HỌC HỎI VÀ RÈN LUYỆN
Có một câu chuyện kể như thế này:
“Hồi xưa có một ông thợ mộc đến cung điện đẽo bánh xe cho Đức Vua. Thấy Đức Vua đang trang nghiêm chăm chú đọc cái gì đó, bèn hỏi:
– Tâu bệ hạ, bệ hạ đang đọc cái gì vậy?
Vua đáp:
– À, trẫm đang đọc kinh điển của Thánh hiền.
Ông thợ mộc cười nói:
– Làm gì có chuyện đó, thưa bệ hạ! Đó chỉ là cặn bã của Thánh nhân mà thôi!
Vua tức giận:
– Này, này! Đừng có láo xược! Sao ngươi dám nói như vậy! Nếu giải thích không trôi thì trẫm chém đầu, rõ chưa?
Ông thợ mộc vẫn bình tĩnh, trình bày với Đức vua:
– Tâu bệ hạ! Thần có đứa con trai. Bởi thần là thợ mộc giỏi nên thần cố truyền nghề cho đứa con trai yêu dấu. Thần bảo nó cầm búa như thế này, cầm đục như thế này, đẽo như thế này, cưa như thế này... sự tinh xảo là ở những góc độ như thế này này.... Thần đã cố gắng cặn kẽ chỉ bày từng li từng tí, từng động tác một, từng bí quyết một. Vậy mà nó vẫn không học được hết những thiện xảo của thần muốn trao truyền. Đấy mới chỉ là cái nghề thợ mộc bình thường, huống chi cái chuyện “Thánh Nhân”. Thánh Nhân là cái gì tâu bệ hạ. Ôi! Cả một đời sống siêu phàm, nhận thức cao việt, trí tuệ minh triết, nghĩa là toàn bộ, tất cả cuộc đời phong phú, sinh động của một vị Thánh – chỉ được ghi trong vài hàng, vài câu ngắn gọn, khô chết của văn tự; đó là chưa kể phần nhiều là hư cấu, mà Đức Vua có thể hiểu được cả con người của vị Thánh sao, thưa Đức Vua?
Thế là nhà Vua phải công nhận kiến giải của ông thợ mộc là đúng.”
(Thực tại hiện tiền, Viên Minh)
Câu chuyện trên là một minh họa cho thực tế cuộc sống. Chúng ta có khuynh hướng lý giải sự tương đồng về tính cách, khả năng của một số ít trường hợp là do gen hay di truyền, trong khi bỏ qua sự dị biệt của hầu hết các cá thể trong gia đình, xã hội. Tôi thì thích một câu nói của ai đó, “Chúng ta là sản phẩm của chính mình” - là tổng hợp quá trình suy nghĩ, nói năng, hành động của mỗi chúng ta từ trước đến giờ. (Đạo Phật gọi là nghiệp)
Cùng một lẽ đó, chúng ta dễ thấy rằng các thần tượng trading không phải chỉ là những gì họ ghi chép lại. Tuy không ai giống ai nhưng họ đã phải trải qua một quá trình vật lộn với thị trường, trằn trọc với bản thân, liên tục điều chỉnh nhận thức và hành vi để đạt đến thành công. Do đó, tuy họ chỉ ra hướng đi cho bạn nhưng bạn cần phải tự đi, vấp ngã, đứng dậy chiêm nghiệm để tiếp tục đi. Mời bạn đọc thêm chia sẻ của một trader thực thụ, mô tả vấn đề này trong nghề trading:
“Một điều mà tôi thường khuyên mọi người về các “danh nhân” trong trading. Đó là chúng ta không bao giờ (xin nhấn mạnh câu này) làm được như họ. Cho dù người đó là Buffett, Soros hay là Darvas đi nữa. Mỗi chúng ta có một tư duy đặc biệt về lối nhìn đời, cách thức sinh sống. Từ đó mới tạo ra kiến thức cho mỗi cá nhân. Từ kiến thức đó chúng ta mới xài nó mà kiếm tiền nuôi bản thân. Soros, Buffett hay Darvas là những con người có kiến thức khác chúng ta. Họ làm giàu trong một thời điểm khác chúng ta. Mỗi thời mỗi khác. Bắt chước họ chưa hẳn là một phương cách thành công. Trên đời này bao nhiêu người đã sùng tín Buffett, hành động theo Buffett theo Soros, mua sách của Buffett/Soros về đọc, để rồi trở thành một Buffett thứ 2? Hay chỉ bằng 1/1000 của Buffett/Soros? Câu