ĐĂNG KÝ EXNESS - SÀN UY TÍN NHẤT HIỆN NAY

Tuesday, December 10, 2019

Đạo trading - Phần 16: Các vấn đề nan giải về tâm lý trong trading!


CÁC VẤN ĐỀ NAN GIẢI VỀ TÂM LÝ TRONG TRADING



1. KIÊN NHẪN VÀ KỶ LUẬT



Từ kiên nhẫn (patience) có nhiều nghĩa hơi khác nhau tùy theo từng ngữ cảnh. Khi thì nó có nghĩa kiên trì, không bỏ cuộc; khi thì không quá nóng lòng chờ kết quả, cứ bình tĩnh chờ thời gian đến; khi thì có nghĩa nhẫn nại, nhẫn nhịn, nhẫn nhục, kham nhẫn... Một người thiếu kiên nhẫn
thường sẽ mong mỏi sự việc xảy ra theo như ý mình. Anh ta chỉ nghĩ đến những suy nghĩ, dự định của mình mà quên rằng nó còn phụ thuộc nhiều nhân duyên liên hệ khác. Ngược lại, người kiên nhẫn có cái nhìn tổng thể hơn, thấy sự vật thay đổi, chuyển động và trôi theo dòng chảy, và nếu sự việc xảy ra không như dự tính thì người ấy cũng có thể nhìn nó như một phần của dòng đời lên xuống, “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” mà thôi.

Trong nghề trading, tôi thấy sự quan trọng của tính kiên nhẫn xuyên suốt quá trình làm việc. Người kiên nhẫn trở nên nhận biết khoảng thời gian cần thiết để thuần thục trong nghề, nhận biết các giai đoạn cần phải trải qua và chỉ chú trọng luyện tập để hoàn thiện mình. Khi xác định rằng nghề này đòi hỏi phải trải nghiệm thực tế trong vài năm giống như thời gian hoàn tất một chương trình đại học thì bạn sẽ không nóng vội và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tài chính.

Kiên nhẫn trong nghề cũng là kiên trì, bền bỉ làm việc học hỏi thị trường qua ngày tháng. Bạn sẽ kiên trì theo đuổi công việc vượt qua định kiến xã hội, chấp nhận làm việc độc lập (nhưng không phải kiểu say mê, nghiện ngập); bạn kiên nhẫn lắng nghe, quan sát, ghi chép về thị trường đều đặn; bạn kiên nhẫn giao dịch khối lượng thật nhỏ cho đến khi thuần thục.

Kiên nhẫn trong nghề cũng là khả năng chế ngự thân tâm trước những xung động quá mức hay những tình cảm bốc đồng, không những chỉ sân hận mà cả tham lam, ngạo mạn, ích kỷ, tật đố v.v... đã tập nhiễm lâu ngày. Đây là loại kiên nhẫn ở mức độ sâu sắc mà trader khó đạt được. Nếu một trader đang thua, anh ta mang trong mình cảm giác khó chịu nên cố gắng xua đuổi nó (phi hữu ái) và trở lên mất kiên nhẫn. Nếu đang thắng, anh ta có thể bốc đồng, tham lam muốn nhiều hơn (hữu ái), không kiên nhẫn chờ đợi các cơ hội tiếp theo và dẫn đến những hành động giao dịch dễ dãi. Hoặc có thể do ưa thích cảm giác mạnh (dục ái) mà lăng xăng giao dịch quá độ, không thể đợi đến khi xuất hiện tín hiệu giao dịch tốt…

Trader không có sự nhẫn nại là do chấp vào cái ta, nên như Thiền sư Viên Minh nói: “nhẫn nại hoàn hảo nhất là hoàn toàn buông cái ta đối kháng. Khi trí tuệ thấy rõ trật tự vận hành tự nhiên của pháp trong quan hệ nhân quả nghiệp báo, bạn bắt đầu tinh tấn sống thuận pháp, không quá nỗ lực, cũng không buông lung. Tuy nhiên, khi gặp phải khó khăn gian khổ bạn thường phản ứng theo thói quen đối kháng hoặc trốn chạy, từ chối đón nhận sự thật. Nhưng chính phản ứng đối kháng hoặc chạy trốn này càng làm gia tăng áp lực của sự gian khó, và tất nhiên đưa đến căng thẳng, phiền não và khổ đau. Vì vậy, người có trí tuệ biết nhẫn nại để thoát ly cái ta bất bình, đối kháng. Nghịch cảnh không đem đến khổ đau mà chính cái ta nóng nảy không nhẫn nại mới tạo ra đối kháng rồi lãnh lấy hậu quả là lo âu, sợ hãi, khổ đau và phiền muộn. Cho nên, mỗi khi gặp phải tình huống khó khăn nguy hiểm, bạn càng căng thẳng nôn nóng muốn thoát khỏi nó bao nhiêu càng làm cho vấn đề khó khăn phức tạp và khó chịu đựng hơn bấy nhiêu. Thái độ tốt nhất là bình tĩnh nhẫn nại thì áp lực sẽ không phát sinh, còn nếu đã phát sinh thì nó sẽ tự hóa giải.

Mục đích của nhẫn nại không phải để vượt qua gian khó, mà là thoát khỏi sự bồn chồn, nóng nảy của cái ta đối kháng. Bạn không thể vượt qua mọi khó khăn trong đời sống. Có những khó khăn mà bạn phải đón nhận và chung sống hòa bình suốt đời. Ngay khi bạn khởi lên ý muốn vượt qua gian khó là bạn đã dựng lên chướng ngại cho mình. Chướng ngại lớn nhất chính là cái ta của bạn. Nó chỉ biết làm sao có lợi cho mình mà không thấy nguyên lý vận hành của sự sống. Cho nên nó luôn tìm cách phản kháng cái không thích, và đòi được cái vừa lòng. Chính vì thái độ lăng xăng đó cái ta tự tạo ra bất an trong khi luôn muốn được bình an!”



Một vấn đề lớn khác trong nghề là trader luôn phá vỡ kỷ luật đã đặt ra. Có người nói đùa rằng đối với nghề trading “kỷ luật sinh ra là để bị phá vỡ” mà đây lại là sự thật. Nhìn sâu một chút, chúng ta thấy rằng kỷ luật chính là các biện pháp cụ thể đặt ra nhằm kiềm chế bản ngã, hỗ trợ cho trader tăng thêm kiên nhẫn. Tuy nhiên, khi sự đối kháng (sân), dính mắc (tham) hay lăng xăng (si) trong công việc đủ mạnh thì chúng sẽ dễ dàng vượt khỏi vòng kiểm soát của ý thức, làm cho trader không còn vận dụng được các hiểu biết chuyên môn để giao dịch hiệu quả.

Do đó, nếu không có được may mắn làm việc trong một môi trường tổ chức mang tính chuyên nghiệp cao thì bạn sẽ gặp nhiều khó khăn khi tự áp dụng kỷ luật cho chính mình nếu không hiểu bản chất của nó. Kỷ luật tự giác (self-discipline) – như Henepola Gunaratana nói - “là một nghệ thuật nhìn thấu được cái tính chất rỗng tuếch của những cảm xúc trong ta, và thấy xuyên qua được những bí mật của chúng. Chúng không còn khả năng khống chế ta được nữa. Tất cả chỉ là một vở tuồng, một sự dối lừa.

Những cảm xúc ấy, chúng thôi thúc ta, hung hăng với ta, chúng phỉnh phờ, dụ dỗ ta, đe dọa ta, nhưng thật ra chúng hoàn toàn rỗng tuếch. Ta tuân phục chúng chỉ vì thói quen mà thôi. Ta chịu thua vì ta không bao giờ chịu khó nhìn xuyên qua chúng.

Nhưng chỉ có một cách duy nhất để khám phá ra điều ấy, mà những chữ in trên trang giấy này không thể làm được. Bạn chỉ cần ngồi xuống và nhìn vào bên trong, quán sát những gì sinh khởi: bất an, lo lắng, vọng động, đau đớn… Chỉ cần nhìn và theo dõi, và đừng tham dự vào. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy rằng chúng tự động biến đi mất. Nó sinh lên, nó diệt đi. Rất đơn giản.

Thật ra có một chữ khác để dùng thay cho kỷ luật tự giác, đó là sự kiên nhẫn!”




