chí, nghe người khác nói chuyện (nhãn môn, nhĩ môn hướng tâm) thì bạn chỉ thấy đó là những con số, hình ảnh, tin tức bình thường nên không chú ý nhiều và thường không có phản ứng gì (tốc hành tâm không khởi lên) vì chưa xảy ra quá trình định danh, định tướng đối tượng theo các qui ước, ký hiệu, luật lệ thống nhất trong thị trường.
Sau này, do một cơ duyên nào đó, bạn bắt đầu làm quen với thị trường tài chính, trang bị các kiến thức chuyên môn, bất đầu hiểu ra là các tin tức, tín hiệu, biến động giá trên thị trường có thể mang lại nguồn lợi nhuận lớn thì bạn sẽ chú ý, soi xét chúng nhiều hơn. Quá trình tích lũy kiến thức tăng lên theo thời gian và tự động được lưu trữ vào kho chứa vô thức (bhavanga). Kể từ đó, các thông tin liên quan đến thị trường tác động đến tai mắt của bạn sẽ được bạn đem ra so chiếu, đánh giá, kết luận... Kiến thức lưu trữ ở đây mang nặng tính chất chủ quan, lệch lạc do bạn chưa có trải nghiệm và phần nhiều chúng đến từ sách báo, internet.
Tiếp theo, nếu thận trọng thì bạn có thể sẽ tập giao dịch giả lập (demo) để kiểm định lại các kiến thức đã thu thập, áp dụng để phán đoán xu hướng thị trường, học hỏi kinh nghiệm; và rồi những kinh nghiệm này cũng được ghi vào kho chứa vô thức. Chúng trở thành cơ sở để so chiếu khi bạn đối diện thị trường trong lần tiếp theo. Mặt khác, từ khi có hiểu biết về thị trường, bạn cũng có thể nảy sinh ham muốn, ưa ghét khi nghe thấy người khác khoe khoang làm giàu từ thị trường. Tuy nhiên, phản ứng của tốc hành tâm trong giai đoạn này vẫn chủ yếu dựa vào kiến thức chuyên môn và các trải nghiệm chưa bị bản ngã bóp méo nên bạn có thể giao dịch demo khá thành công và chưa bị dính mắc vào phiền não.
Tới đây, có thể bạn cho rằng mình đã đủ kiến thức kinh nghiệm để tham gia thị trường một cách thực sự. Bạn bắt đầu giao dịch với tài khoản thật và có thể bạn gặp khá nhiều thuận lợi vì bạn ra quyết định vẫn dựa trên kiến thức chuyên môn thuần túy và các hình ảnh thắng lợi, cảm xúc tích cực tiếp tục được sao lưu vào ký ức (kiểu “cờ bạc đãi tay mới”). Bạn nhìn thị trường toàn “màu hồng” cho đến khi những thua lỗ đầu tiên được ghi nhận. Bấy giờ, vì thiếu tỉnh thức, bạn sẽ nhìn thị trường bằng con mắt khác, bằng các hình ảnh đã bị bóp méo kèm theo các cảm xúc vui buồn và ý thức sẽ làm việc thiếu sáng suốt. Điều này cũng giải thích tại sao khi cùng đối diện một con sóng lớn mà một trader lâu năm kinh nghiệm có thể giao dịch không hiệu quả bằng một trader mới vào nghề. Lý do là người trader lâu năm bị các “vết sẹo” trong tâm thức quá nhiều và bị cảm xúc đối kháng, sợ hãi khống chế nên anh ta phản ứng né tránh theo các hình ảnh quá khứ (tiến trình ý môn đơn thuần) trong khi người trader mới vào nghề chỉ phản ứng dựa trên kiến thức chuyên môn cơ bản. Thường thì các hình ảnh khởi lên tùy duyên tác động và các hình ảnh mới xảy ra có ấn tượng sâu sắc hơn (chứa đầy cảm xúc) sẽ là đối tượng ưu tiên cho tốc hành tâm phản ứng nắm giữ hay xua đuổi; trong khi các kiến thức chuyên môn thuần túy sẽ mờ nhạt, không được ý thức của bạn chọn lựa.
Bởi vì chúng ta có thói quen suy nghĩ quá nhiều trong cuộc sống hàng ngày nên các ý nghĩ về thị trường, về giao dịch thắng thua,... có thể khởi lên bất chợt ngay cả khi đang làm công việc khác. Khi ý môn thấy các hình ảnh giao dịch tiêu cực thì liền xuất hiện các phản ứng đối kháng, giải quyết gây căng thẳng, lo lắng, thậm chí mất ăn mất ngủ, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của trader.
Quá trình đan xen giữa tích lũy kiến thức và kinh nghiệm, trong đó chứa đầy rẫy các hình ảnh đã bị ô nhiểm bởi các phản ứng vô minh ái dục làm cho nội tâm trader trở nên quá phức tạp, giống như một bãi rác vậy. Nếu thiếu tỉnh thức, trader sẽ vô tình sử dụng chúng làm nguyên liệu để tiếp tục tạo ra phiền não cho chính mình và những người xung quanh.
No comments:
Post a Comment