trả lời một cách khẳng định là: CHƯA. Darvas cũng thế. Không người thứ hai. Thế thì tại sao chúng ta lại cần họ? Trading rất là cá nhân (personal). Tại vì sao? Vì nó xuất phát từ kiến thức mà ra. Từ kiến thức đưa đến lập luận; từ lập luận đưa đến hành động. Hành động sẽ có đúng sai. Kiến thức sẽ giúp ta mài dũi hành động cho đến khi hoàn hảo. Trading là thế đấy. Khi kiến thức chúng ta chưa bằng thần tượng của mình thì làm sao mình có thể bắt chước được họ? Một trong những lỗi lầm của những người mới bước vào trading là kiếm một “bóng cây” để dựa. Nhưng từ từ họ sẽ nhận thức được rằng bóng cây kia chỉ là ảo. Tại sao là ảo? Tại vì mỗi thời điểm của market là khác nhau.” – VietCurrency
Bạn cũng nên hình dung trước là một người tham gia vào thị trường tài chính thường trải qua các giai đoạn tiêu biểu sau đây (thực tế luôn có sự đan xen):
- Thu thập kiến thức về thị trường: anh ta đọc các sách vở, tham dự các khóa đào tạo, học hỏi bạn bè, tìm hiểu các hệ thống giao dịch... Nếu may mắn, anh ta sẽ tiếp cận được kiến thức và kỹ thuật giao dịch phù hợp với bản thân ngay từ đầu.
- Hiểu thị trường: anh ta sẽ giao dịch giả định (demo), thử lại để kiểm chứng (backtest), sàng lọc các kiến thức thu thập được, thay đổi và trau chuốt hệ thống giao dịch sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Khả năng quan sát tinh tế và cách thức làm việc đối chiếu nghiêm túc sẽ giúp anh ta rút ngắn giai đoạn này.
- Hiểu bản thân: anh ta đã bỏ tiền thật vào để giao dịch, đối diện với bản thân mình, thấy rõ sự phi lý trong hành động của mình. Sự hiểu biết sâu sắc về tâm lý hành vi đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn này. Nếu đủ khôn ngoan, anh ta sẽ giao dịch với khối lượng rất nhỏ để giảm thiểu thiệt hại về vốn.
- Rèn luyện bản thân: anh ta tự đưa các các giải pháp cho các vấn đề của bản thân trong mỗi tình huống khác nhau. Sai lầm ngày càng ít đi là lúc anh ta bắt đầu có lợi nhuận tăng lên. Thời gian này dài hay ngắn phụ thuộc vào cá tính mỗi người và tính hiệu quả của các giải pháp.
***
1. Trước tiên với vấn đề HỌC HỎI, Đạo Trading đề xuất là chúng ta cần tập trung nắm vững các nguyên lý tổng quát ngay từ đầu để không mất phương hướng, sau đó tự quan sát, ghi nhận, đối chiếu để khám phá ra qui luật vận động của thị trường. Không quá tin vào kiến thức sách vở mà nên chú trọng học trực tiếp từ thị trường.
Khi bắt đầu một công việc mới mẻ, nhất là công việc trí óc, khuynh hướng chung của mọi người là thu thập nhiều kiến thức, tìm kiếm nhiều phương pháp, tham dự các khóa học khác nhau để có thể nhanh chóng làm chủ nó. Đây là một khuynh hướng học hỏi tự nhiên của con người, nhưng nếu không tỉnh táo chúng ta có thể sa vào tích lũy kiến thức nhiều quá mức cần thiết, không thiết thực cho công việc. Lúc đó, nó chỉ là biểu hiện của lòng tham.
Trading là nghề nghiệp mà đa phần tham gia là giới trí thức nên vấn đề tích lũy kiến thức thường trở nên nghiêm trọng, sẽ tiêu phí thời gian và làm người ta chìm đắm vào đó. Không may là lúc mới vào thị trường, ít người nhận ra rằng trading là một nghề đặc biệt chứa rất nhiều nghịch lý nên tích lũy kiến thức đôi khi lại là chướng ngại cho sự thấy biết trong sáng, che lấp khả năng quan sát cảm nhận.