Như vậy, hai vấn đề nan giải của trader là kiên nhẫn và kỷ luật chung qui lại vẫn có nguồn gốc từ cái bản ngã mong muốn trở thành, không bằng lòng với hiện tại, chạy ra khỏi cái đang là, càng mong muốn thì càng đánh mất thực tại, càng mất kiên nhẫn và không thể giữ được kỷ luật. Nếu tỉnh thức, trọn vẹn với cái đang là (being) thì “nó sao, mình vậy”, không bị lôi kéo bởi cái “cho là, sẽ là, phải là” (becoming) thì không phải “chịu đựng” thực tại nữa. Khi đó thì thời gian tâm lý bằng 0 và không cần đến sự kiên nhẫn mà vẫn có kiên nhẫn vô cùng, không đặt ra kỷ luật mà vẫn có kỷ luật hoàn hảo. Cho nên, cách hóa giải các vấn đề này cũng chính là thiền vipassana đã nêu ở trên.



2.TRỰC GIÁC



Một khả năng mà các trader chuyên nghiệp luôn tìm kiếm, đó là trực giác. Trực giác cho họ có khả năng phản ứng chính xác đến mức kỳ lạ, nhưng chỉ thoáng qua, khi ẩn khi hiện và không phải ai cũng kinh nghiệm được. Albert Einstein đã mô tả nguồn gốc của trực giác như sau: “Một ý tưởng mới thình lình xuất hiện và đúng ra là theo cách trực giác, nhưng trực giác chẳng là gì ngoài kết quả của những trải nghiệm trí thức trước đó” (A new idea comes suddenly and in a rather intuitive way, but intuition is nothing but the outcome of earlier intellectual experiences).

Trực giác là một vấn đề thuộc tâm trí con người, rất khó nắm bắt nên chỉ có một ít người trực tiếp quan sát được chúng mới khám phá được. Tôi nhận thấy mô tả của Thiền sư Nyanaponika có thể giúp chúng ta hiểu rõ về nó:

“Trực giác không phải là một món quà cho không, biếu không. Cũng như các khả năng tâm linh khác, nó sanh khởi lên từ những nhân duyên, điều kiện nhất định. Trong trường hợp này, nhân duyên chủ yếu là bộ nhớ lưu trữ những suy nghĩ và nhận thức trong tiềm thức. Hiển nhiên, những ký ức là mảnh đất màu mỡ để trưởng dưỡng trực giác phải là những ký ức có cường độ mạnh, rõ nét và có nhiều đặc tính khác biệt; bởi vì đó là những ký ức dễ tiếp cận nhất. Ở đây cũng vậy, mối quan hệ nhân duyên của đối tượng nhận thức được lưu trữ trong ký ức có đóng góp rất lớn. Những hồi ức loại này có tính liên kết lớn hơn những sự kiện riêng rẽ, rời rạc và mơ hồ; và chúng sẽ tham gia tạo dựng những hình thái ý nghĩa mới một cách dễ dàng hơn. Những hình ảnh hồi ức rõ ràng này sẽ là những nhân tố kích thích và trợ giúp mạnh mẽ cho trực giác. Trong những tầng sâu kín của vô thức, công việc thu thập và tổ chức vật liệu: bao gồm tri thức và kinh nghiệm nhận thức, vẫn tiếp tục diễn ra một cách thầm lặng cho đến khi nó chín muồi và nổi lên thành trực giác. Sự bùng nổ trực giác ấy đôi khi bắt nguồn từ những sự kiện hết sức thường tình. Tuy nhiên, mặc dù có vẻ là thường tình, song những sự kiện đó lại có khả năng liên tưởng, kết nối mạnh nếu trước đó chúng đã là đối tượng của sự chú ý liên tục. Công năng làm chậm và tạm dừng của ghi nhận thuần túy sẽ làm bộc lộ những chiều kích sâu sắc của những sự việc đơn giản trong cuộc sống đời thường, và do đó cung cấp tác nhân kích thích cho trực giác phát triển.




Điều này cũng được áp dụng với trí tuệ trực giác chứng nghiệm chân lý Tứ Thánh Đế (bốn sự thật cao thượng: khổ, nguyên nhân của khổ, con đường diệt khổ, và sự đoạn diệt khổ), mà đỉnh cao là sự giải thoát hoàn toàn (arahatta). Trong kinh điển ghi lại nhiều trường hợp các vị Tăng và Ni không thể đạt được trí tuệ trực giác khi thực hành thiền. Tia chớp trực giác đôi khi chợt đến với họ trong những hoàn cảnh rất khác nhau: khi vấp chân phải hòn đá hay lúc nhìn thấy một đám cháy rừng, khi bắt gặp hình ảnh một đám bọt trên sông. Ở đây chúng ta thấy lại một điều khẳng định câu nói dường như rất mâu thuẫn là: “với chủ ý, đạt đến trạng thái không còn chủ ý”. Với chủ ý đưa toàn bộ ánh sáng chánh niệm soi chiếu từng hành động và sự việc nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày, cuối cùng trí tuệ giải thoát sẽ sanh khởi.

Sự chú ý liên tục không chỉ cung cấp mảnh đất màu mỡ cho trực giác phát triển, mà còn giúp chúng ta tận dụng tốt hơn và thậm chí có thể tái lặp lại những khoảnh khắc trực giác ấy. Nhiều người hoạt động trong các lĩnh vực sáng tạo khác nhau đều phàn nàn giống nhau về một kinh nghiệm là: tia chớp trực giác xuất hiện quá đột ngột và biến mất quá nhanh đến nỗi phản ứng chậm chạp của tâm không kịp nắm bắt được nó. Nhưng khi tâm đã được huấn luyện tạm dừng để quan sát, làm chậm lại và chú ý liên tục, và nếu vô thức được tác động như đã nói ở trên, thì khoảnh khắc trực giác sẽ trở nên hoàn chỉnh hơn, chậm rãi và mạnh mẽ hơn. Trong trường hợp đó, tác động của nó sẽ đủ mạnh và rõ ràng, cho phép chúng ta tận dụng đầy đủ khoảnh khắc trí tuệ trực giác ấy. Thậm chí có thể kéo những xung động đang trên đà đi xuống lên tới đỉnh cao mới, tương tự như những giai điệu nhạc trong một bài hát, khi đi xuống lại được hòa âm lên cao, tiếp nối từ những nốt nhạc cuối cùng của giai điệu trước.”



3. THAM LAM



(Maha ThongKham Medhivongs) - Theo Phật dạy sự bắt đầu của lòng tham là ưa, thích. Sự ưa, thích nầy không làm hại cho bản thân người ưa thích và người ở gần bên. Vì người ưa thích làm lụng để lấy tiền, chớ không làm gì đến kẻ khác để lấy tiền làm giàu cho bản thân mình. Như vậy chưa gọi là Tham được.

Nếu đem lòng tham ví với các trạng thái của trái xoài chín và nếu phân tách trạng thái của trái xoài chín, thì người ta thấy có 7 giai đoạn:



1. Hườm hườm


2. Vừa chín


3. Chín đều


4. Chín mùi.


5. Chín thâm kim


6. Chín úng


7. Chín rục có dòi.


Người ăn xoài có thể ăn bốn thứ xoài từ hườm hườm cho tới xoài chín mùi thì thật là vô hại, bằng ăn ba thứ sau sẽ có hại cho sức khỏe.

Lòng tham cũng có tuần tự tiến triển như chín mùi của trái xoài. Có thứ lòng tham cũng không hại, nhưng ta không biết ngăn đón nó, thì nó lại đem đến sự tai hại cho ta. Như tôi đã nói bắt đầu của của lòng tham là sự ưa thích, nếu ta không biết ngăn nó, nó sẽ đi lần tới ham muốn và ham muốn tội lỗi, rồi tới tham.

Chư đại-đức thường dạy không nên tham lam và nên ngăn ngừa chứng tham lam. Ý chư Đại đức dạy rằng nên trông coi tâm ta, đừng để nó đi quá cái mức ưa thích tới nơi tham lam thái quá, rồi gây ra tội lỗi. Vì khi mà tâm người đi tới giai đoạn tham thì nó lại tìm mưu nầy kế kia để thỏa mãn, bất luận là phải làm một điều gì, dầu có trái với pháp luật chăng nữa cũng vẫn cứ làm.

Đây tôi xin phân ra từng giai đoạn của lòng tham và xin tuần tự giải thích:

1. Ưa (rati): Khi mình trông thấy một vật gì hay nghe một tiếng gì vừa lòng, thì mình thấy ưa vật ấy hay tiếng ấy. Sự ưa ấy Phạn ngữ gọi là rati. Rati nầy có ở trong lòng của mọi người, từ giàu sang đến nghèo khó. Nhưng sự ưa ấy không gọi là tham, không gọi là ác.