“Kiến thức rất cần trong sinh hoạt đời sống xã hội, bởi chính xã hội qui định ra nó, nhưng đó không phải là trí tuệ. Kiến thức có thể là cái dụng của trí tuệ khi xuất phát từ thấy biết như thật và trong sáng. Kiến thức nào vay mượn từ bên ngoài chỉ có thể xác thực khi được kiểm chứng qua trải nghiệm thực kiện. Nếu chỉ là khái niệm thôi thì nó sẽ chướng ngại cho trí tuệ. Thấy biết trong sáng luôn có đó nhưng bị khái niệm, tư tưởng, quan niệm chủ quan v.v... che lấp quá nhiều đến nỗi không thấy được sự thực.” - Thiền sư Viên Minh
Theo quan điểm của Đạo Trading thì nghề này giống với một nghề lao động giản đơn nhiều hơn, mặc dù thoạt nhìn nó có vẻ mang tính tư duy rất cao. Nếu bạn hành nghề thợ mộc, thợ sắt hay thợ may, bạn không cần phải biết quá nhiều kiến thức và suy diễn mông lung. Bạn chỉ cần siêng năng, chú tâm, quan sát vào công việc đang làm thì bạn có thể thành bậc thầy trong nghề. Nó đòi hỏi sự thành thạo chứ không phải sự phô diễn về trình độ hay kiến thức.
Để có thể tập trung đúng hướng và sử dụng thời gian một cách hiệu quả, một người quan tâm học nghề theo phương cách trình bày ở đây nên lưu ý các vấn đề sau:
- Không sa đà vào tích lũy kiến thức ngoại trừ những kiến thức cơ bản; luôn giữ sự tỉnh táo để tránh vướng mắc vào bẫy tư duy, tranh luận vô bổ. Trong quá trình làm việc, người ta thường bị thu hút vào việc học phân tích kỹ thuật, phân tích cơ bản (hoặc kết hợp cả hai) và mỗi khi thất bại, họ tiếp tục đi tìm kiếm kiến thức, phương pháp mới lạ mà ít khi thừa nhận nguyên nhân chính là do vấn đề tâm lý gây ra.
- Không theo đuổi con đường thiết lập các hệ thống, phương pháp giao dịch, chỉ báo... cứng nhắc. Phương pháp tạo ra khuôn mẫu và bạn sẽ có khuynh hướng ép thực tại vào cái khuôn mình tạo ra; điều này sẽ giới hạn bạn khi đối diện với thực tế biến hóa liên tục của thị trường.
- Quan sát giá và ghi nhận cẩn thận. Thị trường là người thầy tốt nhất và chính bản thân nó sẽ tiết lộ mọi thứ về hướng đi sắp tới của nó. Mọi dấu hiệu biến đổi đã được ghi lại đầy đủ trên đồ thị và bạn nên học cách phán đoán thị trường dựa trên hành động của chính nó. Nếu thường xuyên đánh dấu và ghi nhận trên đồ thị một cách kỹ lưỡng, thận trọng như một nhân viên phòng thí nghiệm thì sau một thời gian bạn sẽ dần dần phát triển khả năng quan sát tinh tế và cảm nhận thị trường.
- Bỏ tiền vào học thực tế. Sau khi đã nắm vững các kiến thức cơ bản và đã có những kinh nghiệm của riêng mình, bạn nên bỏ một số tiền nhỏ vào để học và xem đó là học phí. Bạn sẽ thấy ra được các chướng ngại thực sự trong nghề trading nằm trong chính bản thân bạn. Hãy quan sát chúng. Đây cũng chính là điều mà J.Livermore đã chia sẻ: “Cách duy nhất mà bạn có được sự đào tạo trong thị trường là hãy bỏ tiền vào, theo dõi giao dịch của mình và nghiên cứu các sai lầm”.
Nếu bạn thực sự tin tưởng rằng không cần đến kiến thức rộng lớn uyên thâm và chỉ bằng cách làm việc giản đơn trên nền tảng sự quan sát ghi nhận mà vẫn có cơ hội thành công trong nghề trading thì bạn đã may mắn vượt qua giai đoạn đầu, tức là cái bẫy thu thập kiến thức.
* * *
2. Trong khi kiến thức cơ bản trong nghề trading không nhiều thì quá trình RÈN LUYỆN thực sự là một thách thức. Rèn luyện ở đây có thể hiểu là một quá trình điều chỉnh nhận thức và hành vi liên tục. Thông thường, khi bắt đầu tiếp xúc một vấn đề, hầu hết chúng ta có cái nhìn phiến diện, một phía, một chiều nên có thể phạm sai lầm hoặc chỉ giải quyết được một phần vấn đề. Khi sự việc tương tự tái diễn, chúng ta bắt đầu nhìn rõ hơn và giải quyết tốt hơn, dần dần sẽ đi vào cốt lõi và giải quyết gốc rễ vấn đề. Do đó, dù được chỉ bày hay không thì mỗi người sẽ dần dần nhận ra sai lầm và điều chỉnh nhận thức và hành vi theo cách của riêng mình, có thể nhanh hay chậm.
Một khó khăn lớn nhất trong quá trình rèn luyện là bạn thường xuyên phải làm việc đơn độc, đối diện với thị trường và chính bản thân mình (ở đây chỉ đề cập đến trader nhỏ lẻ, làm việc độc lập). Một ý chí mạnh mẽ có thể giúp bạn vượt qua những suy nghĩ tiêu cực, nhưng quan trọng hơn là nếu bạn chú trọng vào công việc chứ không mong ngóng kiếm tiền thì bạn sẽ thấy ra cái hay của thị trường, thấy ra ý nghĩa trong quá trình hoàn thiện bản thân và con đường đi sẽ bình yên hơn rất nhiều.
Người ta cho rằng chúng ta thường phải trải qua 5 năm để chứng tỏ khả năng tồn tại trong nghề này và để thành thạo một công việc nào đó, người ta cũng ước tính cần bỏ ra khoảng 10.000 giờ luyện tập (nguyên tắc 10.000 giờ- Malcolm Gladwell). Điều đó có nghĩa là chúng ta phải làm việc 10 giờ mỗi ngày và liên tục 5 năm cho một công việc duy nhất là quan sát ghi nhận biến đổi giá trong thị trường và điều chỉnh hành động cho phù hợp. Thử thách này cũng không phải là khó khăn nếu so sánh với việc hoàn tất một chương trình 5 năm đại học nhưng chướng ngại lớn nhất ở đây là bạn phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tài chính và có được sự ủng hộ của người thân trong giai đoạn theo đuổi nghề này. Ngoài ra, cũng nên nhớ rằng bạn đang trong quá trình học nghề và chỉ được giao dịch với số vốn nhỏ để học phí của bạn là tiết kiệm nhất.
Thực ra là có những trader thành công chỉ sau một thời gian ngắn nhưng bạn không nên tự nhận mình là một trong số đó. Như chúng ta đã biết, điều kiện để thành công trong nghề trading chủ yếu là dựa vào khả năng quan sát cảm nhận thị trường và phụ thuộc mức độ tỉnh táo trước mọi thúc giục tham lam, giận dữ nên không có thời hạn nhất định để thành công cho mỗi người. Nếu một người trước nay thường sống trong ảo tưởng, thiếu tỉnh thức, thích tranh luận hơn thua, tích lũy kiến thức, thành kiến cố chấp,.. thì con đường anh ta đi cần phải mất nhiều thời gian hơn.
Về mặt kỹ thuật, chúng ta cần kiên trì rèn luyện kỹ năng đọc hiểu thị trường thông qua chú ý quan sát ghi nhận tỉ mỉ bằng các công cụ phù hợp. Đây là quá trình thử sai liên tục, từ chỗ là nạn nhân của cạm bẫy thị trường rồi phát hiện sớm để tránh xa chúng và tiếp đến là khai thác chúng. Chúng ta không nên lạm dụng nhiều công cụ hỗ trợ khi quan sát nhận định thị trường bởi vì chúng có thể che mờ diễn biến thực và làm cho phân vân, căng thẳng khi các chỉ báo xung đột nhau. Hãy quan sát giá cả biến động thật đơn giản và trực tiếp. Tôi thích câu nói của Timothy Morge, “Đôi mắt tôi là công cụ tốt nhất”.