2.  Thích (icchā): Thích nghĩa là muốn được vật gì mà mình đã ưa, mình cầu cho được mình mong mỏi. Lòng mong cầu nầy không có gì ác bằng chiếm đoạt sái với lẽ đạo, hay luật đời, vì khi tâm còn trong vòng tốt đẹp, như muốn học giỏi làm việc nhiều để được tiền, siêng năng làm cho ra tiền bằng cách chánh mạng và chánh nghiệp. Hạng icchà nầy không gọi là tham được. Vì nếu không thành công thì đó chẳng qua là sự hiểu lầm thôi, chưa gây ra tội lỗi.

3. Ham muốn (mahicchā): Giai đoạn này là giai đoạn bắt đầu đi vào tội lỗi, nếu ta không dùng trí tuệ kềm hãm hay trừ nó ngay lúc phát sanh. Nhưng đây cũng chưa hẳn là đi đến nơi phá giới hay là phạm pháp. Nó chỉ làm giảm mất phẩm hạnh thanh cao của mình thôi, vì khi người ta ham muốn, thường làm những chuyện chướng mắt, không lịch sự. Ta có thể thấy người ham muốn ấy trong nhiều trường hợp như trong bữa ăn, khi người ham muốn thấy món ăn nào ngon và hợp miệng mình, thì không còn nghĩ đến người quanh mình, ăn lấy ăn để, như thế làm giảm mất giá trị của mình. Chúng ta còn thường thấy nơi chen chúc mua đồ bằng "Bông" hay là khi gặp tuồng hát hay, kẻ đến sau mà chen lấn vào trước, không nghĩ đến người đã đứng đợi từ trước. Hạng người ham muốn nầy chỉ biết thủ lợi cho mình thôi, không nghĩ đến ai hết, nhưng họ cũng không làm hại ai. Đây là sơ khởi của lòng tham, nếu người ấy không biết giữ mình hay sửa chữa mình, thì họ sẽ đi đến chỗ tham không còn là bao xa. Người mà có lòng ham muốn nầy, ví như người thổi bong bóng, khi họ thổi bong bóng càng lúc càng lớn, thì cái bong bóng lại từ từ che tất cả các sự vật trước mặt họ: họ chỉ thấy cái bong bóng ấy thôi. Người ham muốn cũng vậy, cứ để tâm theo đà ấy mà đi mãi mãi, thì lại đi tới tham.

Nếu có người hỏi: "Vậy người muốn làm giàu và ham nhiều, hai người nầy có giống nhau không?" Không giống nhau được. Vì người muốn làm giàu chỉ lo chăm chỉ làm việc có lợi nhiều cho giàu, không gian lận để làm giàu, thì cái giàu ấy không thể gọi là ham nhiều được. Còn ham nhiều có nghĩa là có gian lận. Làm giàu do nơi cần cù và chánh nghiệp ấy do nơi rati (ưa) chớ không phải do nơi ham muốn. Còn ham muốn là sự làm lòng người bôn chôn nóng nảy muốn được của về cho mình, mặc dầu là không phạm luật sai pháp, nhưng không hoàn toàn trong sạch, vì bày tỏ ra bên ngoài cho người trông thấy: đó là con đường bắt đầu đi sâu vào tội lỗi là lòng tham.


Ví dụ như hai người đi bộ cùng đi đến một nơi chỉ định là từ Sài Gòn đi Vũng Tàu.

Một người thì đi không hối hả hấp tấp, đi vừa phải với sức mình. Còn một người thì đi hấp tấp cho mau, vậy mà vẫn còn thấy chậm, rồi chạy lúp xúp, nhưng cũng chẳng vừa lòng, cố chạy cho mau để tới chỗ. Cách đi của người nầy không đem lại kết quả tốt đẹp mà trái lại làm cho mệt và đôi khi phải bệnh, vì sự làm quá sức. Người nầy cũng như người ham nhiều, còn người kia là người muốn làm giàu, khác với nhau cũng như rati (thích) và mahicchà khác nhau vậy.

4. Ham muốn tội lỗi (pāpicchā): hay ham muốn một cách sâu xa đê tiện. Không biết tội lỗi và trái với luật pháp.

Một khi tâm người đi tới chỗ ham muốn sâu xa đê tiện thì không còn nghĩ tới sự khen chê khinh bỉ của thế nhơn. Người có tâm ấy chỉ biết làm theo khát vọng của mình thôi, không còn lo sợ gì hết. Mặc dầu chuyện làm ấy đối với pháp luật là vô tội, nhưng không khỏi miệng đời phê phán và người đời khinh bỉ, chẳng hạn như chuyện làm của nhiều người nịnh bợ bề trên để được che chở làm việc ít mà hưởng lợi nhiều.

Chúng ta đừng nghĩ rằng: việc làm quấy, ý tưởng xấu mà ta giấu che không ai biết: tất cả những sự suy nghĩ và sự hành động mà mình cho là thật kín, cũng có ngày lộ ra, vì đó là việc làm hay là sự suy nghĩ cũng có ảnh hưởng đến đời ta, không sớm thì muộn đều lộ liễu cho người thấy.

Tâm chúng ta xấu xa đê tiện hằng tìm kiếm những điều xấu xa tội lỗi. Tâm chúng ta có thể ví như con lằng xanh. Con lằng xanh thích những cái gì mà người đời nhờm gớm. Tâm ta cũng có khuynh hướng thích những điều nhờm gớm như vậy, nên bậc tri thức nhận thấy rõ nó, như ta thấy rõ con lằng xanh.

5.  Tham (lobha): là ham muốn mãnh liệt trong lòng mình và muốn chiếm của kẻ khác, hoặc cưỡng bách để đem về cho mình hay trộm cắp v.v... Tóm lại là dùng phương tiện nào cũng được miễn đem vật mình đã thích về cho mình. Hạng người ham muốn nầy không màng tội lỗi đối với pháp luật và cũng không sợ quả của luân hồi.

Lòng tham không đo lường, hoặc hình dung ra thế nầy thế nọ được. Muốn dễ nhận thức, tôi xin ví dụ như thế nầy:

Có người muốn được một trăm ngàn đồng để làm một công việc gì. Người cố hết sức làm lụng vất vả để có đủ số tiền cần dùng vào việc ấy. Người nầy không gọi là tham mà gọi là ưa-thích.

Còn một người khác chỉ cần một ngàn đồng thôi, mà lại đi lường gạt hay làm một chuyện gì bất chánh để có số tiền thì người ấy gọi là người tham. Vậy ham muốn một cách bất hợp pháp, bất chánh, mặc dầu một xu nhỏ cũng gọi là tham.

Tham là một ác pháp, một phiền não, là nguồn gốc làm cho tâm ta nhơ đục, tội lỗi; và cũng vì nó mà luân hồi.

Lòng tham đến giai đoạn nầy là hiện thân của tội ác.




6. Tham lam (abhijhā): tham quá sức, lòng tham quá sức nầy có thể khiến người ta làm tội ác được.

7.  Tham lam thái quá (abhijhàvisamalobha): nghĩa là lòng tham đã đi tới tột độ, không còn chỗ nào cao hơn. Lòng tham nầy làm cho lòng người mờ tối, không còn nhận thấy phải trái, dám giết người cướp của miễn đoạt cho được mới nghe. Lòng tham của con người tới mức độ nầy, thì không còn phương pháp nào chặn đứng được.



4. SÂN HẬN



(Sayadaw U. Jotika) - Hay cáu giận, dễ kích động – đó đều là những từ chỉ tâm trạng tiêu cực.

Nhưng hãy xem cho kỹ xem bạn có thể tìm thấy những trạng thái cảm xúc như thế trong chính bản thân mình hay không.

Oán giận, Tàn nhẫn, Chua cay, Hay gây sự, Ác ý, Hờn dỗi, Giận dữ mù quáng – đó thật là những điều kinh khủng.

Bực dọc, Oán ghét, Căm thù, Thù địch, Nhạo báng.

Sợ hãi, Bất an, Bứt rứt, Lo ngại, Bồn chồn hốt hoảng, Lo sợ, Khiếp đảm – rất nhiều ngữ nghĩa khác nhau.

Nghi ngại, Lo lắng, Day dứt, Cáu kỉnh, Kinh sợ, Hãi hùng, Kinh hoàng, Hoảng loạn.

Tất cả những từ này ở trong tiếng Pali chỉ là DOSA – sân. Chỉ một từ trong ngôn ngữ Pali, DOSA. Nó chứa tất cả mọi nghĩa ấy.

Ghê tởm, Khinh miệt, Khinh bỉ, Coi thường, Ghét cay ghét đắng, Ác cảm, Chán ghét, Khiếp sợ.

Rất nhiều sắc thái cảm xúc tiêu cực. Xấu hổ, Mặc cảm tội lỗi, Ngượng ngập, Buồn tủi, Hối hận, Nhục nhã, Hối tiếc, Ăn năn hối lỗi, Điên tiết, Thịnh nộ, Oán hận, Phẫn nộ, Bực tức, Căm phẫn, Phật ý, Chua cay, Thù oán, Phiền muộn, Cáu kỉnh, Thù hằn, Căm ghét, Thô bạo, Buồn bã, Sầu khổ, Đau buồn, Ủ rũ, U sầu, U uất, Tự thương hại bản thân, Cô đơn, Chán ngán, Thất vọng, Trầm cảm - Phiền muộn.

Tất cả chỉ có nghĩa là dosa – sân. Chỉ một từ duy nhất.

Tôi muốn các bạn hiểu một từ này – DOSA, sân. Tất cả các cảm xúc tiêu cực đó đều là tâm sân. Đức Phật dạy: “Sadosam va cittam ’sadosam cittan’ti pajānāti” (Khi tâm có sân, vị ấy biết rõ tâm đang có sân). Khi bạn có những suy nghĩ tiêu cực như vậy, hãy nhìn chúng một cách thật cẩn thận và hiểu rằng chúng là tâm sân. Không phải là tâm sân của bạn – nó không thuộc về bạn. Nó không phải là một ai cả. Nó chỉ là một cảm xúc, một suy nghĩ mà thôi.

Càng nhìn rõ những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực, chúng càng ít nổi lên. Và bạn càng làm chủ được chúng. Hãy hiểu rõ những từ này. Chúng rất quan trọng.

*  Cần lưu ý là tâm sân có 2 khuynh hướng:

-  Sân hận: phát ra, tấn công, tiêu diệt đối tượng

-  Sợ hãi: thu lại, thủ thế, tránh né đối tượng



5. SỢ HÃI



(J. Krishnamurti) - “Đầu tiên chúng ta hãy tự hỏi "sợ là gì" và "nỗi sợ hãi nổi lên như thế nào"?

Đối với chúng ta, bản thân từ ngữ "sợ" nghĩa là gì? Tôi đang tự hỏi "sợ là cái gì", chứ không phải là "tôi sợ cái gì".

Tôi sống theo một mẫu mực nào đó; tôi suy nghĩ theo một khuôn khổ nào đó; tôi có trong lòng những niềm tin và những giáo điều nào đó và tôi không muốn những lề lối sống đó bị xáo trộn, vì cuộc đời tôi đã gắn bó chằng chịt với chúng rồi. Tôi không muốn chúng bị xáo trộn, bởi lẽ sự xáo trộn sẽ nẩy sinh ra trạng thái mù mịt mơ hồ mà tôi không thích. Nếu tôi bị bứt ra khỏi những gì tôi đã biết và đã tin thì tôi cũng muốn có sự chắc chắn một cách tương đối về tình trạng tương lai của tôi. Nhưng khi bộ não đã tạo ra những khuôn mẫu rồi thì nó từ chối sự sản sinh những khuôn mẫu mới khác, mà có thể là bấp bênh. "Sự di chuyển từ trạng thái chắc chắn sang trạng thái bấp bênh là cái mà tôi gọi là sợ".

Hiện tại, ngay lúc tôi đang ngồi đây, tôi không sợ. Lúc này tôi không sợ, chẳng có chuyện gì xẩy ra cho tôi, chẳng ai đe dọa hoặc lấy cái gì của tôi. Nhưng ngoài cái thời gian đang hiện hữu này, trong tâm thức tôi còn có một lớp sâu hơn, đó là vùng ý thức hoặc vô thức, đâu đó, manh nha tới điều gì đó có thể xảy ra cho tôi trong tương lai, hoặc e ngại về một cái gì đó từ thời quá khứ đột nhiên ụp xuống đầu tôi. Cho nên tôi sợ cả quá khứ lẫn tương lai. Thế là tôi đã chia thời gian ra thành quá khứ và tương lai. Đến đây thì sự suy nghĩ nhảy vào lên giọng: "Coi chừng, sẽ không gặp được điều đó một lần nữa đâu", hoặc "Sửa soạn sẵn cho tương lai đi. Tương lai anh có thể sẽ nguy khốn. Bây giờ tuy là anh đã có chút đỉnh, nhưng rồi ra có thể là anh sẽ bị mất hết. Biết đâu chừng ngày mai anh sẽ chết, vợ anh có thể bỏ anh, có thể anh sẽ mất công ăn việc làm. Anh có thể chẳng bao giờ trở thành người có danh vọng. Có thể anh sẽ cô đơn... "

Bây giờ chúng ta hãy thử xét tới cái dạng sợ hãi của chính bạn. Nhìn coi. Quan sát kỹ phản ứng của bạn đi. Bạn có thể nhìn nỗi sợ hãi đó mà không nhấp nhổm muốn bỏ chạy, không nẩy ra chút ý muốn bào chữa, kết án hoặc kiềm chế chăng? Bạn có thể trực diện nỗi sợ đó mà không có trong tâm cái từ ngữ đã làm thức dậy nỗi sợ chăng? Bạn có thể trực diện sự chết, thí dụ thế, mà không có từ ngữ đã đánh thức nỗi sợ chết chăng? Bản thân từ ngữ đã đem tới sự chấn động, cũng như từ ngữ "yêu" có sự rung động của chính nó, có ấn tượng của chính nó, phải vậy không?

Bây giờ hãy coi có phải là những hình ảnh trong tâm trí bạn về sự chết, ký ức về biết bao nhiêu cái chết mà bạn đã nhìn thấy, cùng với sự bạn tự liên tưởng chính bản thân với những chuyện đã xẩy ra còn giữ trong tiềm thức đó, -- phải chăng đó chính là hình ảnh đã tạo ra sự sợ hãi trong lòng bạn? Hay là quả thật bạn sợ sự chết sẽ đến chứ không phải là bạn sợ những hình tượng trong tâm đã tạo ra sự chết. Có phải là từ ngữ "chết" làm cho bạn sợ hay là sự chết thật? Nếu chỉ là từ ngữ hoặc ký ức là lý do để bạn sợ thì chẳng có gì đáng sợ hết ráo.

Giả dụ như hai năm trước bạn bị bệnh, ký ức về sự đau đớn, về cơn bệnh vẫn còn tồn tại trong trí nhớ, nay nó trỗi dậy nhắc nhở "Coi chừng, đừng để bị bệnh lại như lần trước nữa đấy nhé". Thế rồi ký ức cùng với bè đảng của nó là guồng máy suy tư bèn tạo nên sự sợ hãi, mà thật ra thì chẳng có cái gì đáng để mà sợ hết ráo, vì lẽ lúc đó bạn đang rất là khoẻ mạnh.

Tư tưởng, vốn là cái luôn luôn cũ mèm, bởi vì tư tưởng thoát thai từ ký ức, mà ký ức thì dĩ nhiên là luôn luôn cũ mèm -- tư tưởng, vào lúc đó, tạo ra cái cảm giác là bạn đang sợ hãi, nhưng đó chỉ là cảm giác, không có trong thực tế. Thực tế là bạn đang khỏe mạnh. Nhưng cái kinh nghiệm về sự đau ốm, vốn đã khắc ghi trong tâm trí, trỗi lên nỗi sợ "Cẩn thận, đừng để bị bệnh lại nữa đấy nhé!"

Như thế chúng ta thấy rằng chính suy nghĩ gây ra một loại sợ hãi.”

“Để hiểu sợ hãi, ta phải nói về sự so sánh trước. Tại sao ta so sánh? Về mặt kỹ thuật, so sánh phát hiện sự tiến triển, tương quan với nhau. Năm chục năm trước chưa có bom nguyên tử, chưa có máy bay siêu âm, bây giờ chúng ta co những cái đó, và trong tương lai năm chục năm nữa, chúng ta sẽ có những cái mà hiện nay chúng ta không có. Cái đó được gọi là sự tiến bộ, luôn luôn so sánh, tương quan, và tâm trí chúng ta bị vướng mắc vào cái lối suy nghĩ kiểu đó. Không phải chỉ từ ngoại cảnh, mà ngay từ trong nội tâm, trong cái cấu trúc về tâm lý của chúng ta, chúng ta suy nghĩ theo kiểu so sánh. Chúng ta nói :" Tôi thế này, trước kia tôi thế này, và tôi sẽ khá hơn trong tương lai". Cái lối suy nghĩ kiểu so sánh như vậy, chúng ta gọi là sự tiến bộ, sự phát triển, và cuộc đời chúng ta, từ phẩm hạnh, đạo đức, tôn giáo cho dến làm ăn buôn bán, giao dịch trong xã hội, chúng ta đều dựa trên nền tảng đó. Chúng ta quan sát bản thân chúng ta một cách so sánh với cái xã hội vốn dĩ cũng thoát thai từ một sự phấn đấu trong so sánh như chính chúng ta.