Rèn luyện trong nghề trading bao gồm cả đức tính kỷ luật và kiên nhẫn. Đây là những phẩm chất quyết định trong nghề nghiệp, có gốc rễ phức tạp và là những nguyên nhân gây ra hầu hết sai lầm dẫn đến thua lỗ thất bại.
Al Brooks có đề cập đến vấn đề kỷ luật trong trading khá thú vị. Theo ông, kỷ luật đơn giản là làm những điều đúng mà bạn không muốn làm. Tất cả chúng ta đều tò mò về mặt trí tuệ và khuynh hướng tự nhiên là thử các điều mới mẻ hoặc khác nhau. Ngoài ra, phải duy trì tính kỷ luật chặt chẽ dựa trên các qui tắc có tính linh hoạt thực sự là khó khăn. Al Brooks cũng so sánh nghề trading với công việc của lính cứu hỏa: bạn phải tập luyện, luôn chờ đợi sẵn sàng và hành động thật nhanh gọn, chính xác khi có hỏa hoạn xảy ra.
Tính kiên nhẫn thì cần thiết trong mọi mặt của nghề trading như kiên nhẫn học hỏi, kiên nhẫn giao dịch khối lượng nhỏ đến khi thắng ổn định, kiên nhẫn chờ đợi những cơ hội tốt nhất, kiên nhẫn trước những thua lỗ, kiên nhẫn trước những lời lẽ quá khích...
Tuy nhiên, bằng trải nghiệm thực tế bạn sẽ thấy rằng kiên nhẫn và kỷ luật là những vấn đề được nói đến rất nhiều nhưng lại rất khó thực hiện. kiểu như “nhớ ai như nhớ thuốc lào, đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”. Bởi vì những vấn đề này có gốc rễ sâu thẳm trong tâm thức con người nên giải quyết bằng những biện pháp đối trị bề mặt sẽ ít có hiệu quả. (Tôi sẽ trình bày tiếp ở phần sau.)
* * *
3. Để có một cái nhìn tổng hợp về quá trình học hỏi và rèn luyện trong nghề trading, tôi xin giới thiệu bài viết tư vấn của Ziad Masri (sáng lập OpenTrader) để chúng ta tham khảo:
“Trading luôn bao hàm sự mơ hồ cùng với lẫn lộn. Nó dường như đồng hành với sự không thoải mái. Nó dường như không có một câu trả lời chính xác về khi nào giao dịch hoặc không, hoặc một giao dịch có xác suất cao thực sự là gì, và phải chấp nhận như vậy. Nó dường như là các ngoại lệ của các qui tắc. Nó như là nghịch lý. Nó như là sự không chắc chắn. Thế nhưng người ta muốn làm cho nó đơn giản. Họ muốn giảm nó xuống chỉ còn vài đòn thế (setup) để tiện cho việc giao dịch có kỷ luật. Thị trường không đơn giản như vậy. Nó bao gồm sự không chắc chắn, sự mơ hồ và phức tạp. Các đòn thế đơn giản sẽ không bao giờ thể hiện hết được và chúng không bao giờ cho bạn một lợi thế lâu dài thực sự.
Như vậy, giải pháp là gì? Phải chăng vấn đề ở chính bản thân các đòn thế? Không, nó nằm ở chỗ là chúng được sử dụng như thế nào. Điều then chốt là mọi trader cần học cách đọc thị trường. Điều này có nghĩa là các qui tắc đơn giản sẽ không làm được, mà phải có sự tổng hợp các yếu tố khác nhau (cho dù chúng là mẫu hình, mẫu nến, các chỉ báo hay cái gì đi nữa) và phải có được sự cảm nhận cái đang là (real-time). Nó gần như là bức tranh sống động. Một khi bạn có thể đọc thị trường thì bạn có thể chọn cách khai thác các đòn thế “đơn giản” để vào lệnh và thoát lệnh. Công việc thực sự của bạn là phiên dịch thị trường để thấy khi nào bạn nên sử dụng đòn thế nào. Bắt gặp nến đuôi dài gần mức cản dưới sẽ không có ý nghĩa nhiều nếu bạn không nhận diện bức tranh rộng hơn và cảm nhận loại chiến thuật nào bạn sẽ sử dụng, lợi thế gì cho các kịch bản khác nhau.
Hiện giờ, tôi biết bạn và hầu hết những người khác không chú trọng vào vấn đề trên mà dồn sự tập trung vào các đòn thế. Bạn không đọc thị trường theo từng phút, từng giờ, rồi hình dung ra sự khác nhau nếu làm điều này, điều nọ. Bạn không có thái độ thích ứng, linh động, suy nghĩ về các tình huống giao dịch từ mọi quan sát của mình khi bắt đầu ngày mới. Bạn thường chỉ chờ đợi đòn thế đơn giản nào đó xuất hiện rồi chộp lấy nó.
Chắc chắn là bạn sẽ thấy dễ dàng hơn về cảm xúc khi chờ đợi các đòn thế rõ ràng và giao dịch theo cách đơn giản này. Nhưng ai dám nói là “sự dễ dàng” sẽ giúp bạn kiếm tiền. Tôi đã học nhiều thứ, nhưng kiếm được tiền của thị trường quả là điều khó khăn. Nó khó vì có sự mơ hồ bao quanh việc đọc thị trường của bạn. Nó khó vì sự không chắc chắn. Nó khó vì phải giải quyết các tín hiệu cạnh tranh nhau và đôi khi xung đột nhau. Và đây là mối quan tâm chính: bạn phải ngừng đòi hỏi những thứ thật rõ ràng. Và dĩ nhiên khó mà giữ kỷ luật khi xung quanh có quá nhiều sự không chắc chắn. Nhưng thay vì cố gắng lẩn tránh sự không chắc chắn thông qua việc tìm kiếm các đòn thế đơn giản hoặc một phương pháp không rắc rối nào đó, bạn hãy luyện tâm trí để có thể giải quyết sự không chắc chắn đó.
Về cách học hỏi để thực hiện điều này, quan trọng nhất là bạn phải thường xuyên đặt tâm trí vào thị trường, cố gắng hình dung sự việc và học từ kinh nghiệm. Đối với tôi, điều tôi làm mỗi ngày và mọi ngày là ghi chép nhật ký tất cả các động thái (action) của thị trường, suy nghĩ của tôi về ý nghĩa các động thái đó, cách thức nên giao dịch, điều gì sẽ cho kết quả và điều gì không. Tôi không ghi nhật ký mô tả các giao dịch đã thực hiện hay cảm xúc như thế nào trong ngày. Điều quan tâm nhất chỉ là động thái của thị trường và tất cả cảm nhận và lý giải của tôi. Ngày qua ngày, tuần qua tuần, rồi các sai lầm: vào lệnh sai, dấu hiệu không rõ, không biết giao dịch kiểu gì, không biết quan điểm của mình có ý nghĩa không..., và tôi tiếp tục ghi chép học hỏi. Rồi tôi xem lại đồ thị, kết hợp đồ thị intraday và ghi nhận lại những hành vi nhất định. Qua thời gian, công việc này cho tôi “cảm giác” về thị trường, sự hiểu biết đích xác về các dạng giao dịch và các dấu hiệu tinh tế hé lộ trong mỗi bức tranh thị trường.
Về phần các đòn thế, tôi không sử dụng bất kỳ dạng được định nghĩa trước nào. Tôi chỉ hình thành ý định giao dịch và cố gắng vào lệnh tại các vị trí giao dịch tốt. Ngay cả điều này, nghệ thuật vào ra lệnh cũng rất là phức tạp và không dễ làm. Tôi bắt đầu nhận ra rằng trong một số tình huống thì tốt nhất là nên đợi cú hồi lại (pullback), trong khi một số khác thì tốt nhất vào thị trường ngay nếu không sẽ lỡ nhịp, hoặc khi khác thì phải mua thấp bán cao (...)
Ngay bây giờ, sự học hỏi của bạn đang bị trì trệ bởi vì bạn không thực sự nghiên cứu thị trường. Thời gian của bạn đang bị bị lãng phí ở tình trạng chờ đợi, mà không trong tiến trình quan sát và hấp thụ. Hơn nữa, do sợ hãi thua lỗ, bạn không muốn trải nghiệm tiếp. Điều này có nghĩa là bạn không muốn bị mắc lỗi và thua lỗ nhiều lần trong khi đây chính là điều kiện cần thiết giúp cho việc học hỏi được nhanh chóng.