So sánh sản sinh ra sợ hãi, bạn hãy tự quan sát sẽ thấy. Tôi muốn trở thành nhà văn viết hay hơn, hoặc trở thành người đẹp và thông minh hơn. Tôi muốn có nhiều kiến thức hơn mọi người. Tôi muốn thành công, muốn trở thành nhân vật quan trọng, muốn có danh tiếng trên thế giới. Thành công và danh tiếng là những điều so sánh rất căn bản về mặt tâm lý, mà do đó, chúng ta liên tục sản sinh ra sự lo sợ. Và sự so sánh cũng làm tăng thêm những mâu thuẫn, phấn đấu vốn được coi như những điều quan trọng.




Bạn nói rằng bạn phải cạnh tranh để sinh tồn trong cái thế giới này, do đó bạn so sánh và thi đua trong công việc làm ăn, trong gia đình và cái-gọi-là nội dung có tính cách tôn giáo . Bạn phải vào được thiên đường và ngồi ngay bên cạnh Chúa, hoặc một đấng cứu độ đặc biệt nào đó của bạn. Sự so sánh về tâm linh phản ảnh trong sự vị linh mục muốn trở thành giám mục, hoặc hồng y, hay cuối cùng tiến lên tới giáo hoàng. Suốt đời, chúng ta mài miệt trau giồi cái loại tâm linh đó một cách siêng năng, cần mẫn, phấn đấu để khá hơn, hoặc đạt được vị trí cao hơn người khác. Cấu trúc của đời sống xã hội và đạo đức của chúng ta đặt nền tảng trên những cái đó.

Cho nên trong cuộc đời chúng ta, cái tình trạng so sánh, cạnh tranh và sự phấn đấu không ngừng nghỉ để trở thành một nhân vật hay trở thành người vô danh, thì cũng vậy. Tôi cảm thấy rằng chính cái đó là cội rễ của toàn bộ sự sợ hãi, bởi vì chính nó đã sản sinh ra lòng thèm muốn, tật đố kî, thói ghen tị, căm thù.

đâu có sự căm thù thì ở đó chắc chắn là không có tình thương yêu và sẽ càng ngày càng tăng thêm sự sợ hãi.”



6. SI MÊ



Người ta thường nhấn mạnh vào tham lam, sợ hãi là chướng ngại lớn nhất trong trading mà ít chú ý để thấy rằng chính trạng thái tâm si mê là mảnh đất màu mỡ cho tham sân phát triển là mối nguy hại nhất. Trạng thái tâm này rất khó hóa giải. Nó chi phối hầu hết suy nghĩ hoạt động của chúng ta trong cuộc sống nói chung và trong nghề trading nói riêng. Quan sát thị trường thì chúng ta có thể ước tính khoảng 80% thời gian thị trường không có sóng, nên khi đối diện thị trường trong tình trạng này, tâm chúng ta dễ dàng bị khởi lên các ý nghĩ lan man, tìm kiếm, nắm bắt, dẫn đến giao dịch bừa bãi hoặc quá độ (overtrade) và thua lỗ. Si mê được biểu hiện qua nhiều trạng thái tâm gồm có phóng dật (nghĩ ngợi lung tung, lao chao bấn loạn), nghi (phân vân, lưỡng lự, hốt hoảng, bứt rứt, muốn nắm bắt cái gì cũng không rõ, không xong), hôn trầm thụy miên (lười chán, ngái ngủ, thụ động), vô tàm (không biết việc đó là tội lỗi, đáng hổ thẹn), vô quý (không biết hậu quả việc làm, liều mạng).

Thiền sư Nyanaponika giảng giải về nhóm chướng ngại quấy nhiễu tâm chúng ta mà rất khó diệt trừ là các suy nghĩ lan man và mơ tưởng:

“Chúng có thể bao gồm nhiều loại ký ức và hình ảnh của quá khứ, gần hay xa, cả những thứ nổi lên từ lớp sâu trong tiềm thức; các suy nghĩ về tương lai – dự tính, vạch kế hoạch, tưởng tượng, lo sợ, hy vọng; và cả những tác động giác quan có thể xảy ra trong thời gian hành thiền thường kéo theo cả một chuỗi dài suy nghĩ. Mỗi khi định tâm và chánh niệm bị suy thoái, các suy nghĩ lan man hoặc mơ tưởng sẽ xuất hiện và lấp đầy khoảng trống. Mặc dù tự thân chúng có vẻ như vô nghĩa, song do xuất hiện thường xuyên nên chúng trở thành một chướng ngại lớn, không những chỉ đối với các thiền sinh mới, mà còn đối với tất cả mọi thiền sinh mỗi khi tâm họ xáo động và bất an. Nhưng khi những kẻ xâm chiếm này bị khống chế, thì thiền sinh có thể hành thiền liên tục trong cả thời gian dài. Là một loại phiền não trói buộc, suy nghĩ lan man chỉ bị loại bỏ hoàn toàn khi đạt đến đạo quả Alahán, chánh niệm hoàn hảo của vị thánh Alahán luôn luôn canh giữ liên tục không ngừng nghỉ ở cửa ngõ của tâm.”



7.CHÚ Ý TỔNG THỂ


(J. Krishnamurti) – “Bạn nhìn một cái cây như thế nào? Bạn có thấy tổng thể cái cây không? Nếu bạn không thấy nó như một tổng thể, bạn chẳng nhìn cái cây gì cả. Bạn có lẽ đi qua nó và nói rằng, “Có một cái cây, nó đẹp làm sao đâu!” hay nói rằng, “Đó là một cây xoài,” hay “Tôi không biết những cây kia tên gì; chúng có lẽ là những cây me.” Nhưng khi bạn đứng lại và quan sát – tôi đang nói sự thật, thực tế – bạn không bao giờ quan sát tổng thể cái cây; và nếu bạn không thấy tổng thể cái cây, bạn không thấy cái cây. Cùng một cách như thế là nhận biết. Nếu bạn không thấy những vận hành của cái trí của bạn một cách trọn vẹn, một cách tổng thể theo ý nghĩa đó – như bạn thấy một cái cây – bạn không nhận biết. Cái cây được cấu thành bởi những cái rễ, thân cây, những cái nhánh, những nhánh to và những nhánh nhỏ và cái nhánh rất mảnh khảnh đang nhú lên ở đó; và chiếc lá khô, chiếc lá đang rơi, cái quả, bông hoa – tất cả những thứ đó bạn thấy như một tổng thể khi bạn nhìn cái cây. Cùng một cách như thế, trong thấy những vận hành của cái trí của bạn đó, trong nhận biết đó, có ý thức của bạn về chỉ trích, ưng thuận, phủ nhận, đấu tranh, dửng dưng, tuyệt vọng, thất vọng; nhận biết bao gồm tất cả những trạng thái tâm lý đó, không phải chỉ một trạng thái. Vậy là, liệu bạn có nhận biết, ý thức cái trí của bạn theo cái ý nghĩa rất đơn giản đó, giống như thấy tổng thể một bức tranh – không phải là một góc của bức tranh và hỏi rằng, “Ai đã vẽ bức tranh đó?”


8. CÔ ĐƠN


(J. Krishnamurti) – “Chúng ta hiểu trạng thái cô đơn là gì? Nó là một cảm thức về sự trống rỗng, không có gì cả, một trạng thái cực kì hoang mang mờ mịt, không bến không bờ. Nó không phải là nỗi tuyệt vọng hay thất vọng, nhưng là một cảm thức về hư vô, một cảm thức về sự trống không và một cảm thức về sự ẩn ức bất toại. Tôi chắc rằng tất cả chúng ta đều đã từng cảm thấy trạng thái đó, những người hạnh phúc lẫn những người bất hạnh, những người thật năng nổ hoạt động lẫn những người mê say kiến thức. Tất cả họ đều biết trạng thái này. Nó là sự cảm nhận nỗi đau bất tận, thực sự, một nỗi đau không thể che giấu, mặc dù chúng ta cứ cố che giấu. Chúng ta hãy tiếp cận lại vấn đề này để thấy cái gì thực sự xảy ra, để thấy bạn làm gì khi bạn cảm thấy cô đơn.