Do đó, để kết luận, lời khuyên của tôi là bạn nên ngừng giao dịch và thay đổi tư duy càng sớm càng tốt. Hãy nhận thức rằng điều bạn cần làm để thành công không phải là trên con đường không hiệu quả mà bạn đang đi. Bạn sẽ chỉ dậm chân tại chỗ trừ khi bạn có sự thay đổi phương pháp học hỏi và có hướng tập trung đúng đắn. Và nếu bạn nghĩ chặng đường này quá khó khăn thì có nghĩa là đến giờ bạn vẫn chưa thấy gì. Hãy sẵn sàng đối diện với sự mơ hồ và không chắc chắn mà bạn chưa từng thấy trước đây, nó không đáng sợ! Nó rất lý thú vì nó là trọng tâm của nghề giao dịch và đó là lý do tại sao giao dịch được gọi là một nghệ thuật. Nếu không, trading vẫn chỉ là một giấc mơ xa vời, có vẻ như rất gần nhưng lại rất xa.
Bạn cần phải điều chỉnh mình theo lối tư duy mới và bắt đầu lại từ giao dịch giả định (demo). Chấp nhận thua lỗ. Gặp sai lầm. Không manh mối. Đừng e ngại về nó. Rồi sẽ ổn thôi, bạn sẽ tiến triển.”
4. THÀNH THẠO
Trước hết, chúng ta nên phân biệt có sự khác nhau giữa thói quen và thành thạo, mặc dù thoạt nhìn chúng có vẻ khá giống nhau. Khi thiếu tỉnh thức, chúng ta thường suy nghĩ rập khuôn, hành động máy móc và lâu ngày hình thành thói quen. Trong khi đó, thành thạo đòi hỏi sự chú tâm, trọn vẹn với suy nghĩ hành động đang diễn ra.
Trong trading, khi bạn đọc được ngôn ngữ thị trường một cách trôi chảy và luôn có sự chú ý để hiểu nó thì đó là sự thành thạo. Khi theo dõi biến động giá cả, tâm bạn không bị kẹt vào đâu cả, không chấp vào các công cụ, mẫu hình, mẫu nến mặc dù bạn không bỏ sót bất kỳ cử động của chúng. Thế thì, trong hành động, bạn sẽ đạt được sự linh hoạt cùng nhịp với thị trường, từ cách đi tiền (khi nhiều khi ít) cho đến cách vào lệnh hay thoát lệnh, khi đón lõng khi đua lệnh.
Mức độ thành thạo trong nghề trading được DbPhoenix mô tả như sau:
“Ở mức độ này, trader đạt đến trạng thái giao dịch gần như là thiền (Zen). Anh ta dành riêng thời gian để lập kế hoạch, phân tích, nghiên cứu. Khi một ngày giao dịch bắt đầu, anh ta đã sẵn sàng, điềm tĩnh, thư giãn và tập trung.
Giao dịch trở nên không cần gắng sức. Anh ta hoàn toàn quen thuộc với kế hoạch của mình. Anh ta biết chính xác điều sẽ làm trong mỗi tình huống cụ thể, ngay cả thoát lệnh ngay lập tức khi diễn biến thị trường không như mong đợi. Anh ta hiểu rằng thua lỗ chắc chắn là phải có trong quá trình giao dịch. Không ai có thể làm tổn thương anh ta bởi anh ta có các qui tắc và kỷ luật đúng đắn để bảo vệ mình.
Anh ta nhạy cảm và hòa nhịp với sự thăng giáng của thị trường và phản ứng tự nhiên theo nó ... luôn sẵn sàng ứng phó. Anh ta không cần phải biết thị trường sẽ làm gì tiếp theo bởi vì anh ta biết cách xử lý với bất kỳ tình huống nào mà thị trường đưa ra và tự tin về khả năng phản ứng đúng đắn của mình.
Anh ta hiểu và rèn luyện khả năng bất động nhưng tích cực, biết chính xác điều mình muốn, điều mình đang tìm kiếm và chờ đợi một cơ hội đúng nghĩa một cách thật kiên nhẫn. Một khi cơ hội đó xuất hiện, anh ta hành động quyết đoán, không do dự và lại tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi cơ hội tiếp theo.