Bạn cố gắng đào thoát khỏi tình cảnh cô đơn của bạn, bạn cố gắng đọc tiếp một quyển sách, bạn theo một lãnh tụ nào đó, hay bạn đi xem chiếu bóng, bạn trở nên hết sức năng nổ về mặt xã hội, bạn đi lễ bái cầu nguyện, hay bạn vẽ, bạn làm một bài thơ về nỗi cô đơn. Đấy là điều đang thực sự xảy ra. Khi bắt đầu thức giác về nỗi cô đơn, nỗi đau của nó, nỗi sợ hãi khác thường và sâu thẳm về nó, bạn tìm kiếm một lối thoát và lối thoát đó trở thành quan trọng hơn và do vậy các thứ hoạt động của bạn, kiến thức của bạn, các thần linh của bạn, những chiếc radio của bạn, tất cả trở thành quan trọng, không phải thế sao? Khi bạn đặt tầm quan trọng vào những giá trị thứ yếu, chúng đưa bạn tới bất hạnh và hỗn loạn; những giá trị thứ yếu tất nhiên là những giá trị của cảm giác; và nền văn minh hiện đại đặt nền tảng trên những giá trị ấy cống hiến cho bạn lối đào thoát này - đào thoát qua việc làm của bạn, qua gia đình của bạn, tên tuổi của bạn, việc học tập của bạn, qua việc họa vẽ v.v...; tất cả nền văn hóa của chúng ta được đặt nền tảng trên lối đào thoát đó. Nền văn minh của chúng ta được xây dựng trên đó và đấy là một sự kiện. Bạn có bao giờ thử nghiệm ở trạng thái một mình chưa? Khi bạn làm thế bạn sẽ cảm thấy nó khó khăn khác thường đến dường nào và chúng ta phải có sự thông minh khác thường đến dường nào để ở vào trạng thái một mình, bởi vì tâm thức không chịu để cho chúng ta một mình. Tâm thức trở nên náo động, lăng xăng với những cách đào thoát, vậy chúng ta sẽ làm gì? Chúng ta sẽ cố gắng lấp đầy cái trống không khác thường này bằng cái biết được. Chúng ta phát hiện phải năng động thế nào, phải bặt thiệp ứng xử ra sao; chúng ta biết phải học tập như thế nào, nghe radio như thế nào. Chúng ta sẽ lấp đầy cái thực thể ấy mà chúng ta không biết bằng những thứ mà chúng ta biết. Chúng ta cố lấp đầy cái trống rỗng ấy bằng đủ loại kiến thức, các mối quan hệ, hay các đồ vật. Há không phải là thế sao? Đấy là quá trình của chúng ta, đấy là cuộc hiện sinh của chúng ta. Giờ đây khi bạn nhận chân điều gì bạn đang làm, bạn có còn nghĩ rằng bạn có thể lấp đầy cái trống rỗng đó hay không? Bạn đã cố dùng mọi phương cách nhằm lấp đầy sự trống rỗng này của nỗi cô đơn. Bạn có thành công trong việc lấp đầy nó hay không? Bạn đã cố đi xem phim ảnh và bạn đã không thành công và do vậy bạn đi theo các chân sư của bạn và những kinh sách của bạn, hoặc bạn trở thành người hoạt động rất tích cực về mặt xã hội. Bạn có thành công trong việc lấp đầy nó không hay là bạn chỉ che giấu nó mà thôi? Nếu bạn chỉ che giấu mà thôi thì nó vẫn tồn tại ở đó; do vậy nó sẽ trở lại. Nếu bạn có khả năng đào thoát hoàn toàn thì bấy giờ bạn bị nhốt vào bệnh viện tâm thần, hoặc bạn trở nên mê đần hết mức. Đấy là điều đang xảy ra trên thế giới. Liệu sự trống rỗng này, trạng thái hư vô này, có thể lấp đầy được hay không? Nếu không thể lấp đầy được thì liệu chúng ta có thể chạy trốn nó, đào thoát khỏi nó hay không? Nếu chúng ta đã từng kinh nghiệm qua và đã thấy một lối đào thoát nào đó là vô giá trị thì, do vậy há chẳng phải mọi lối đào thoát khác cũng đều là vô giá trị hay sao? Dù bạn lấp đầy sự trống rỗng ấy bằng thứ này hay thứ khác, việc đó cũng chẳng quan trọng gì. Cái gọi là thiền định cũng là một lối thoát. Thay đổi cách đào thoát của bạn, việc ấy chẳng quan trọng bao nhiêu.

Vậy làm thế nào bạn sẽ phát hiện ra cái gì cần phải làm về nỗi cô đơn này? Bạn chỉ có thể phát hiện ra cái cần phải làm khi nào bạn ngưng dứt đào thoát. Chẳng phải thế sao? Khi bạn sẵn sàng đối mặt cái HIỆN LÀ - tức là bạn không được mở radio, tức là bạn quay lưng lại với nền văn minh - lúc bấy giờ nỗi cô đơn đi đến chỗ chấm dứt, bởi vì nó được chuyển hóa hoàn toàn. Nó không còn là nỗi cô đơn nữa. Nếu bạn không hiểu cái HIỆN LÀ thì bấy giờ cái HIỆN LÀ là cái thuộc về thực tại. Bởi vì tâm thức cứ luôn lẩn tránh, đào thoát, không chịu lấy cái HIỆN LÀ nên nó tạo sinh ra những chướng ngại cho chính nó. Bởi vì chúng ta có quá nhiều thứ chướng ngại ngăn cản chúng ta nhìn thấy nên chúng ta không thông hiểu cái HIỆN LÀ và do vậy chúng ta đang chạy trốn thực tại; mọi thứ chướng ngại này đã được tạo ra bởi tâm thức để không thấy cái HIỆN LÀ. Thấy cái HIỆN LÀ không những đòi hỏi nhiều năng lực hành động và thức giác trong hành động mà còn có nghĩa là quay lưng lại với mọi thứ gì mà bạn đã xây dựng nên, tài khoản ngân hàng của bạn, tên tuổi của bạn và mọi thứ gì mà chúng ta gọi là văn minh. Khi bạn thấy cái HIỆN LÀ, bạn sẽ phát hiện nỗi cô đơn được chuyển hóa như thế nào.”



9. THÓI QUEN



(Nyanaponika) - “Một sự việc thường xảy ra là lúc đầu chúng ta coi một hành động hay một thái độ nào đó trong tâm là không quan trọng đối với cá nhân mình. Hành động hay thái độ đó có thể là bàng quan, thờ ơ và không gây hậu quả về đạo đức. Ban đầu chúng ta sẽ thấy rất dễ từ bỏ nó, thậm chí thay thế bằng một thái độ ngược lại, bởi vì không có cảm xúc hay định kiến nào thúc đẩy chúng ta thiên vị một bên nào cả. Nhưng do lặp đi lặp lại nhiều lần, chúng ta dần dần coi những loại hành động và suy nghĩ mình lựa chọn đó là “thích thú, đáng mong muốn, và đúng đắn”, thậm chí là “chính đáng” nữa; và do đó đồng hóa mình với nó, coi đó là tính cách của mình. Hậu quả là, chúng ta cảm thấy bất cứ sự phá vỡ nào đối với thông lệ đó là không thích thú hay sai trái. Bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài cũng khiến chúng ta tức giận, thậm chí còn coi là mối đe dọa tới “những nguyên tắc và lợi ích sống còn” của mình nữa. Thực ra, những tâm hồn hoang sơ, dù là “văn minh” hay không, lúc nào cũng nhìn những kẻ lạ mặt với “phong tục lạ đời” như là kẻ thù, và cảm nhận sự có mặt thân thiện của họ là đầy thách thức và đe dọa.

Lúc đầu, khi một thói quen nhất định không được coi là quá quan trọng, sự dính mắc thành hình dần dần ấy không hướng tới bản thân của hành động nhiều bằng sự thích thú do thông lệ thường làm không bị cản trở. Sức mạnh của sự dính mắc vào thông lệ một phần đến từ sức ỳ của thân và tâm chúng ta – sức ý đó là một động lực rất mạnh trong con người. Ở đây, chúng ta sẽ xem xét một nguyên nhân nữa khiến mình dính mắc vào thông lệ. Do sức mạnh của thói quen, một đối tượng - dù là đối tượng vật chất, một hành động hay cách suy nghĩ – sẽ được đầu tư thêm bằng sự gia tăng cường độ cảm xúc, đến mức sự dính mắc vào những thứ không quan trọng và tầm thường, vô nghĩa lại có thể trở nên mạnh mẽ, dai dẳng như thể đó là những nhu cầu thiết yếu nhất. Vì vậy, thiếu kiểm soát tâm có thể biến những thói quen nhỏ nhất thành những ông chủ đầy quyền lực của cuộc đời chúng ta. Nó ban cho chúng quyền lực nguy hiểm để hạn chế và làm cứng nhắc tính cách, hạn chế tự do tâm linh và tri thức của chúng ta. Do phục tùng thói quen, chúng ta tự mua dây buộc mình, và làm cho mình dễ bị tổn thương trước những dính mắc mới, sân hận, định kiến và sở thích mới; nghĩa là những đau khổ mới. Mối nguy hiểm đối với sự phát triển tâm linh do ảnh hưởng thống trị của thói quen ngày nay còn nghiêm trọng hơn rất nhiều; bởi vì sự phát triển các thói quen đặc biệt dễ nhận thấy trong thời đại ngày nay khi sự chuyên môn hóa và chuẩn hóa đã vươn tới rất nhiều lĩnh vực tư tưởng và đời sống.