Anh ta không tự thuyết phục bản thân là mình đúng. Anh ta quan sát biến động của giá và rút ra kết luận của mình. Khi hành vi thị trường thay đổi, anh ta cũng thay đổi chiến thuật của mình. Anh ta chấp nhận biến động giá là sự thật cuối cùng. Anh ta không cố tỏ ra thông minh hay giỏi hơn thị trường.
Theo một nghĩa nào đó, anh ta ở bên ngoài chính mình, hành động như là huấn luyện viên của mình, tự hỏi các câu hỏi và tự giải thích mà không cố hợp lý hóa các điều chưa đến hoặc điều đang làm, luôn nhắc nhở bản thân về cái này cái nọ, giữ cho tập trung, có trọng tâm, tránh xao nhãng. Anh ta không phấn khích về các giao dịch thắng cũng không buồn chán về các giao dịch thua. Anh ta chấp nhận giá di chuyển theo kiểu của nó và thị trường là như vậy. Kết quả giao dịch không có liên quan gì đến giá trị của bản thân.
Chính trong giai đoạn này (mastery), trực giác bắt đầu tự biểu hiện ra. Có thể nó không xảy ra thường xuyên nhưng anh ta bước đầu đã “nếm” được nó và xây dựng lòng tin vào đó.
Và đến cuối ngày, anh ta xem xét lại công việc, thực hiện vài điều chỉnh cần thiết (nếu có) rồi bắt đầu chuẩn bị cho ngày tiếp theo, hài lòng với bản thân vì đã giao dịch tốt.”
Qua phần này, chắc bạn đã hiểu rằng sự thành thạo mà tôi muốn nói ở đây là kết quả của quá trình “thực chiến” trước sự bủa vây của sự dính mắc, cố chấp, si mê, cẩu thả có sẵn trong bản tánh con người...Chính vì vậy, chúng ta không được hấp tấp mà cần phải sử dụng thông minh nguồn vốn ít ỏi của mình để kéo dài thời gian và có đủ cơ hội luyện tập đến khi thành thạo. Tôi thấy lời khuyên sau đây rất chính xác cho đa số chúng ta:
“Nếu có lợi nhuận THẤP, nhưng được SỐNG THỌ là một điều đáng quí. Sống càng thọ thì lợi nhuận càng nhiều. Đó là cái chìa khóa của trading đó. Đừng ham ăn nhiều và ăn nhanh. Ăn nhiều = risk nhiều. Risk nhiều = dễ chết. Tại sao? Tại vì tất cả chúng ta chỉ có bao nhiêu tiền ấy thôi. Hết rồi là phải rời bỏ cuộc chơi. Nếu trở lại thì phải bỏ rất nhiều thời gian để lấy lại những gì mình đã mất.” - VietCurrency
Cuối cùng thì trading mang tính nghệ thuật (tức mang tính con người) nên không thể tự động hóa hoàn toàn được; bởi nếu thế thì trading đã chết và không còn sự học hỏi nữa. Thói quen luôn mang tính máy móc nhưng sự thành thạo sẽ giúp chúng ta thành công trong lãnh vực nghệ thuật.
***
Qua phần trình bày ở trên, tôi hy vọng đã giúp bạn hiểu nghề trading một cách bao quát, từ nguyên lý, kỹ thuật cho đến phương pháp học hỏi, rèn luyện. Tuy nhiên, khi giao dịch thực tế, chúng ta sẽ nhận ra các cảm xúc lo lắng, sợ hãi, tham lam... luôn luôn xuất hiện thúc giục và khống chế, khiến chúng ta hành động một cách phi lý mà không sao hiểu nổi. Đây chính là những vấn đề mang tính quyết định thuộc về tâm thức con người, quan trọng hơn các kiến thức về thị trường rất nhiều, sẽ được trình bày ở phần tiếp theo (hiểu mình). Chúng ta cần phải quay vào bên trong, nhìn vào tâm thức mình, hóa giải chúng mới có cơ hội chinh phục cái nghề hung hãn này.
Xem phần 8: 5 Bước trở thành Trader
Xem phần 8: 5 Bước trở thành Trader
No comments:
Post a Comment