Xu hướng mở rộng phạm vi ảnh hưởng của thói quen này ăn sâu bén rễ ở ngay trong tâm chúng ta. Nó bắt nguồn không chỉ từ sức mạnh (thụ động) của sự trì trệ (sức ỳ) đã nói ở trên, mà trong nhiều trường hợp còn từ ý chí áp đặt và chinh phục của chúng ta. Một số loại tâm hoạt động tích cực, cường độ mạnh, có xu hướng tự lặp lại chính nó. Mỗi tâm cố vật lộn để chiếm ưu thế, để trở thành trung tâm mà các trạng thái thân và tâm khác yếu hơn phải vận động xung quanh, tự thay đổi để thích ứng với và phục vụ cho trung tâm ấy. Xu hướng này không phải là không bao giờ bị thách thức, song nó vẫn chiếm ưu thế, và ngay cả các loại tâm phụ thuộc và ở ngoại vi cũng có cùng động lực vươn lên như thế. Điều này rất giống với xu hướng tự khẳng định mình và độc đoán, áp đặt lên người khác của những con người ngã mạn, khi họ tiếp xúc, giao tiếp với xã hội.

Cần phải nói rõ là thói quen, vốn được gọi là “vú nuôi của con người”, không thể và không nên biến mất khỏi cuộc sống của chúng ta. Chỉ cần nhớ xem, nhất là đối với những con người thành phố với cuộc sống đông đúc và phức tạp, thật nhẹ nhàng biết bao khi chúng ta có thể xử lý rất nhiều công việc khác nhau một cách tương đối máy móc mà chỉ cần chú ý “một nửa”. Thói quen làm đơn giản hóa cuộc sống của chúng ta. Nếu tất cả mọi công việc nhỏ nhặt, buồn tẻ đều phải làm với sự cố gắng đầy chủ ý và chú ý sát sao thì thật là căng thẳng. Thực ra, rất nhiều công việc tay chân, những công đoạn kỹ thuật trong nghệ thuật, và ngay cả một số quy trình công việc đầu óc, nếu tiến hành một cách khéo léo theo thói quen thường lệ sẽ mang lại kết quả tốt hơn và đều đặn hơn. Tuy nhiên ngay cả sự đều đặn của các công việc thói quen ấy cũng sẽ đạt đến điểm dừng. Nếu không được tiếp sức bởi một hứng thú mới, nó sẽ bộc lộ triệu chứng mỏi mệt và bắt đầu suy thoái.”



10. NỘI TÂM



(Nyanaponika) – “Một người có nội tâm chưa được làm chủ và không cân bằng do chưa từng thực hành thiền, khi nhìn vào các suy nghĩ và hoạt động thường ngày của chính mình sẽ thấy trong đó là cả một cảnh tượng hỗn loạn. Anh ta thấy, ngoại trừ một số dòng suy nghĩ và hoạt động có chủ đích, còn ở tất cả mọi nơi là sự đan xen mắc mớ hàng đống những dòng suy tưởng, nhận thức, cảm xúc và những cử động thường xuyên, liên tục của cơ thể, một tình trạng lộn xộn, rối rắm đến mức không thể chịu đựng nổi. Nhưng đó chính là tình trạng mà chúng ta coi là điều bình thường trong phần lớn thời gian thức và hoạt động tinh thần hàng ngày của mình. Bây giờ chúng ta hãy thử khảo sát xem bức tranh lộn xộn đó trông như thế nào.

Đầu tiên, chúng ta sẽ gặp phải một số lượng lớn các loại cảm nhận giác quan thông thường như hình ảnh, âm thanh đang liên tục trôi qua tâm. Hầu hết chúng đều rời rạc và mờ nhạt; thậm chí một số còn dựa trên những đánh giá hoặc cảm nhận sai lầm. Mang theo những khiếm khuyết cố hữu đó, chúng thường là cơ sở không được kiểm chứng để cho ra những đánh giá hoặc quyết định ở tầm mức tâm cao hơn. Đúng, tất cả những cảm nhận giác quan thông thường này không cần và cũng không thể là đề mục để thiền sinh chú tâm. Một hòn đá nằm lăn lóc bên đường sẽ chỉ khiến chúng ta phải chú ý khi nó cản trở đường đi hay thu hút sự chú ý của bạn vì một lý do nào đó. Tuy nhiên, nếu chúng ta thường xuyên quá lơ là đối với những cảm nhận giác quan này, thì có lúc sẽ vấp phải đá trên đường, hay bỏ qua nhiều viên đá quý khác.

Bên cạnh những cảm nhận giác quan thông thường đó, còn có những cảm nhận, suy nghĩ, cảm xúc và tác ý rõ ràng và có ý nghĩa – vốn liên kết chặt chẽ với cuộc sống có chủ ý của chúng ta. Ở đây cũng thế, chúng ta thấy đa phần chúng ở trong trạng thái hoàn toàn rối bời. Hàng trăm suy nghĩ chợt thoáng qua trong tâm, và ở mọi nơi là những “đầu, mẩu” của các dòng suy nghĩ đứt đoạn, những trạng thái tình cảm bị đè nén và những cảm xúc thoáng qua. Rất nhiều trong số chúng đều chết yểu. Bởi vì bản chất mờ nhạt, mong manh bẩm sinh của chúng, do sức tập trung kém của chúng ta hoặc sự lấn át của các cảm nhận giác quan mạnh hơn, nên chúng không tồn tại và phát triển lên được. Nếu quan sát tâm mình, chúng ta sẽ thấy các suy nghĩ đổi hướng dễ dàng như thế nào, cách hành xử của chúng cứ như mấy đứa con nít cãi nhau, liên tục ngắt lời nhau, không chịu lắng nghe đứa khác nói. Nhiều dòng suy nghĩ lại vẫn chỉ ở giai đoạn sơ khai hoặc bị bỏ qua không được thể hiện thành ý chí hay hành động, bởi vì không đủ can đảm để chấp nhận những hậu quả thực tế về đạo đức hay tri thức của nó. Tiếp tục xem xét kỹ hơn những cảm nhận, suy nghĩ hay đánh giá thông thường của mình, chúng ta sẽ phải chấp nhận một điều rằng phần nhiều trong số đó là không đáng tin cậy. Chúng chỉ là những sản phẩm của thói quen, bị chi phối bởi các loại định kiến: tri thức hay cảm xúc, bởi lựa chọn yêu-ghét của chính mình, bởi sự quan sát sai lầm hay hời hợt, bởi tính lười biếng hay ích kỷ.

Một cái nhìn vào những góc kín bị bỏ quên từ lâu trong tâm như vậy sẽ mang đến một cú sốc tốt đối với người quan sát. Nó thuyết phục anh ta rằng yêu cầu cấp thiết bây giờ là phải rèn luyện tâm mình một cách bài bản, đào sâu xuống bên dưới lớp mỏng bề mặt của tâm, tới những vùng tâm thức mờ ảo rộng lớn mà chúng ta vừa ghé thăm đó. Người quan sát khi đó sẽ nhận ra rằng vùng tâm thức nhỏ lộ ra trước luồng sáng của ý chí và suy nghĩ có chủ đích không phải là thước đo đáng tin cậy sức mạnh nội tâm và sự sáng suốt tổng thể của tâm thức. Anh ta cũng thấy rằng không thể đánh giá chất lượng tâm của cá nhân chỉ dựa vào một vài kết quả hoạt động tâm thức tốt nhất đạt được trong một giai đoạn ngắn ngủi và gián đoạn nào đó. Nhân tố quyết định để xác định chất lượng tâm là sự hiểu biết bản thân và tự kiểm soát chính mình như thế nào: sự ý thức (chánh niệm) trong tâm và bộ phận các hoạt động không kiểm soát (vô thức) hàng ngày đang có xu hướng tăng lên hay giảm đi.

Chính sự dễ duôi, lơ là nho nhỏ trong suy nghĩ lời nói và hành động mỗi ngày, trải qua nhiều năm tháng trong cuộc đời chúng ta (và như Đức Phật dạy, qua nhiều kiếp sống) là thủ phạm chính của tình trạng lộn xộn, rối rắm mà chúng ta thấy trong tâm mình. Sự dễ duôi này tạo ra rắc rối và cho phép những rắc rối ấy tiếp diễn. Chính vì vậy mà những vị trưởng lão thời xưa đã nói: “Dễ duôi tạo ra rất nhiều bụi bặm. Trong nhà cũng như trong tâm, một hai ngày mới chỉ có một chút xíu bụi bám vào, nhưng cứ tiếp diễn như thế nhiều năm, nó sẽ trở thành một đống rác khổng lồ”.

Những góc lộn xộn, tối tăm trong tâm là nơi ẩn náu của những kẻ thù nguy hiểm nhất của chúng ta. Từ nơi đó, chúng tấn công mà chúng ta không hề hay biết, và đánh bại chúng ta quá thường xuyên. Cái thế giới chạng vạng đó chứa đựng những khao khát không được thỏa mãn, những nỗi uất ức bị kìm nén, sự dao động, chập chờn, những ý nghĩ chợt thoáng qua, và rất nhiều hình ảnh mờ ảo, tạo nên một cái nền mà từ đó những cảm xúc bột phát – tham, dục, sân hận, tức tối – tìm kiếm được sức hỗ trợ mạnh mẽ. Bên cạnh đó, sự mờ tối của vùng chạng vạng ấy là mảnh đất nuôi dưỡng và cũng chính là loại phiền não gốc (akusalamūla) thứ ba mạnh nhất - si.

Các cố gắng đoạn trừ các loại phiền não gốc - tham, sân, si - sẽ thất bại chừng nào những phiền não này vẫn tìm được chỗ trú ngụ và hỗ trợ ở những vùng mờ tối không được kiểm soát của tâm; chừng nào những sợi suy nghĩ và cảm xúc nửa vời, vốn khít chặt và phức tạp, vẫn đan dệt nên tấm phông nền của tâm, mà trong đó hiếm hoi mới đan xen vài sợi suy nghĩ sáng suốt và cao thượng. Nhưng chúng ta phải xử lý cái khối cồng kềnh và lộn xộn ấy như thế nào đây? Thường thì chúng ta chỉ cố gắng lờ nó đi và dựa dẫm vào các xung lực đối trị của lớp tâm bề mặt. Nhưng phương thuốc an toàn duy nhất là đối diện với nó – bằng chánh niệm. Không có gì khó khăn cả, chỉ cần huân tập thói quen hướng sự chú ý, ghi nhận thuần túy tới những suy nghĩ thô sơ đó càng thường xuyên càng tốt. Nguyên lý hoạt động ở đây dựa trên một sự thật đơn giản là hai suy nghĩ không thể tồn tại trong cùng một lúc: khi ánh sáng chánh niệm có mặt, sẽ không có chỗ cho khoảng tối của vô thức. Khi chánh niệm liên tục đã có chân đứng vững chắc, thì việc phải đối phó như thế nào với các suy nghĩ, cảm xúc và trạng thái tâm thô sơ ấy sẽ chỉ còn là vấn đề thứ yếu. Chúng ta có thể chỉ cần gạt bỏ chúng và thay thế bằng những suy nghĩ có chủ đích khác; hay cho phép hoặc thậm chí buộc chúng phải nói ra hết những gì chúng muốn nói. Ở trường hợp thứ hai, thường là chúng sẽ bộc lộ sự nghèo nàn và yếu ớt thực sự. Khi đó sẽ không khó khăn để buông bỏ một khi chúng đã bị buộc phải lộ diện. Quy trình ghi nhận thuần túy này rất đơn giản và hiệu quả; cái khó chỉ là sự kiên trì áp dụng nó một cách liên tục mà thôi.

Quan sát một sự việc phức tạp có nghĩa là xác định những thành phần cấu tạo nên nó, loại trừ dần từng sợi dây nhỏ đã dệt nên cả bó dây rối rắm ấy. Nếu áp dụng điều này vào trong dòng đời phức tạp của tâm mình và cuộc sống thực tế, thì một cách tự động, ảnh hưởng điều tiết mạnh mẽ của nó sẽ được nhận thấy rất rõ. Như thể ngượng ngùng trước một cặp mắt quan sát trầm tĩnh, các dòng suy nghĩ sẽ bớt vô tổ chức và bớt thay đổi bất thường hơn; chúng sẽ không dễ bị chuyển hướng nữa, và sẽ ngày càng giống như một dòng sông được điều tiết nước và hướng dòng cẩn thận.”



12. BẢN TÁNH



(Tuệ Thiện) - Theo Phật giáo, con người có 6 căn tánh chính là :

1. Bản tánh THAM (Raagacarita)

2. Bản tánh SÂN (Dosacarita)

3. Bản tánh SI (Mohacarita)

4. Bản tánh TÍN (Saddhacarita)

5. Bản tánh MINH (Buddhicarita) (khôn ngoan)

6. Bản tánh TẦM (Vitakkacarita) (tò mò, rắc rối, chi li)

Sáu căn tánh nầy phối hợp với nhau cho ra 63 tánh tình khác nhau. Gồm có 14 thuần tánh và 49 hỗn hợp tánh.

Không ai có thể biết chính xác tâm tánh người khác, ngay cả tâm tánh của chính mình hay của vợ chồng với nhau, ngoại trừ những vị có Tha Tâm Thông.

Phật giáo đưa ra 5 yếu tố để xét đoán về tâm tánh con người :

1. Oai nghi : cách đi, đứng, ngồi, nằm, cử chỉ, nói năng…

2. Thọ dụng : cách ăn uống, sở thích ăn uống. TD : người tham thích ăn vị béo ngọt.

3. Cách làm việc: ví dụ



-  người Minh : làm việc chu đáo, kỹ lưỡng

-  người Tham : làm việc nhanh le, gấp rút.

-  người Sân : làm việc dục chạc, cẩu thả.

4. Cách nhận thức, tính cảm quan, cách diễn dịch sự vật xuyên qua 5 giác quan: lạc quan, bi quan hay thực tế hay không tưởng (trên trời, dưới đất). Cách chấp thủ, bám víu, hay thờ ơ, lãnh đạm với đối tượng nầy.

5.   Khuyết tánh (tánh xấu) : ví dụ

-  người Tham : không biết đủ, mưu mô, gian xảo, hay so đo những gì có lợi cho mình; tự cao, ngã mạn ; thích được tâng bốc.

-  người Sân: nóng giận, thù hiềm, hay chỉ trích việc công đức người khác, ganh tị, bỏn xẻn, hối tiếc.

-   người Si: ngủ nhiều, không tỉnh táo, phân vân, ngờ vực vì không có khả năng để nhận xét đối tượng, thiếu tự tin.

-  người Tín: dễ tin, dễ dụ ; nếu thích hợp với tánh tầm thì lại hay hoài nghi, chẻ sợi tóc làm tư.

-  người Minh: có nhiều tánh tốt hơn tánh xấu, nhưng tuỳ theo những tánh hỗn hợp mà họ có những tánh xấu. Nếu hợp với tham thì họ sẽ ích kỷ, ngã mạn. Nếu hợp với sân thì họ sẽ thiếu nhẫn nại và hay bỏ rơi đồng bạn.

-  người Tầm: thường nói nhiều, có ý nghĩ rắc rối, chẻ sợi tóc làm tư, vui thích những nơi tập hợp đông đảo, thiên hướng bất định, nên việc làm không đi đến kết quả. Đêm hay suy tính, nghĩ ngợi nên thường hay mất ngủ hoặc ngủ ít.”



Một trader cần nắm rõ vấn đề này để phần nào nhận biết được bản tánh của mình mà điều chỉnh. Một cách tổng quát thì có thể chia thành 2 nhóm chính:

Căn bất thiện: người căn tánh Tham hay nhìn vào mặt đẹp/tốt của đối tượng; Sân thì hay thấy mặt sai/xấu; Si thì thường không có chủ kiến.

Căn thiện: người căn tánh Tín thì có nhiều đức tin; Minh thì có nhiều trí tuệ; Tầm thích tư duy, tìm kiếm.

Điều thú vị là có sự tương đồng giữa biểu hiện bề ngoài nhưng nguyên nhân thì khác nhau giữa người có căn tánh thiện và người có căn tánh bất thiện. Ví dụ như giữa người Si và người Tầm thường do dự phân vân: một đằng thì phân vân do không hiểu biết, đằng kia thì phân vân do biết quá nhiều. Tương tự, người Sân dễ nổi giận do thói quen nhưng người Minh nổi giận vì thấy sự việc không chu đáo, cẩu thả. Người Tham dễ bị cám dỗ nên dính mắc, người Tín thì vì cả tin mà dính mắc.








No comments:

Post a Comment